Bẫy thu nhập trung bình

06/01/2010 00:27 GMT+7

Kèm theo gói viện trợ 500 triệu đô la, hôm 23.12.2009, World Bank xác nhận Việt Nam đã bước vào khối các quốc gia có thu nhập trung bình.

Họ ghi nhận chỉ cần 7 năm tăng trưởng, chúng ta đã thoát khỏi danh sách các nước đói nghèo. Kể cả năm qua, trong lúc kinh tế toàn cầu suy thoái, chúng ta vẫn đạt mức tăng trưởng 5,32%.

Ghi nhận trên là tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam năm nay cũng có nhiều nỗi lo. Giá cả tăng, lạm phát đe dọa và bong bóng bất động sản bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội.

Trong hội nghị các nhà tài trợ ở Hà Nội, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc World Bank tại Việt Nam nêu thêm một nỗi lo: nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình.

Quốc gia có mức thu nhập trung bình phải có thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt từ 1.000 – 12.000 đô la. Cao hơn gọi là quốc gia phát triển, thấp hơn là quốc gia đói nghèo.

Thuật ngữ bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) dùng để chỉ tình trạng mắc kẹt của nhiều quốc gia đã thoát nghèo, song không giàu nổi do nhiều nguyên nhân.

Việt Nam làm thế nào để thoát khỏi cái bẫy ấy?

Hai chuyên gia kinh tế nước ngoài được dẫn lời sau đây có một số lời tâm sự, trong đó ông Trưởng khoa kinh tế chương trình Fulbright, Jonathan Pincus cho rằng chúng ta còn nhiều người nghèo quá. Hàng triệu người vẫn đang mắc kẹt ở những vùng nông thôn. Có gia đình cả chục miệng ăn, song chỉ sở hữu được vài sào đất thì làm sao mà không nghèo. Và ông cho rằng chúng ta thoát nghèo là nhờ biết “rút” một phần người lao động ra khỏi những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ.

“Muốn phát triển bền vững, các bạn phải nắm vững công nghệ sản xuất mới, nâng cao kỹ năng của người lao động để sử dụng công nghệ đó, tạo ra những sản phẩm tinh xảo và tung sản phẩm này xâm nhập vào các thị trường mới” - Pincus trả lời phỏng vấn của Thanh Niên và kể thêm một câu chuyện chả biết có cười nổi hay không:

“Ngành may mặc các bạn tốt đấy, xuất khẩu hằng năm cả tỉ đô la, nhưng cũng chính các bạn lại nhập khẩu hàng tỉ đô la quần áo từ Trung Quốc”.

Sự tăng trưởng của Việt Nam cũng được ông Kenichi Ohno - Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng cố vấn Nhật Bản ở Hà Nội đánh giá trong tài liệu “Bẫy thu nhập trung bình: gợi ý cho chiến lược công nghiệp hóa tại Đông Á và Phi châu” là “vẫn ở thế thụ động, chủ yếu dựa vào lượng tài chính bên ngoài đổ vào”.

Ông cho rằng chúng ta mới chỉ ở giai đoạn 1: sở hữu công nghệ sản xuất đơn giản nhưng không biết cách xài nên vẫn phải nhờ mấy anh ngoại quốc. Thái Lan và Malaysia đang ở giai đoạn 2: có các ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng cũng giống Việt Nam là không biết vận hành.

Hàn Quốc và Đài Loan đã tự làm được điều đó và theo Ohno, hai nền kinh tế này đã tiến đến giai đoạn 3 là tự mình tạo ra những sản phẩm có giá trị cao và họ đã đạt đến nền kinh tế thu nhập cao.

Tự tạo ra những “giá trị nội địa” chính là mấu chốt để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và tạo ra sự khác biệt giữa các quốc gia thoát bẫy và kẹt bẫy.

Tạo ra được những giá trị nội địa này để hoàn tất bước nhảy từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3, thông thường tốn khoảng 50 năm.

Chỉ có vài nền kinh tế thoát bẫy, trong đó có Hàn Quốc, Đài Loan. Ở Đông Nam Á thì mới chỉ có Singapore.

Còn Việt Nam thì sao? Ba mươi năm, năm mươi năm hay hơn nữa phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của chính phủ đối ứng với từng vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển đổi.

Xin mượn lời ông trưởng khoa Jonathan Pincus để kết thúc bài viết: “Sẽ mất rất nhiều năm mới có thể đạt đến nền kinh tế hiện đại, do đó không bao giờ là quá sớm cho một quyết định khởi hành”.

Ngọc Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.