Chống nhiễm trùng bằng rác điện tử

27/06/2010 23:05 GMT+7

Các nhà nghiên cứu của Đại học York (Anh) đã tìm ra cách biến rác thải từ các màn hình LCD thành hợp chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn như Escherichia coli (thường được viết tắt là E.coli), một số dòng Staphylococcus aureus và các loại vi khuẩn gây hại khác.

Polyvinyl-alcohol (PVA) là một thành phần chủ chốt tạo nên màn hình LCD. Nó cũng là hợp chất hóa học có thể tương thích với cơ thể người, nên không gây hại đối với sức khỏe con người.

Trước khi sử dụng, chuyên gia Andrew Hunt và các đồng nghiệp buộc phải làm nguội và kế đến là đun nóng PVA, khử nước bằng ethol và cho thêm các phân tử nano bạc để tăng cường khả năng diệt khuẩn của vật liệu này. Sản phẩm cuối cùng có thể được sử dụng trong các quy trình vệ sinh tại bệnh viện để giảm bớt khả năng lây nhiễm giữa các bệnh nhân. Cũng theo thông cáo báo chí của Đại học York, sản phẩm trên có thể được dùng dưới dạng thuốc viên hoặc vỏ bọc được thiết kế để chuyển thuốc đến những phần được chỉ định trong cơ thể người.

Rác thải điện tử là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng trong cuộc sống hiện đại. Những hóa chất độc hại, bao gồm chì, thủy ngân, catmi đe dọa môi trường sống. Ngoài ra, người ta còn dùng những hóa chất nguy hiểm như thạch tín và axít để chiết xuất các kim loại có giá trị từ những bảng mạch điện tử và dây điện. Do đó, tái sử dụng rác thải điện tử vào những mục đích có ích đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống con người, nhất là khi có hơn 2 tỉ màn hình LCD đang chuẩn bị chấm dứt chu kỳ sống của mình trên thế giới. 

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.