Cảnh báo từ ngành giải phẫu thẩm mỹ Singapore

31/01/2010 00:30 GMT+7

Sau cái chết đột ngột của một doanh nhân trẻ do hút mỡ bụng, bác sĩ Lý Vỹ Linh, con gái ông Lý Quang Diệu, đã có một bài báo phản ánh những bất cập trong lĩnh vực giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore.

Bà Lý cho rằng: nhiều bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore không có chuyên môn cần thiết. Thường họ là những bác sĩ đa khoa (general practitioner - GP) chuyển nghề, và điều đó thật nguy hiểm. GP, theo bà, là những bác sĩ không được định hướng nghề nghiệp kỹ lưỡng để chọn cho mình một chuyên ngành phù hợp và đào sâu chuyên môn. Vì vậy, họ chỉ đủ trình độ để khám những bệnh thông thường như ho, cảm, và làm bác sĩ gia đình với mức thu nhập rất khiêm tốn.

Để kiếm được nhiều tiền hơn, nhiều người bởi thế đã chuyển sang làm giải phẫu thẩm mỹ mà không qua đào tạo bài bản. “Ví dụ, một trị liệu được cho là làm đẹp da trong vòng 20 phút có thể đem lại cho bác sĩ 400 SGD (5,5 triệu đồng), mà chẳng mấy khách hàng đòi hóa đơn. Trong khi đó, trông coi một bệnh nhân đột quỵ hay tiểu đường cả năm chỉ kiếm được chừng 300 SGD, lại còn phải khai báo với bên bảo hiểm y tế”, bà Lý viết. Theo báo Today, năm 2008 Singapore có 35 bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ và hơn 1.400 GP.

Sự thật này không phải ít người biết và cũng chẳng mới mẻ gì. Năm ngoái, bác sĩ Zubin Medora đã bị cấm hành nghề 6 tháng sau khi phẫu thuật hút mỡ bụng cho một bệnh nhân gây tai biến. Medora, 36 tuổi, là một GP, nhưng trên trang web của cơ sở Medora Centre for Aesthetic Medicine, ông này “nổ” là bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Nhiều bệnh nhân đã bị lừa. Và mới hôm 4.1 năm nay, ông này lại bị Hội đồng Y khoa Singapore (SMC) phạt 10.000 SGD, mức phạt cao nhất, vì vi phạm tương tự.

Ba bác sĩ đứng đầu 3 hiệp hội các bác sĩ về da và da liễu ở Singapore hôm 11.1 phản ánh trên báo Straits Times rằng, kiểu bác sĩ đa khoa và có chứng chỉ về da liễu như ông Wong, ông Zhu chỉ có thể khám những rối loạn da thông thường; không thể điều trị được các bệnh về da, tóc, móng hay bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục như các bác sĩ da liễu khác, chứ đừng nói đến việc phẫu thuật thẩm mỹ và hút mỡ bụng.

Nhưng mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng hơn khi ông Franklin Heng, 44 tuổi, tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản, được biết là một người khỏe mạnh, cơ thể cân đối và gọn gàng trừ một vài rẻo mỡ thừa ở bụng, đã thiệt mạng ngay sau một cuộc phẫu thuật hút mỡ bụng chiều 30.12.2009. Nơi thực hiện hút mỡ cho ông là Reves Clinic nằm ở tầng 4 tòa nhà International Building ở khu mua sắm sầm uất Orchard Road do hai bác sĩ (Jim) Wong Meng Hang và Zhu Xiu Chun (tên khác là Myint Myint Kyi) đứng tên đăng ký từ tháng 7.2009. Hai vị này cũng là những GP và chỉ có chứng chỉ về da liễu.

Trước khi mở Reves Clinic, hai ông này hành nghề tại TLC@Orchard Clinic ở tầng hầm tòa nhà Far East Shopping Centre cũng trong khu Orchard. Website của TLC@Orchard Clinic cũng như của Reves Clinic (hiện đã tạm đóng, chỉ còn những trang lưu riêng lẻ trên mạng) giới thiệu không thiếu một liệu pháp, thủ thuật giải phẫu thẩm mỹ nào. Nghịch lý là ở chỗ, SMC, cơ quan thuộc Bộ Y tế chuyên quản lý bác sĩ ở Singapore, quản lý tất cả bác sĩ, dù là người Singapore hay người nước ngoài, làm việc lâu dài hay tạm thời (mọi bác sĩ đều phải đăng ký với SMC về chuyên môn, bằng cấp và các chứng chỉ, cũng như địa chỉ công tác.

Các thông tin này được tập hợp rất đầy đủ, có hệ thống trên website của SMC); nhưng khi họ công khai làm những việc ngoài chuyên môn thì không bị xử lý gì cho đến khi xảy ra sự cố. Thậm chí, khi sự cố xảy ra, biện pháp xử lý cũng làm nhiều người thắc mắc. Trường hợp Reves Clinic, Bộ Y tế chỉ yêu cầu hai bác sĩ không được thực hiện bất kỳ thủ thuật hút mỡ nào nữa; còn bác sĩ Medora gây thiệt hại cho bệnh nhân là do “lơ đãng chứ không vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. 

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.