“Tôi đang dịch sách về Võ Nguyên Giáp”

15/01/2010 14:15 GMT+7

Giáo sư Ahn Kyong Hwan - người đã dịch các tác phẩm: Nhật ký trong tù, Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, Truyện Kiều sang tiếng Hàn - đã có tham luận đề xuất Việt Nam nên có viện dịch thuật và cần thúc đẩy quảng bá hơn nữa giao lưu văn hóa.

Trong tham luận trình bày tại hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam tại Hà Nội vừa qua, giáo sư cho rằng việc thúc đẩy giao lưu văn hóa sẽ mở con đường thuận lợi cho phát triển và hòa nhập kinh tế mà Hàn Quốc là một ví dụ thực tế.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Ahn Kyong Hwan về công việc dịch thuật của ông.

* Ông bắt đầu học tiếng Việt từ bao giờ?

- Tôi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ ở Hàn Quốc năm 1974, khi ở trường tôi được học tiếng Việt. Năm 1989 tôi đến Việt Nam làm việc với cương vị là giám đốc chi nhánh Việt Nam cho Tập đoàn Hyundai. Trong thời gian này, tôi đi học sau đại học tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1996.

* Việc chọn dịch Nhật ký trong tù, Truyện Kiều, Nhật ký Ðặng Thùy Trâm là do ông tự tìm hay có người Việt Nam giới thiệu với ông?

- Tôi tự tìm được những tác phẩm ấy. Cũng phải đến khi vào Việt Nam tôi mới biết tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học ở Việt Nam lâu, tôi hiểu đó là một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam, bởi vậy tôi muốn giới thiệu tác phẩm này cho người Hàn Quốc.

Giáo sư Ahn Kyong Hwan hiện là giảng viên khoa ngoại ngữ Trường đại học Choson, Hàn Quốc, đồng thời là giám đốc Trung tâm tiếng Hàn tại TP.HCM.

Viện dịch thuật của Hàn Quốc được thành lập từ năm 2001, đến nay đã dịch được 1.783 tác phẩm văn học Hàn Quốc ra các thứ tiếng trên thế giới, trong đó nhiều nhất là tiếng Anh với 488 tác phẩm, tiếng Việt chỉ có 17 tác phẩm.

Một số tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn: Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Nỗi buồn chiến tranh, Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Chinh phụ ngâm, Nếu anh vẫn còn sống... Trong đó tác phẩm Nhật ký trong tù được dịch bốn lần và Truyện Kiều ba lần.

Sau khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao thì có khoảng 12 tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn. Ðây là số lượng không nhiều mặc dù quan hệ về mặt giao lưu kinh tế là khá lớn.

* Bạn đọc Hàn Quốc đón nhận các tác phẩm văn học ấy như thế nào?

- Nhật ký trong tù giúp người dân Hàn Quốc hiểu rõ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn thông qua Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, bạn đọc đất nước chúng tôi cũng hiểu hơn về chiến tranh và lý tưởng của lớp thanh niên Việt Nam.

* Hiện nay ở Hàn Quốc có bao nhiêu trường dạy môn tiếng Việt?

- Ở Hàn Quốc có bốn trường đại học có khoa dạy tiếng Việt.

* Theo giáo sư, mục đích chủ yếu của người Hàn Quốc học tiếng Việt là gì?

- Ðể tìm kiếm việc làm tại Việt Nam và cả Hàn Quốc.

* Hàn Quốc đã có một chiến lược quảng bá và giao lưu văn hóa rất thành công với các nước trong khu vực đi đôi với phát triển và đầu tư kinh tế, ông có thể cho biết bí quyết của sự thành công này là gì?

- (Cười) Tôi chỉ nói riêng về văn học thôi, vì đây là lĩnh vực tôi biết. Tại Hàn Quốc đã thành lập viện dịch thuật và có kế hoạch xuất bản hằng năm, trong đó rất chú trọng khâu dịch thuật.

Cứ mỗi đầu sách được dịch sang tiếng nước ngoài thì dịch giả được trả 15 triệu won (tương đương 13.000USD) còn việc in ấn, phát hành và quảng bá sang đất nước ấy thế nào thì đó là việc của viện dịch thuật.

* Ông có được tổ chức nào tài trợ khi dịch các tác phẩm tiếng Việt sang tiếng Hàn Quốc không?

- Tôi làm vì niềm đam mê và tự bỏ tiền túi.

* Cuốn sách ông đang dịch là gì?

- Ðó là cuốn Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng không thể nào quên của nhà văn Hữu Mai.

* Khoảng bao giờ sách này sẽ ra mắt độc giả Hàn Quốc?

- Tôi đang cố gắng làm việc và hi vọng cuốn sách sẽ ra mắt sớm nhất.

* Ông có ý định dịch một cuốn truyện ngắn nào đó của Việt Nam không?

- Tôi rất muốn nhưng tôi chưa biết chọn tác giả nào, tác phẩm nào cho công việc này cả.

* Trong hội nghị quảng bá văn học của Việt Nam vừa rồi, ông cũng vẫn không biết thêm tác giả nào hay sao?

- Tôi có nhận được một số sách của các tác giả tặng kèm danh thiếp của họ. Tôi sẽ đọc và biết đâu trong số đó sẽ có tác phẩm nào đó khiến tôi muốn dịch.

Theo Hoàng Điệp / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.