Thầy Hoàng Như Mai đọc thơ

06/05/2010 11:48 GMT+7

(TNTT>) Bây giờ, sau ngót 45 năm, tôi vẫn còn nhớ giọng đọc thơ của thầy Hoàng Như Mai. Trong lớp học sơ tán tận rừng núi Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên, một lớp học được sinh viên chúng tôi đào âm một nửa xuống lòng đất để phòng máy bay giặc ném bom, thầy Hoàng Như Mai như lên đồng khi đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Mười hai tháng sáu của Vũ Hoàng Chương.

Bài thơ Tây Tiến có trong chương trình văn học kháng chiến chống Pháp qua giọng đọc bi hùng của thầy Mai tự nhiên khiến chúng tôi như cảm được từng bước hành tiến cheo leo của đoàn quân Tây Tiến, và cảm được chất thơ Quang Dũng-một chất thơ đặc biệt không có trước đó, và sau này cũng không còn thấy nữa. Những tiết học của thầy Mai vì thế trở nên vô cùng thích thú đối với chúng tôi, điều mà không phải thầy giáo dạy văn đại học nào cũng có thể làm được.

Ngày sơ tán thầy trò ở rất gần nhau, đều ở trong nhà dân, nên tình cảm thật đằm thắm. Mấy đứa sinh viên năm 1 chúng tôi, mới học chưa qua nửa học kỳ đã thân thiết với thầy Hoàng Như Mai. Chúng tôi cảm thấy thầy như một nghệ sĩ “lạc” vào giảng đường trường đại học. Có phần nào đúng như vậy. Vì sau cách mạng tháng Tám, thầy Hoàng Như Mai đã là một người viết kịch kiêm kịch sĩ trong đoàn kịch của nhà thơ Thế Lữ đi diễn xuyên Việt, từ Bắc vào Nam. Tôi nghĩ, chất giọng đặc biệt của thầy Mai khi đọc thơ cho chúng tôi nghe đã có từ thuở ấy, khi những vở kịch hồi ấy hầu hết là kịch thơ. Diễn viên không chỉ phải sắm tốt vai diễn, mà còn phải có chất giọng tốt để đọc thơ hay ngâm thơ. Chất trầm ấm đậm sắc thái bi hùng cũng là một đặc điểm của những vở kịch thơ ngày đó. Cộng với không khí nơi sơ tán, tuy phải sống cực khổ nhưng chúng tôi lại được hưởng một thiên nhiên vừa hoang sơ vừa kỳ bí, với núi rừng suối khe, với những bà con dân tộc Tày chất phác hồn nhiên, với… máy bay Mỹ từng lúc rít trên đầu. Không khí ấy mà đọc thơ Quang Dũng hay thơ Thâm Tâm là nhất!

Thầy Hoàng Như Mai cộng cảm với sinh viên chúng tôi qua những bài thơ thầy đọc hào sảng và giảng mê say, cứ như trước thầy không phải đám sinh viên “thò lò mũi xanh” mà là một cử tọa đã trưởng thành, một khối khán giả từng trải và am hiểu nghệ thuật. Chính thái độ tôn trọng học trò của thầy Mai đã khiến chúng tôi cảm thấy không còn bất cứ ngăn cách nào giữa thầy và trò.

Tình thầy trò giữa thầy Mai với chúng tôi về mặt nào đó có phảng phất một chút “tình nghệ sĩ” giữa những người đồng cảm với nhau. Vì thế, tôi và bạn cùng lớp với tôi - anh Nguyễn Văn Đồng - đã mạnh dạn viết một vở kịch thơ và nhờ thầy Mai đọc và nhận xét giúp. Thầy Mai đã nồng nhiệt khuyến khích chúng tôi, vì kịch thơ chính là “đất” của thầy. Ngày đó tôi cũng chỉ mới võ vẽ tập làm thơ, nhưng đã “uống mật gấu” để viết hẳn một kịch thơ, chính là nhờ niềm cảm hứng mà thầy Hoàng Như Mai đã “thổi” vào cho chúng tôi.

Bao nhiêu năm trôi qua, vật đã đổi và sao đã dời, nhưng giọng đọc thơ của thầy Mai hơn 40 năm trước tôi vẫn còn nhớ như in. Đó là một giọng chất chứa, như thổ lộ tâm trạng mình qua thơ người, và ẩn một mối đồng cảm sâu xa giữa những người nghệ sĩ “xếp bút nghiên lên đường kháng chiến” muốn chia sẻ với nhau những được và mất, trong cái không khí kháng chiến chống Pháp khác hẳn với thời chúng tôi đi chiến trường sau này. Vâng, tôi có được chút gì sau này cũng chính nhờ những lớp học thời sơ tán ấy, nhờ được nghe một giọng đọc thơ lạ lùng ngày ấy.

Nhật Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.