Săn “linh vật” cầu may!

01/03/2010 10:12 GMT+7

Những ngày đầu năm, nhiều người đang đổ xô đi săn những loại hàng “độc” được cho là có khả năng trừ tà, diệt quỷ, đem lại may mắn, tiền tài như nhau mèo, lông đuôi voi, nanh cọp, vuốt cọp, nanh heo rừng... với giá cao ngất ngưởng dù phần lớn đều là hàng giả.

“Móng gấu từ lâu đã được dân gian xem là vật trừ tà rất linh! Móng gấu còn được dùng để tránh những điềm xui xẻo, rủi ro không may xảy đến, gặp dữ hóa lành...”. “Nhau mèo là thứ rất quý giá, có thể đem lại may mắn cho người giữ và giúp người đó làm ăn phát tài tấn tới...”. Những lời đồn đại được thổi phồng như thế trong những ngày qua đã tạo ra một cơn sốt săn hàng “độc” tại TP.HCM.

Đủ loại hàng “độc”

Từ lời rao trên mạng và giới buôn bán các loại hàng “độc” chuyên cung cấp các loại móng cọp, bao tử nhím, nanh heo..., chúng tôi hẹn gặp hai nhà “phân phối” tên N. và Nh. tại một quán cà phê trên quốc lộ 13, gần Đại học Luật TP.HCM.

Một chiếc móng cọp nhỏ được bà N. chào giá 2,5 triệu đồng, có bịt vàng ở đầu làm dây chuyền để đeo trên cổ. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm một chiếc móng to hơn, bà N. có vẻ do dự bảo: “Chưa có hàng, nhưng đặt trước thì vài ngày có”. Còn ông Nh., người đi cùng, tự giới thiệu mình là người sống ở vùng núi nên có điều kiện mua lại của người dân tộc, người địa phương những mặt hàng “độc” này rồi đem bán, đảm bảo là thật 100%.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Ngọc Tường: Đừng để niềm tin bị lợi dụng

Tục đeo nanh cọp, móng cọp, nanh heo rừng... xuất phát từ một số người dân tộc thiểu số ngày xưa thường đeo các nanh thú vật vì tin rằng khi đeo nanh thú rừng ra trận đạn bắn không thủng, gặp điều may mắn, tránh được tà ma. Đó là những kiểu bùa trấn yểm, trừ tà. Còn nhau mèo thì người xưa tin rằng sẽ đem lại sự may mắn. Thật ra mèo đẻ xong là ăn hết nhau ngay chứ hiếm khi lấy được, nên chuyện buôn bán món này cũng khó kiểm chứng hàng thật.

Khi đeo những vật trang sức này, chủ yếu vẫn là xuất phát từ niềm tin người đeo chứ không phải do công dụng cụ thể của mấy mặt hàng đó. Do vậy không nên để niềm tin bị người khác lợi dụng, lừa gạt bán các loại hàng dỏm, hàng giả với giá “trên trời”.

Cũng theo lời ông Nh., móng cọp luôn đắt hàng nhất vì rất nhiều người tìm mua làm mặt dây chuyền đeo cho trẻ con để được bảo vệ linh khí, trừ tà, chống giật mình khi ngủ... Mỗi chiếc móng chưa bọc được chào giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng/cái.

Hai nhà “phân phối” cũng tiếp thị luôn cả một chiếc... răng voi to tướng, có hình dạng một khối xương kỳ dị nặng trịch với giá 5 triệu đồng. Ông Nh. kể đầy vẻ huyền bí: “Hồi trước, có người đi công tác ở vùng rừng núi Campuchia, thấy con voi nằm chết rục, ông này chẳng lấy gì, chỉ lận lưng đúng hai cái răng voi thế này.

Từ khi có cái răng voi bên mình thì ông này vạn sự như ý, toàn gặp những điều may mắn...”. “Chỉ cần anh tặng sếp, để lên bàn làm cái chặn giấy, ai hỏi bảo là răng voi thôi là đã “độc” lắm, quý lắm rồi. Chỉ có mấy sếp lớn mới dám chơi những thứ này thôi!” - Nh. quảng cáo.

