Người thổi hồn cho báu vật quốc gia

13/05/2010 00:10 GMT+7

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Hải ở Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển (Phú Yên) là một trong những người đã “bắt” kèn đá ngàn năm tuổi phát ra những âm thanh mê hoặc. Nghe đọc bài

Kèn đá của Phú Yên đang được trưng bày tại Nhà triển lãm Việt Nam ở Triển lãm thế giới World Expo 2010 (diễn ra từ 1.5 đến 31.10 tại Thượng Hải, Trung Quốc). Cùng với kèn đá, Phú Yên còn có đàn đá, là hai nhạc cụ quý giá có tuổi đời hàng ngàn năm - được tỉnh Phú Yên đăng ký là báu vật quốc gia.

Mê mẩn chiếc kèn lạ

NSƯT Thanh Hải cho biết, năm 1993, khi đàn đá được phát hiện tại huyện Tuy An, anh tò mò đến xem các giáo sư, nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam báo cáo kết quả thẩm âm, giá trị đặc biệt của nhạc cụ và biểu diễn. Thanh Hải nhớ lại: “Khi đó, xem NSND Đỗ Lộc biểu diễn đàn đá, tôi cực kỳ ấn tượng”. Một năm sau đó, kèn đá được phát hiện, cũng ở Tuy An. Chàng nhạc công của đoàn Sao Biển đến Bảo tàng tỉnh Phú Yên nhìn mê mẩn chiếc kèn lạ được trưng bày trong tủ kính.

Năm 1995, đoàn Sao Biển xây dựng chương trình tham dự Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Hải đề xuất với lãnh đạo đoàn “mượn” đàn đá, kèn đá để biểu diễn vì anh biết rằng nếu thành công thì đó chính là tiết mục “độc”, khả năng giành huy chương cao. Nhưng khó khăn là lúc đó, Phú Yên chưa ai biết sử dụng đàn đá, kèn đá. “Giai đoạn đầu quả là một thử thách đối với tôi. Đàn đá chỉ có 8 thanh, nhưng thang âm quá nhỏ, quá hẹp, không đủ một quãng tám, thật khó đánh những bài dân ca. Thêm nữa, tôi vốn quen sử dụng organ và các nhạc cụ điện tử, giờ lại thao tác với nhạc cụ đánh bằng... búa, gõ xuống một cái, âm phát ra một tiếng, buộc phải đánh nhanh liên tục, phối hợp nhuần nhuyễn giữa đầu óc và đôi tay. Còn kèn đá thì không có thang âm, chỉ có một cái lỗ, tạm gọi là cảm biến âm thanh. Ban đầu ráng hết hơi, tôi vẫn chỉ thổi ra mấy tiếng ồ ồ, ngắn cũn. Phải nghĩ cách phân phối làn hơi, áp môi, luyến lưỡi, rồi tay vuốt, bịt... thế nào để tạo được âm nhạc” - người NSƯT năm nay 40 tuổi này nhớ về những ngày đầu “đánh vật” với nhạc cụ đá.

Nhưng nhờ tố chất của một người biết chơi trống từ khi 9 tuổi, được đào tạo trường lớp về bộ hơi, cộng với việc “tập ngày tập đêm, tập quên ăn trưa”, chỉ một thời gian sau, Thanh Hải đã thực hiện khá hoàn chỉnh bài phối mà nhạc sĩ Bảo Chấn soạn. Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm đó, tiết mục biểu diễn đàn đá, kèn đá của Thanh Hải đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo và được trao huy chương vàng.

 
...và thổi kèn đá - Ảnh: Quốc Khương

Đấy không phải lần duy nhất Thanh Hải thành công với đàn đá, kèn đá. Ở hai lần hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc các năm 1999 và 2002, Thanh Hải cũng giành HCV với các tiết mục biểu diễn đàn đá, kèn đá. Với ba HCV này, Thanh Hải là một trong hai nghệ sĩ đầu tiên của Phú Yên được Nhà nước xét tặng danh hiệu NSƯT vào cuối năm 2006. Mới đây, Thanh Hải lại đoạt HCV Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 2009 sau khi dùng đàn đá, kèn đá phối nhạc cho một tác phẩm múa của đoàn Sao Biển.

Tìm “tiếng nói chung” giữa hai nhạc cụ đá

Nhưng nếu chỉ biết chơi, biết thổi đàn đá, kèn đá thì chưa đủ. Phải là người biết thổi hồn vào các nhạc cụ đó, tạo nên những hiệu ứng âm thanh độc đáo thì mới thuyết phục được những người có nghề và khán giả. Thanh Hải tâm sự: “Bên cạnh sự khổ luyện, tư duy thường xuyên để có sáng tạo mới, còn phải “hiểu” đàn đá, kèn đá thì mới tạo được những âm thanh độc đáo được. Với khả năng bây giờ của mình, một ngày tôi có thể nghĩ ra 20 bài phối mới cho các ca khúc, nhưng để nghĩ được một bài phối cho đàn đá, kèn đá phải tính bằng tháng”. Không chỉ có gõ búa vào đàn đá, dưỡng hơi để thổi kèn đá, Thanh Hải còn trăn trở nhiều để tìm ra “tiếng nói chung” giữa hai nhạc cụ đá này với dàn nhạc điện tử, với trống đôi - cồng ba - chinh năm, với một dàn mấy chục chiếc trống cái - trống chiến...

Giờ đây, mỗi dịp tỉnh Phú Yên đi quảng bá địa phương ở nước ngoài là mỗi lần Thanh Hải cùng đàn đá, kèn đá đi theo. Anh đã biểu diễn ở các lễ hội lớn của đất nước như kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, các kỳ Festival Huế, lễ hội Phố cổ Hội An; giới thiệu ở Lào, Hàn Quốc, Singapore...

Thanh Hải thổ lộ: Hiện nay, anh đang đầu tư trí lực vào việc sáng tạo những dấu ấn mới từ đàn đá, kèn đá chuẩn bị cho các lễ hội hướng về kỷ niệm Phú Yên 400 năm gắn với Năm Du lịch quốc gia vào năm 2011.

* Kèn đá: Được phát hiện dưới lòng một phế tích Champa ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An và đã được giữ gìn qua bảy đời các vị trụ trì của chùa Hậu Sơn (khoảng trên 150 năm). Theo các nhà nghiên cứu, cổ vật này được con người chế tác từ đá bazan có tại địa phương, niên đại ở vào khoảng trước thế kỷ VII.

* Đàn đá: Được phát hiện tại hòn Núi Một thuộc thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An. Năm 1990 tìm thấy thanh đá đầu tiên khi gõ phát ra âm thanh và hơn một năm sau mới tìm thấy thanh đá thứ tám. Chúng được đánh giá là hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đàn đá đã được phát hiện tại Việt Nam, kể cả bộ đàn đá đang lưu giữ tại Bảo tàng ở Paris (Pháp).

(Nguồn: Bảo tàng Phú Yên)

Nguyễn Quốc Khương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.