Sợ đi cáp treo có phải là bệnh lý?

05/03/2010 11:26 GMT+7

Nhiều người đi lễ đầu năm than phiền muốn lên điểm dừng cuối cùng của chặng đường hành hương nhưng đành “vái vọng” từ xa, không dám trèo lên cáp treo vì sợ.

Không ít người trong số này từng được sơ cứu khẩn tại các trung tâm cáp treo, nhưng khi đến bệnh viện thăm khám thì không tìm ra bệnh gì. Vậy sợ đi cáp treo có phải là bệnh lý?

Theo bác sĩ Phạm Sinh Hiền - phó giám đốc Viện Tim Hà Nội, người không đi được cáp treo không nhất thiết phải đi khám bệnh vì đa số trường hợp hoàn toàn do yếu tố tâm lý chi phối. Việc thăm khám chỉ nên thực hiện khi người sợ đi cáp treo có kèm theo bệnh lý về huyết áp hoặc thường xuyên lo lắng.

Thông thường, những người không dám trèo lên cáp treo mắc phải hội chứng sợ độ cao. Những người này khi sợ quá thường tiết ra nhiều hormon tuyến thượng thận gây hoảng hốt, tim đập nhanh, đánh trống ngực kèm theo cảm giác sợ hãi.

Việc thay đổi huyết áp đột ngột (tăng hoặc tụt huyết áp) trong những trường hợp này có khi chỉ là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân. Tuy nhiên, với người có tiền sử bệnh tim mạch nếu đi cáp treo sẽ có thể gây loạn nhịp tim, gây co thắt mạch máu khá nguy hiểm.

Do đó, người bệnh tim cần cân nhắc trước khi đi cáp treo, vì cảm giác sợ hãi có thể chưa có ngay từ đầu mà chỉ xuất hiện lúc đã yên vị trên đường cáp dẫn đến những hậu quả khó lường.

Bác sĩ Phạm Sinh Hiền khuyến cáo người sợ cáp treo có thể khắc phục sự sợ hãi bằng liệu pháp tâm lý, như nên ngồi cáp treo đông với 4-6 người và sử dụng thuốc an thần nhẹ chống lo lắng.

Tuy nhiên, không giống như người say ôtô thông thường có thể chữa say bằng cách “tự huấn luyện” mình, hằng ngày tập ngồi trên ôtô với đoạn đường tăng dần; người mang hội chứng sợ độ cao, sợ cáp treo không nên cố trèo lên cáp vì có thể dẫn đến hiện tượng ngừng tim rất nguy hiểm.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.