Đi xem bói đầu năm

02/03/2010 09:48 GMT+7

Nhiều ông thầy, bà cô “phán” tầm phào nhưng nhiều người vẫn bỏ thời gian, tiền bạc để cầu mong được phước lộc.

Được nhiều người rỉ tai: “Muốn xem bói thì nên lên chỗ gần chùa Phật cô đơn bởi ở đây có hơn 20 “thầy”, xem rôm rả như cái chợ, nếu xem “thầy” này không thích thì đến “thầy” khác!”, ngày 1-3, chúng tôi lên xe thẳng tiến đến ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh - TPHCM.

Dạo “chợ”... bói toán

Cách cổng chùa gần 500 m đã có hàng chục quán nước mọc lên, quán nào cũng có người ra tận đầu đường tiếp thị, vẫy tay mời khách.

“Vào quán uống nước đi em, có coi bói nè, thầy coi hay lắm”- một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi nhanh miệng gọi chúng tôi.

Đối diện bên kia đường, một phụ nữ khác cũng nhanh miệng không kém: “Chuyên gia coi tình duyên, lấy lộc làm ăn nè em, đặt quẻ bao nhiêu cũng được”... Không khí ở đây náo nhiệt như cái chợ. Thấy chúng tôi phớt lờ, họ lại quay sang một đôi vợ chồng trẻ đang định ghé vào quán uống nước.
 

Phán như thầy bói

So với quẻ bói của “cô” Tư ở chùa Phật cô đơn phán cho chúng tôi thì quẻ bói của “cô” Liên khác xa. Kể lại với một phụ nữ đứng kế bên, chị này thầm thì: “Tùy người, có người không hạp nên “cô” nói trật lất, như bà chị tôi, năm ngoái xem rồi năm nay rủ nữa bả không đi”.

Vừa mua vé vào khu vực cổng chùa, chúng tôi bất ngờ vì tiếp tục bị những người bán nước giải khát, đồ ăn chay ra tận lối dẫn vào chùa mời mọc: “Có coi bói nè em!”.

Cứ thế, từ đầu cổng soát vé vào đến khu vực lễ chùa có hơn 10 hàng quán đều có “thầy” túc trực. Cảnh chèo kéo khách bát nháo, nhiều người tỏ ra bực bội phải chạy nhanh vào cổng chùa.

Bị một phụ nữ mập mạp kéo vào, chúng tôi ghé hàng ăn của chị nơi có “thầy” Thành và bà Bảy Châu Đốc túc trực.

“Thầy” Thành gần 50 tuổi, dáng gầy, chuyên xem chỉ tay và bói bài, có thể xem từ chuyện gia đạo đến tiền tài, công việc làm ăn... “Thầy” vừa xem quẻ xong cho một người đàn ông, người này bước ra nhăn mặt, bỏ ít tiền quẻ rồi đi ngay. Thấy chúng tôi, “thầy” Thành khoe: “Ổng là công an đó!”.

Chúng tôi hỏi: “Sao thầy biết?”, “thầy” nhanh miệng la to: “Thầy bói không biết thì ai biết”. Nói rồi, thầy cười khà khà.

Cứ mỗi lần xem quẻ, chưa đầy 5 phút là “thầy” bỏ túi 20.000 – 50.000 đồng, lâu lâu lại thò tay vào túi áo móc tiền ra đếm. Chúng tôi hỏi: “Thầy” xem bói đến mấy giờ thì nghỉ?, “thầy” trả lời luôn mà không cần ngẩng mặt: “Đầy túi là nghỉ hà!”.

Rời chỗ “thầy” Thành, chúng tôi ghé vào một quán ăn khác, nơi có “cô” Tư đang xem bói.

Không biết trước đó “cô” Tư nói gì mà người phụ nữ vừa xem bói xong khóc thút thít. Sau khi xem chỉ tay, bói bài, bà phán với tôi: “Năm nay không được lấy chồng, năm sau hãy lấy. Làm ăn, buôn bán cũng không nên. Tuổi này kỵ tháng 4, 8...”.

Nói xong, “cô” Tư tiếp thị luôn: “Ra giêng có lên xem thì ra nhà bà ở cổng trước nhen con”.


Nhiều người mệt mỏi chờ đợi tại nhà “cô” Liên

Chầu chực coi bói tại gia

Thấy chúng tôi đang loay hoay, một người đàn ông bước lại nói nhỏ: “Ở đây mấy ông bà này coi tầm phào, không tin được đâu. Nên đến nhà “cô” Liên, coi không đúng không lấy tiền”.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà “cô” Liên ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Ngôi nhà “cô” ở khá khang trang, kế bên có xây thêm một nhà để xe cho khách và luôn đóng cửa im ỉm.

Vừa bước vào, chúng tôi tá hỏa vì đã có hơn 20 khách chờ đợi. Xe cộ để la liệt, đàn ông, đàn bà, người già, phụ nữ có thai... có đủ cả đang đứng, ngồi lố nhố. Khách đến đây từ khắp các quận, huyện xa gần, chưa kể có trường hợp từ miền Tây đón xe lên ở lại chờ “cô” xem quẻ.

Cái nóng hầm hập cộng với hơi người làm không khí càng ngột ngạt, có người nản lòng phải bỏ về, có người ăn đại gói mì chờ đến lượt. Thỉnh thoảng có tiếng trẻ con khóc ré vì buồn ngủ, đòi mẹ chở về nhà. Thấy vậy, một phụ nữ xưng là em dâu của “cô” Liên kiêm chủ quán cà phê, bán mì gói và giữ xe cho khách, nhắc khéo: “Ai về coi như mất lượt, khách đông lắm mà “cô” chỉ coi giờ hành chính. Không kiên nhẫn là không được. Hồi mùng 4 tết khai trương, 1 giờ đêm tôi mở cửa đón khách mà có người còn đợi được”.

Chờ hơn 5 giờ, cuối cùng tôi cũng diện kiến “cô”. Người “cô” gầy nhom, xưng 51 tuổi, là con cháu Bồ tát nên xem quẻ bằng nước (!?). Cô vẫy tay vào chén nước chấm chấm lên bàn kiếng rồi phán: “Tuổi này năm nay lấy chồng tốt, muốn làm ăn, buôn bán gì cũng tốt. Tính tình hiền lành, ra đường có người phù hộ...”.

Xem xong, tôi đặt tiền quẻ, “cô” đếm đếm tỏ vẻ không hài lòng: “Coi như còn nợ cô tiền cúng nhé”.

Chúng tôi quan sát tiền quẻ ở đây có quy định hẳn hoi, người có gia đình đóng 50.000 đồng, chưa có thì 30.000 đồng.

Trung bình mỗi ngày “cô” tiếp 40 lượt khách, bỏ túi không dưới 2 triệu đồng và hoạt động công khai nhưng chính quyền địa phương không hay biết.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.