Hoa kiểng dỏm đầy phố

17/01/2010 22:24 GMT+7

Càng gần đến Tết Nguyên đán, hoa kiểng... dỏm cũng rộn ràng đổ về TP.HCM chen chân trên phố.

Anh Trịnh Hồng Lâm ở ấp Tân Lập, Dĩ An, Bình Dương, kể: “Gần Tết năm rồi, thấy nhiều người xúm quanh chậu mai bán dạo rất đẹp. Tôi nghĩ chậu này giá phải vài triệu nên chỉ ghé lại coi. Sau khi trả giá chơi, kỳ kèo một lúc tôi mua được chỉ với... 270 ngàn đồng. Tuy vậy, chỉ chơi được mấy ngày hoa bắt đầu rụng, rồi cây chết. Sau này, nhờ mấy người chuyên trồng cây kiểng nói tôi mới biết, do người bán xịt loại thuốc kích thích nên cây rộ hoa một lần rồi chết”.

“Toàn cây kiểng đẹp đấy”

Tại TP.HCM, từ sáng sớm đã thấy các xe chở hoa, cây kiểng bán dạo xuất hiện trên nhiều tuyến đường.

“Mấy trò gắn trái, hoa vào gốc sung, lộc vừng, sơ-ri... xưa rồi. Hiện nay, rộ lên mốt cây kiểng “hồn Trương Ba da hàng thịt”. Họ lấy gốc mai đã chết, rồi cặp vào mấy cây mai con còn sống...”.

Ông Phạm Phúc Vinh, chủ vườn kiểng Hoàng Ly (P.Hiệp Thành, Q.12)
Ghé lại một “shop cây kiểng lưu động” trên đường Ba Tháng Hai (Q.10), chị bán hàng đon đả mời: “Toàn cây kiểng đẹp đấy. Xem đi, gốc nào cũng đầy trái. Gốc lớn giá 850 ngàn, gốc nhỏ 350 ngàn”.

Đấy là những gốc sung kiểng rất đẹp, trái sum suê. Nhờ các chủ nhà vườn tư vấn trước đó nên chúng tôi dễ dàng phát hiện đây là  kiểng dỏm. Chỉ mấy trái sung héo, chúng tôi hỏi: “Mấy trái này sao thấy... buồn buồn vậy?”. Chị bán hàng nhanh nhảu: “Mấy trái đó chín rồi đấy”. “Vậy gốc sung này chơi được bao lâu?”. “Gốc này chơi hai tháng vẫn còn trái”. Chúng tôi lại hỏi: “Chị nói thiệt đi, giá bao nhiêu”. Chị bán hàng liền hạ giá xuống còn 200 ngàn đồng/gốc sung nhỏ. Thấy chúng tôi chê đắt, chị bán hàng nói: “Thì em nói vậy thôi, anh mua bao nhiêu thì trả giá, em bán cho”.

Ghé một xe bán hoa kiểng lưu động trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), chúng tôi cũng được một thanh niên chào bán những gốc sung rất đẹp, trái sum suê nhưng... giá rẻ bất ngờ: gốc sung lớn giá 800 ngàn đồng. Chúng tôi trả 300 ngàn đồng, anh ta bán liền...                               

Công nghệ “trồng” kiểng dỏm

Theo các nghệ nhân, hiện nay trên thị trường có bốn loại cây kiểng dỏm phổ biến: cây sung, lộc vừng, sơ-ri, mai. Có thể phân biệt hoa kiểng dỏm với hoa kiểng thật ở giá và kiểu dáng. Đặc biệt, cây kiểng đã vào chậu không thể nào có sức để ra trái sum suê kín cả gốc như gốc sung, sơ-ri dỏm bán dạo. Cũng không thể có chậu mai nào nhánh sà ra sát gốc, không nghệ nhân nào có thể tạo hình được như vậy.

Bên cạnh đó, người mua nên chọn các nhà vườn, cửa hàng có uy tín, địa chỉ rõ ràng để mua, vừa đảm bảo chất lượng vừa được người bán bảo dưỡng cây sau đó cẩn thận.

Nhìn những tấm ảnh chụp mấy gốc sung bán dạo trên đường phố, một số nghệ nhân hoa kiểng chắc nịch: “Đồ dỏm”.

Ông Mai Thanh Sơn, chủ vườn cây kiểng ở Q.Phú Nhuận, nói: “Cây kiểng dỏm được làm rất tinh vi nhưng chịu khó suy nghĩ một chút sẽ biết ngay. Làm gì có gốc sung kiểng nào trái ôm dày đặc quanh gốc. Hơn nữa, giá gốc sung bán dạo như vậy chỉ bằng 1/5 gốc sung thật”.

Các nghệ nhân cho biết, kỹ thuật tạo gốc sung dỏm khá tỉ mỉ. Các “chuyên gia hoa kiểng dỏm” khoan lỗ trên thân cây rồi gắn chùm trái sung vào bằng keo dán sắt 502. Cũng bằng chiêu này,  các “nghệ nhân” đã chế tác nên các gốc sơ-ri nhỏ xíu nhưng trái sum suê.

Ông Phạm Phúc Vinh, chủ vườn kiểng Hoàng Ly (P.Hiệp Thành, Q.12), cho biết: “Mấy trò gắn trái, hoa vào gốc sung, lộc vừng, sơ-ri... xưa rồi. Hiện nay, rộ lên mốt cây kiểng “hồn Trương Ba da hàng thịt”. Ở Gò Vấp có lò chế tác cây kiểng dỏm rất tinh xảo. Họ lấy gốc mai đã chết, rồi cặp vào mấy cây mai con còn sống. Kế đến là công đoạn tạo dáng cho cây, lấy xi măng trộn với sình để quét gốc, tưới phân diêm lên gốc cây. Chỉ một tuần sau rêu mọc xanh gốc cây giống như thật”.

Một chiêu khác nữa là xịt thuốc diệt cỏ cho mai. Theo ông Vinh, những chậu mai xịt thuốc diệt cỏ sẽ trổ hoa vàng rực rỡ một lần rồi sau đó bị “đần”, rễ đen, chết từ từ.

Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.