Lãng phí tài nguyên du lịch: Khai thác di sản kém hiệu quả

25/02/2010 23:36 GMT+7

* Phong Nha - Kẻ Bàng: Du lịch... ăn sẵn Với hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh... thế nhưng, thu nhập từ du lịch của Thừa Thiên-Huế năm 2009 chỉ đóng góp có 0,37% trong mức tăng 11,2% GDP của tỉnh.

Nhiều tiềm năng

Không cần liệt kê thì ai cũng biết Huế có thừa tiềm năng về du lịch. Tiềm năng thứ nhất phải kể đến đó là hệ thống kiến trúc kinh thành, cố cung, lăng tẩm... được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Rồi Nhã nhạc cung đình Huế cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong số hàng ngàn di tích đang có mặt tại vùng đất này, đã có hơn 900 di tích được công nhận là di tích lịch sử, trong đó 103 di tích xếp hạng quốc gia.

Cạnh đó, dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía tây với các cộng đồng dân tộc Pa cô, Tà ôi, Vân kiều, Cờ tu... sinh sống tạo nên nét đặc thù văn hóa đặc sắc riêng, tiếp nối là vùng gò đồi mênh mông với hệ sinh thái đa dạng, được dẫn dắt bởi hệ thống cảnh quan sông Hương thơ mộng chảy qua thành phố xuôi về vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (rộng lớn nhất Đông Nam Á, diện tích 21.594 ha, dài 67 km, rộng hơn 4 km, gồm 1 phá và 4 đầm) nối với vùng tam giác Lăng Cô - Cảnh Dương - Bạch Mã... tạo nên một chuỗi cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc thù.

Cuối năm 2009, Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế đã ký kết hợp đồng thuê Công ty Akitek Tenggara (Singapore) thực hiện dự án quy hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên-Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, với kinh phí khoảng 470.000 USD. Theo đó, Akitek Tenggara sẽ lập quy hoạch, xác định không gian du lịch, cụm điểm du lịch mới, sản phẩm và hình thức du lịch đặc trưng trong mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như xây dựng Huế trở thành điểm đến có thương hiệu mang tính cạnh tranh cao. Đầu năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng vừa phối hợp với Tổng cục Du lịch VN tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá năm du lịch Thừa Thiên-Huế 2010, tại Hà Nội. Hy vọng với những nỗ lực này, du lịch Thừa Thiên-Huế trong tương lai gần sẽ khởi sắc.

Vùng tam giác Lăng Cô - Cảnh Dương - Bạch Mã đã được Chính phủ xác định là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của quốc gia, riêng vịnh Lăng Cô vừa được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays), chính thức công nhận là một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới...

Huế ngoài là thành phố di sản còn được Chính phủ cho phép xây dựng là “Thành phố festival đặc trưng của VN” với hai năm một lần diễn ra festival (vào năm chẵn) và festival chuyên đề về ngành nghề (năm lẻ). Hằng năm Huế còn tổ chức hàng trăm lễ hội truyền thống lẫn lễ hội mới được dựng nên như Lăng Cô huyền thoại biển, Thuận An biển gọi, rồi sắp tới đây còn có sóng nước Tam Giang...

Nhưng quá thiếu sản phẩm du lịch

Tiềm năng là thế, tuy nhiên bao nhiêu năm nay, ngành du lịch dịch vụ Huế vẫn phát triển trong tình trạng “còi cọc” với bình quân lưu trú chỉ khoảng 2 đêm/khách. Doanh thu du lịch bình quân hằng năm chỉ đạt  từ 700 - 800 tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách địa phương hằng năm cũng chỉ xấp xỉ 30 tỉ đồng.

Theo phân tích của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm 2009, mũi nhọn kinh tế du lịch của Thừa Thiên-Huế trong năm chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của địa phương chỉ 0,37% trong mức tăng trưởng chung 11,2% GDP của tỉnh. Sự yếu kém của ngành kinh tế mũi nhọn này là do đầu tư du lịch chủ yếu chỉ tập trung vào diện rộng, chạy đua xây dựng quá nhiều cơ sở lưu trú, trong khi sản phẩm du lịch thì quá nghèo nàn.

Ví dụ như với sông Hương nổi tiếng là vậy, nhưng đến nay ngoài dịch vụ thuyền rồng và ca Huế, vài ba chục chiếc thuyền thiên nga du ngoạn sông Hương vào mùa hè..., đến nay Huế chưa hề có bất kỳ dịch vụ hấp dẫn gì trên dòng sông thơ mộng này.