Cũng theo lời hai nhà “phân phối” này, trên thị trường hiện nay rất khó kiếm được nanh cọp, mà có kiếm được giá cũng cao ngất ngưởng, khó biết thật giả. Giá bình quân một móng cọp tầm 3cm trở xuống được chào giá dao động 1-4,5 triệu đồng/cái.

Thật giả do người mua... tự phân biệt! “Mà chủ yếu là hàng giả cả vì cọp đâu ra nhiều mà lắm móng thế. Có ngày tôi cung cấp đến vài chục cái nanh cọp mà cung không đủ cầu vì ai cũng muốn có một nanh cọp bên mình thì... ước gì được nấy. Mình cũng mua lại của dân buôn khác. Kệ, người ta tin thì mình cứ bán...” - một “đầu nậu” bán móng cọp thừa nhận.

Qua một lời giới thiệu khác, chúng tôi liên lạc với C., một người mua bán nanh, móng cọp khá nổi tiếng tại TP.HCM vì “lúc nào cũng có hàng”. Sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại, C. cho một người giao hàng hẹn gặp chúng tôi ở một quán cà phê. “Hàng” mà T., người giao hàng cho C., mang đến là ba chiếc móng cọp khá bé với giá 1,5 triệu đồng/cái. T. hứa hẹn: “Anh, chị cần móng to bao nhiêu cứ báo với anh C. là sẽ có hàng ngay... Muốn bao nhiêu cũng có”. Nhưng khi hỏi có phải là hàng thật hay không và ở đâu ra nhiều thế thì T. lấp lửng nói đó là “bí mật”.

Tại nhà của một ông chuyên cung cấp các loại hàng “độc” trên đường u Dương Lân, quận 8, chúng tôi cùng khá nhiều khách hàng được giới thiệu mấy chiếc móng cọp, heo rừng và tượng Phật Di Lặc bằng ngà voi. Giá tượng ngà voi được H., nhà cung cấp, chào bán là 2,9 triệu đồng/cái.

H. tỏ ra sành sỏi: “Đây là ngà của con voi đực. Voi cái có ngà trơn láng hẳn chứ không thế này”. Cũng theo lời ông H., nhiều người là dân kinh doanh, chơi chứng khoán, buôn vàng... rất chuộng “hàng” may mắn này. Dịp tết vừa qua, nơi đây cung cấp không đủ hàng cho nhiều người mua làm quà tặng sếp.

Hầu hết là hàng dỏm


Chiếc răng voi nặng được rao bán với giá 5 triệu đồng - Ảnh: Đức Thanh

Một mặt hàng “độc” đem lại sự may mắn được xem là “nóng” nhất mà nhiều người đang săn lùng ráo riết là nhau mèo. Tại các diễn đàn chuyên mua bán, nhiều người còn bao luôn cả đảm bảo... nhau của mình là của mèo mẹ cho chứ không phải rình trộm lấy.

Chúng tôi gặp B., một người rao bán nhau mèo trên mạng, tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. B. giới thiệu: “Tôi được mèo mẹ ở nhà đẻ con xong cho cái nhau này. Tôi ngâm rượu, phơi khô rồi cất, nay thấy nhiều người hỏi mua quá mới đem bán”. B. bán chiếc nhau mèo với giá... 5 triệu đồng. Chiếc nhau mèo của B. đã đen xỉn lại vì phơi khô và ngâm rượu nhiều lần nên rất khó nhận ra có đúng là nhau mèo thật hay không.

Tại một điểm bán nhau mèo trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, chúng tôi được bà T. cho xem ba chiếc nhau mèo mà theo bà là “mèo mẹ đem thả xuống chỗ giường ngủ”. Bà T. kể: “Nhau mèo may mắn lắm. Như bà hàng xóm của tôi có chiếc nhau mười mấy năm rồi, cất kỹ trong tủ. Bà ấy bán quán cóc hàng ăn mỗi buổi chiều thế mà nuôi được cả gia đình...”.

