Bất ổn từ các báo cáo tài chính

22/04/2010 01:12 GMT+7

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết đang phải giải trình về chênh lệch số liệu trong Báo cáo tài chính năm 2009 sau khi có kiểm toán. Câu chuyện này đã và đang diễn ra khá phổ biến khiến các nhà đầu tư (NĐT) hoang mang vì không biết tin vào đâu.

Chưa kiểm toán, lợi nhuận lên trời

Tổng CTCP xuất nhập khẩu và xây dựng (VCG) công bố lợi nhuận sau thuế cả năm 2009 đạt 460,45 tỉ đồng nhưng sau khi được kiểm toán, con số này chỉ còn khoảng hơn 50%, đạt 203,48 tỉ đồng khiến các cổ đông choáng váng. Nếu chỉ tính riêng các cổ đông của công ty mẹ VCG thì từ lợi nhuận sau kiểm toán chưa bằng 0,5% so với trước khi kiểm toán. Cụ thể, công bố của công ty đạt 269,11 tỉ đồng nhưng sau khi kiểm toán chỉ còn lời... 5,82 tỉ đồng (chênh lệch đến 263,29 tỉ đồng). Nguyên nhân chính là do kiểm toán phân bổ toàn bộ khoản chênh lệch tỷ giá của khoản vay ngoại tệ chưa thực hiện của Dự án xi măng Cẩm Phả là 352,9 tỉ đồng.

Tương tự, CTCP hàng hải Đông Đô (DDM) lợi nhuận sau kiểm toán chỉ còn 715 triệu đồng so với con số công bố trước đó là 1,147 tỉ đồng. CTCP bóng đèn Điện Quang (DQC) lợi nhuận sau kiểm toán của cổ đông công ty mẹ chỉ còn 4,17 tỉ đồng thay vì lời 7,19 tỉ đồng như chính công ty công bố trước đó.

Chưa kể đến nhiều trường hợp các công ty đưa ra báo cáo quý trước lãi thì báo cáo quý sau bị lỗ hoặc ngược lại khiến NĐT không biết cơ sở nào để định giá cổ phiếu. Thậm chí nhiều NĐT còn cho rằng họ có cảm giác bị công ty "lừa" bởi thông thường sau khi công bố lợi nhuận đạt cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ tăng khá nhanh. Ngược lại sau kiểm toán, kết quả thật lộ ra thì giá cổ phiếu cũng sẽ giảm không phanh và khi đó hậu quả các NĐT phải gánh chịu.

CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cũng phải giải trình vì lợi nhuận sau thuế năm 2009 theo báo cáo tài chính kiểm toán chỉ còn 24,35 tỉ đồng thay vì con số 30,83 tỉ đồng như báo cáo chưa kiểm toán...

Một số bút toán đã được kiểm toán điều chỉnh ở các trường hợp trên cũng từng xảy ra với nhiều công ty trước đó như trích lập bổ sung dự phòng hàng tồn kho, loại trừ doanh thu nội bộ khi hợp nhất với các công ty con, phát sinh tăng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, trích lập dự phòng chứng khoán đầu tư hay tăng chi phí lãi vay... Tất cả đều đã được hướng dẫn thực hiện nên khó lòng cho rằng DN và kiểm toán hiểu khác nhau? Điều đó khiến cho NĐT đặt dấu hỏi về sự trung thực của những công ty này.

Ngăn ngừa những "Enron"

Con số lợi nhuận chênh lệch quá cao trước và sau khi kiểm toán tại thị trường chứng khoán VN khiến không ít NĐT khác lại liên tưởng đến câu chuyện của Tập đoàn Enron đã làm Phố Wall náo động trong năm 2001. Tập đoàn Enron đã tạo ra hơn 900 công ty con và tất cả hệ thống công ty mẹ - con khổng lồ này đã giấu nhẹm những lỗ lã, rủi ro, trong khi đó lại phóng đại lợi nhuận và tài sản. Ví dụ như các khoản nợ 22 tỉ USD của Enron bị đánh giá thấp hơn một nửa, chỉ báo cáo 10 tỉ USD. Ngay sau đó, Quốc hội Mỹ đã phải ra một luật mới về quy chế tài chính cho công ty mẹ - con, và trách nhiệm của kiểm toán. Tuy nhiên, nạn nhân chính là những NĐT đã mua cổ phiếu Enron với giá 90 USD để rồi nhận được 0,6 USD sau không đầy 1 năm và cuộc bán tháo cổ phiếu Enron được miêu tả là "thảm họa" trên thị trường Phố Wall thời điểm đó.

Thị trường chứng khoán VN chưa có những trường hợp tương tự như Enron nhưng con đường dẫn đến vụ sụp đổ đó sẽ không còn xa nếu như các nhà quản trị DN lơ là hoặc cố tình che giấu thông tin. Những công ty trước đó từ báo cáo lãi sau kiểm toán chuyển thành lỗ như Tribeco hay Bông Bạch Tuyết trước đây đã làm mất hẳn niềm tin của nhiều NĐT.

Anh Nam, một nhà đầu tư tại sàn ACBS, cho biết những DN niêm yết có lợi nhuận sau kiểm toán giảm đi so với công bố dù chỉ rất ít cũng đã tạo nên hình ảnh không tốt trong mắt NĐT. Giờ đây anh cho rằng cũng sẽ không có gì để đảm bảo các công ty trên sẽ không lặp lại tình trạng chênh lệch về số liệu trong các kỳ báo cáo tới.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng trường ĐH Mở TP.HCM, NĐT có quyền nghi ngờ tính trung thực từ thông tin công bố của các DN từng có "quá khứ" không nhất quán. Thậm chí NĐT cần tránh xa những DN có tình hình tài chính không rõ ràng.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.