Năm 2008, trong khuôn khổ Festival Huế 2008, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nỗ lực “đánh thức” sông Hương bằng chương trình lễ hội Huyền thoại sông Hương hoành tráng. Trung tâm cũng đầu tư đến hơn 4 tỉ đồng phục chế một chiếc thuyền cung đình để phục vụ lễ hội và du khách. Song đến nay đã gần 2 năm trôi qua, chương trình sau bao lần thử nghiệm vẫn chưa thể trở thành điểm nhấn cho du lịch Huế, chiếc thuyền trị giá hơn 4 tỉ đồng vẫn đang cắm neo ở bến Phu Văn Lâu, dãi dầu cùng mưa nắng.

Mới đây vào tháng 5.2009, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH du lịch Hội Á Châu đầu tư du thuyền tham quan và lưu trú “Cảm xúc sông Hương”, với mục tiêu khai thác, phục vụ du khách tham quan sông Hương và các điểm du lịch lân cận. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được chính thức khởi động.

Điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất là hệ thống hoàng cung triều Nguyễn trong kinh thành Huế, thế nhưng đến nay ngoài việc tham quan di tích hầu như không có dịch vụ gì hấp dẫn du khách. Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nỗ lực tổ chức Đêm hoàng cung tái hiện nhiều sinh hoạt và tổ chức các chương trình nghệ thuật, trò chơi cung đình... để thu hút khách vào ban đêm. Thế nhưng, chương trình vẫn không thể đủ nguồn thu để duy trì. Nguyên nhân có lẽ do chương trình chưa được quảng bá đủ mạnh hoặc các dịch vụ chưa thu hút được du khách.

Sự yếu kém của ngành du lịch Huế, theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thừa Thiên-Huế, là do: “Các hoạt động xúc tiến quá yếu, lại phân tán cả về nội dung lẫn thị trường; lạc hậu về công nghệ, kỹ năng và thiếu chuyên nghiệp... do chưa có một cơ quan chuyên trách về thông tin và xúc tiến. Năng lực cạnh tranh điểm đến và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp còn thấp... Các doanh nghiệp lữ hành Thừa Thiên-Huế nhìn chung chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển sản phẩm, thụ động, thiếu chắc chắn về thị trường nên thường phụ thuộc vào nguồn khách chính của các hãng lớn ở TP.HCM và Hà Nội. Sản phẩm du lịch quá đơn điệu, mới dựa chủ yếu vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, không thể hiện ưu thế trên thị trường. Giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp so với mức trung bình của thế giới...”.

Trong khi đó, ông Trịnh Quang Thang, Giám đốc Công ty du lịch VN tại TP.HCM khẳng định: "Sức hút của Huế thực sự đáng nể phục. Bằng chứng là cứ 1.000 khách tàu biển đến Đà Nẵng có tới 600 khách đăng ký đến Huế. Nhưng đáng buồn là quy hoạch phát triển du lịch Huế từ thập niên 90 đến nay vẫn vậy, sản phẩm du lịch nghèo nàn không đáng kể, không có các điểm tham quan mới, không có cách làm du lịch mới, nên khách đến một lần, và họ sẽ không muốn đến Huế lần hai”. Tương tự, ông Nguyễn Phú Đức - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN - nói: “Hiện tại, Huế mới làm du lịch vào ban ngày, trong khi ban đêm mới là thời gian để thu tiền của khách thì người dân Huế lại đóng cửa đi ngủ. Không thể nào tăng số lượng khách với thực trạng thời gian phục vụ du lịch không tăng được”. Nhiều ý kiến còn phản ánh về tình trạng ăn xổi ở thì trong kinh doanh du lịch, tình trạng chèo kéo du khách ở các điểm tham quan... đã làm xấu hình ảnh du lịch Huế và VN. 

Phong Nha - Kẻ Bàng: Du lịch... ăn sẵn

Quảng Bình được nhắc đến nhiều bởi có Di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Chưa kể, tháng 4.2009, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh công bố việc phát hiện, khám phá một phần hang vòm lớn nhất thế giới được đặt tên là Sơn Đoòng.

Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch - Ảnh: D.Đ.M

Thế nhưng theo thống kê, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ thu hút được 11.000 lượt khách quốc tế và 250.000 lượt khách nội địa hằng năm, thời gian khách lưu lại chỉ là 0,8 ngày/người; đặc biệt mỗi người chỉ tiêu tốn khoảng 85.000 đồng. Kết quả này là quá thấp so với tầm cỡ của di sản thiên nhiên thế giới này.

Nguyên nhân được xác định do không có các dịch vụ khác đi kèm ở đó cũng như vùng phụ cận, không có sự đầu tư trong quảng bá, các hoạt động đơn điệu chủ yếu là bán vé tham quan. Trong khi theo các nhà tư vấn du lịch, rất nhiều dịch vụ khác có thể khai thác như du lịch sinh thái (tham quan các loài sinh vật hoang dã), cáp treo, trượt nước, bơi thuyền...

Trương Quang Nam

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.