Xóa bỏ phân biệt đối xử

10/03/2010 01:04 GMT+7

Mặc dù được thế giới công nhận là nước đi đầu trong khu vực ở lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới, song VN vẫn còn nhiều việc cần làm. Đây là đánh giá của ông John Hendra, Điều phối viên của Liên Hiệp Quốc tại VN trong buổi công bố Báo cáo Phát triển con người khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2010 hôm qua, tại Hà Nội.

VN đã phê chuẩn “Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ” (1982), vấn đề về bình đẳng giới cũng đã được quy định tại Hiến pháp (điều 63). Bên cạnh đó, VN cũng đã có một loạt hệ thống văn bản liên quan như Luật Bình đẳng giới (thông qua 2006), Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới (7.2009)... Tuy nhiên từ thống kê cho thấy trong nhiệm kỳ XII (2007 - 2012), VN có 25,8% đại biểu Quốc hội là nữ, giảm chút ít so với mức 27,3% của nhiệm kỳ XI (2002-2007). Theo ông John Hendra, mặc dù đây là tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội cao nhất trong các nước ASEAN nhưng tỷ lệ phụ nữ VN tham gia vào quá trình ra quyết định cấp cao trong Đảng hay Nhà nước còn thấp.

Trong tổng số 9 ủy ban của Quốc hội, chỉ có hai phụ nữ là chủ nhiệm và hiện VN chỉ có duy nhất một nữ bộ trưởng và cũng chỉ có 5/82 thứ trưởng là nữ (chiếm 7,8%). Ở cấp độ địa phương, chỉ có chưa tới 2% các HĐND tỉnh và 4% HĐND huyện có phụ nữ làm chủ tịch.

Tại một hội thảo về công tác cán bộ nữ được tổ chức hồi năm 2009, các đại biểu đã nêu ra một số nguyên nhân như định kiến “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại; các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ nữ cũng chưa được thể hiện đầy đủ trong các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chính sách… Một nguyên nhân khác, ít được nhắc hơn, là việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Đảng về công tác cán bộ nữ còn nặng về hình thức. Nói đơn giản hơn thì là chính sách đã có, luật đã có nhưng hiểu và thực hiện ra sao lại là chuyện còn phải bàn dài dài.

Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.