Cảm giác thật trong không gian ảo

07/04/2010 17:59 GMT+7

Giờ đây, bạn có thể với tay ra và chạm vào một ai đó khi lướt web, với sự trợ giúp của robot do vợ chồng khoa học gia người Nhật thiết kế.

Hãy quên đi những biểu tượng bày tỏ cảm xúc đơn điệu khi chat với người khác qua internet. Tiếng tim đập liên hồi khi tức giận, một nỗi sợ hãi khiến bạn lạnh xương sống hoặc những biểu hiện ấm áp của tình yêu - tất cả đều có thể cảm nhận được dù mắt bạn vẫn dán chặt lên màn hình máy tính. Đó là loại robot được gọi là iFeel_IM! (viết tắt từ I feel therefore I am), vừa giới thiệu tại hội nghị ở dải Alps (Pháp) cuối tuần qua.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các nhà khoa học, đa số đến từ Nhật Bản, đã cùng so sánh những nghiên cứu trong lĩnh vực được gọi là “sự thật tăng thêm”, việc củng cố kinh nghiệm thời gian thực thông qua công nghệ tương tác ảo. Với công nghệ này, các loại điện thoại thông minh không chỉ nói đích xác nơi bạn đang đứng mà còn chỉ rõ cái mà bạn đang nhìn; hoặc màn hình cung cấp thị giác (như nhân vật robot hủy diệt trong phim Terminator) liệt kê chính xác dữ liệu cho các binh lính ngoài chiến trường. Thậm chí một vài nhóm nghiên cứu còn tiết lộ những đột phá trong việc sử dụng sóng não để vận hành máy tính hoặc giải mã cảm xúc.

Trong số các phát minh nổi bật có robot do cặp vợ chồng người Nhật thiết kế. Dzmitry Tsetserukou (trợ lý giáo sư của Đại học Công nghệ Toyahashi) cho hay mục đích của ông là nhằm tăng cường cảm xúc, thêm một chút cảm giác thật khi tương tác trong không gian ảo. Theo ông, con người đang đắm chìm trong thời đại liên lạc thông qua công cụ là chiếc máy tính, từ tin nhắn SMS, thư điện tử, Twitter đến các thế giới 3D, nhưng họ vẫn không kết nối với nhau một cách có cảm xúc. Đó cũng là lý do nhà nghiên cứu muốn chế tạo ra loại robot có khả năng mang lại những kinh nghiệm thực sự cho người lướt web.

Cho đến nay, robot nguyên mẫu là một tập hợp gồm các thiết bị cảm ứng, những động cơ nhỏ, các thiết bị rung và loa phát. Được nối với máy tính, robot này có thể mô phỏng một số dạng tim đập, một cái ôm thực sự, cảm giác nhột hoặc lạnh buốt chạy dọc theo xương sống. Nó còn có thể phát ra hơi ấm. Mặc dù cũng có thể thêm tính năng phản ứng về giới tính, Tsetserukou quyết định phải tập trung vào mục tiêu chính là nâng cao cảm xúc. Vợ của ông là Alena Neviarouskaya, nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, đã đảm trách việc viết phần mềm có công dụng truy tìm những thông điệp bày tỏ cảm xúc giữa những dòng chữ, sau đó kích hoạt cảm giác chạm của robot trong thời gian thực. Phần mềm này có thể phân biệt sự vui mừng, nỗi lo sợ, cơn giận dữ và buồn bã với độ chính xác đến 90%, đồng thời có thể phân tách 9 loại biểu cảm khác nhau, bao gồm thêm cảm giác xấu hổ, có lỗi, ghê tởm, thích thú và ngạc nhiên.

Khi được thử nghiệm trên mạng, 2 người mang các robot iFeel_IM! trò chuyện với nhau thông qua nhân vật đại diện trong game Second Life. Câu “tôi mừng được gặp bạn” kích hoạt một cảm giác ấm áp ở người điều khiển avatar đối diện, và khi các avatar ôm nhau trong thế giới ảo, robot thực hiện động tác ôm siết ở người sử dụng. Hiện giờ robot trên vẫn chưa được hoàn chỉnh, nhưng Tsetserukou cho hay phiên bản robot được cài đặt trong áo khoác hoặc một bộ trang phục sẽ nhanh chóng ra mắt trong vài năm nữa.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.