Bà này nói chỉ vì “em gái bị bệnh nên phải bán đi lấy tiền chữa bệnh chứ tôi cũng phải để lại một cái xài chứ...”. Mấy chiếc nhau mèo đã trắng phớ ra vì ngâm rượu, phơi khô và bỏ quá nhiều thuốc chống ẩm được bán với giá... 5 triệu đồng/cái, không thương lượng.

Trong cơn sốt săn “linh vật” trừ tà, khá nhiều người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua hàng “độc”, đến khi thẩm định lại mới biết đều là... hàng dỏm. Anh N.H.P., dịp đầu năm mua bốn móng cọp lớn với giá gần 80 triệu đồng (20 triệu đồng/cái) để tặng mấy sếp, hi vọng vận may sẽ “chiếu” vào con đường hoan lộ của mình. Để chắc ăn, anh P. đem ra chợ đồ cổ Lê Công Kiều nhờ mấy “chuyên gia” buôn bán mặt hàng này thẩm định thì hóa ra mua nhầm móng được chế tạo bằng một loại... nhựa đặc biệt.

Ngay cả những người chuyên buôn bán những mặt hàng “độc” này cũng hiểu biết rất khác nhau về móng cọp thật, giả. Nh. cho rằng: “Cứ đưa cái móng ra ánh sáng, nhìn thấy có một sọc chỉ nhỏ màu trắng nằm ngay giữa móng, lại còn có sọc theo thời gian là móng thiệt”. Còn một nhà cung cấp khác lại tư vấn: “Chỉ cần lấy quẹt hơ lửa thử lên móng/nanh là biết, nếu nó bị chảy ra thì là đồ nhựa, còn hơi khét khét một chút là thật...”. Tuy vậy, ngay cả những nhà cung cấp này cũng từng bị những người mua bán khác lừa dù áp dụng khá nhiều phương pháp kiểm tra.

Nhà cung cấp hàng “độc” tên H. trên đường u Dương Lân thừa nhận nhiều nơi bán nanh heo, gấu thay cho nanh sư tử, cọp... Thậm chí khá nhiều “nhà cung cấp” còn dùng cả... thạch cao để làm nanh, móng. “Riêng món nhau mèo thì càng khó biết, có bán... nhau chó cho khách thì cũng không ai biết” - một nhà cung cấp thừa nhận.

Bán hàng “độc” bằng bói toán


Một quái thai “heo đẻ ra voi” ở vùng Bảy Núi - được nhiều người dân mê tín săn lùng vì tin rằng đây là vật linh cầu an trừ tà - Ảnh: Sơn Bình

Những ngày đầu năm, tại các vùng phụ cận chùa Bà - Bảy Núi (tỉnh An Giang), xuất hiện nhiều người đi tìm kiếm và thu mua các loại “hàng hiếm” như nhau mèo, quái thai, nanh heo, nanh hổ, rễ tầm gửi chua (cây tầm gửi sống trên thân cây me chua), hoa tre... với mong muốn vô căn cứ là đáp ứng các nhu cầu chữa bá bệnh, trừ tà, giữ may mắn...

Đi vòng từ chân núi Cấm lên chùa Phật lớn, chúng tôi phát hiện những món “hàng hiếm” nêu trên được lén lút bán ra với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng thông qua hình thức lên đồng, bói toán cho khách thập phương.

Nhiều gian hàng tạm bợ chuyên bày bán các loại thuốc nam dọc hai bên đường lên vồ Thiên Tuế, vồ Ông Bướm... xuất hiện một số thầy bà chuyên xủ quẻ cho khách hành hương nhẹ dạ cả tin, rồi mê hoặc họ “thỉnh” những loại hàng “độc” để xua đuổi “âm khí”. Khá nhiều người nhẹ dạ cả tin sẵn sàng bỏ bạc triệu mua về dù chẳng biết những thứ kia có tác dụng gì.

Sơn Bình

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.