Người đem “công nghệ” cho hoa Đà Lạt

03/01/2010 00:36 GMT+7

Đà Lạt dù nổi tiếng về hoa từ lâu, thế nhưng để hoa trở thành “công nghệ” thì vẫn chưa xứng tầm. Từ năm 1994, Công ty Dalat Hasfarm (Đà Lạt) được thành lập, mở ra một triển vọng mới cho nghề trồng hoa ở xứ sở ngàn hoa này.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Thomas Hooft - Tổng giám đốc Dalat Hasfarm.

* Tại sao từ Hà Lan xa xôi, ông lại chọn Đà Lạt là điểm dừng chân và mở một công ty hoa?

- Tôi từng có một công ty hoa tại Indonesia, nhưng không đáp ứng đủ số lượng xuất khẩu. Năm 1993, tôi muốn mở một công ty chuyên về phân phối và xuất khẩu hoa. Thế là tôi đi khắp các nước Đông Nam Á để tìm kiếm một nơi thích hợp, từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… Và cuối cùng khi đặt chân đến Đà Lạt, tôi nghĩ mình không cần phải đi đâu nữa, bởi ở đây hội đủ yếu tố để tôi phát triển ước mơ về một trang trại hoa: nhiệt độ, con người, nước, chất lượng đất, sân bay và những cơ sở hạ tầng khác đều đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa môi trường đầu tư ở đây rất tốt, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để tôi tiến hành làm thủ tục đầu tư.

* Phải nói rằng từ khi Dalat Hasfarm thành lập đã góp phần không nhỏ cho việc quảng bá thương hiệu hoa Đà Lạt không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Ông nghĩ gì về điều này?

- Khi tôi đến Đà Lạt vào năm 1994 và tìm một mảnh đất trồng hoa, lúc đó chỉ là mảnh đất hoang và người nông dân Đà Lạt chưa có quan niệm về nhà kính để trồng hoa là gì. Và như bạn đã biết, nhà kính rất quan trọng trong việc trồng hoa vì chúng ta kiểm soát được yếu tố thời tiết, nấm bệnh gây hại cho hoa... nhờ thế cho ra sản phẩm hoa chất lượng cao. Điều đáng mừng là sau khi chúng tôi triển khai công nghệ nhà kính thì 3-4 năm sau, người trồng hoa Đà Lạt bắt đầu chú ý đến việc xây dựng nhà kính được khoảng 20 ha, đến nay thì có khoảng 1.400 ha nhà kính và có từ 6.000-7.000 hộ gia đình trực tiếp sản xuất hoa. Đó là chưa kể những sản phẩm “ăn theo” việc trồng hoa. Tôi nghĩ nếu tôi không đến thì chắc chắn cũng có một người khác đến và mở công ty hoa. Nhưng tôi thấy mình đã quyết định đúng lúc khi cho ra đời Dalat Hasfarm.

* Nghĩa là người trồng hoa Đà Lạt khá yếu kém trong đầu tư công nghệ?

- Không thể nói họ yếu kém, mà đúng hơn là họ không có tiền. Mà khi đã có tiền từ việc trồng hoa thì họ lại mua xe máy, ti vi hoặc xây nhà. Tuy nhiên điều đáng mừng là một số nông dân biết đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển nghề trồng hoa. Tôi tin rằng trong vài năm tới, nông dân Đà Lạt sẽ sở hữu một hệ thống nhà kính giống như Dalat Hasfarm đang có, thậm chí cả về công nghệ và quy trình sản xuất hoa.

* Được biết, Dalat Hasfarm đã mở rộng thêm diện tích hoa?

- Hiện nay, ngay tại Dalat Hasfarm, chúng tôi không thể mở rộng diện tích, vì hết đất. Tuy nhiên trước sự phát triển không ngừng (tăng 15-20% mỗi năm) và để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chúng tôi nghĩ ngay đến việc phải mở rộng;  hiện chúng tôi đã có 260 ha đất tại Đạ Ròn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) và đang phát triển 3 nhóm sản phẩm chính tại đây là hoa cắt cành, sản xuất ngọn giống và lá trang trí.

* Thế tại sao ông không sử dụng công nghệ cao như ở Hà Lan để phát triển hơn nữa nghề trồng hoa ở Dalat Hasfarm?

- Đây cũng là thành công của công ty chúng tôi: Biết đầu tư hợp lý - không nhiều quá cũng không ít quá. Chúng tôi theo quan điểm “3R” (Right place, Right time and Right produce - đúng chỗ, đúng thời điểm và đúng sản phẩm), vì không phải anh đầu tư nhiều là thành công mà phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau.

* Ông có vui lòng chuyển giao công nghệ trồng hoa và phát triển mối quan hệ hợp tác với nông dân địa phương?

- Về nguyên tắc, những người nào chung ngành nghề về hoa đều là đối thủ cạnh tranh của công ty. Tuy nhiên chúng tôi cũng có một số hợp tác với nông dân địa phương bằng cách gửi một số công nhân lành nghề và tư vấn viên đến với nông dân. Sau đó chúng tôi cung cấp giống hoa với điều kiện chỉ bán sản phẩm cho chúng tôi và những sản phẩm ấy phải đạt chất lượng cao. Nói thật chúng tôi không sợ mất công nghệ, vì có thể tìm kiếm công nghệ ở bất cứ đâu, nhất là trong thời đại thông tin toàn cầu này. Cái quan trọng là chọn đúng đối tượng để hợp tác.

* Ông đánh giá như thế nào về  quyền sở hữu công nghiệp về giống hoa ở Việt Nam?

- Rất tệ! Để có được sản phẩm mới, chắc chắn người nào đó phải bỏ ra khá nhiều công sức và tiền của. Quyền sở hữu công nghiệp về giống hoa là cách lấy lại những mất mát đó. Và nếu anh không trả tiền thì coi như anh ăn cắp và anh không có đóng góp gì cho việc phát triển giống mới đó. Đó là vấn đề chung của cả thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam hay ở một khu vực nào nên mọi người phải tuân thủ.

*  Được biết ở Hà Lan có nhiều lễ hội hoa. Ông so sánh thế nào với Festival Hoa Đà Lạt và ông nghĩ gì về Festival Hoa Đà Lạt 2010?

- Ở Hà Lan, một năm có đến từ 15-20 lễ hội hoa. Tuy nhiên các lễ hội hoa đó chỉ mang tính địa phương, thường diễn ra trong một ngày. Thường là do hội đồng địa phương hoặc một số nhà trồng hoa đem ra triển lãm với mục đích chính là giới thiệu sản phẩm của họ với công chúng. Tôi rất ấn tượng về Festival Hoa Đà Lạt. Và lần này là lần thứ 3 nên tôi nghĩ chắc chắn sẽ chuyên nghiệp hơn 2 lần trước, chương trình cũng sẽ lôi cuốn khán giả và du khách hơn. Tuy nhiên, tôi thấy bên cạnh việc quảng bá hình ảnh Đà Lạt rất tốt thông qua festival hoa, các bạn chú ý quá nhiều vào việc lôi kéo du khách đến với Đà Lạt mà quên chú ý đến việc đầu tư phát triển nghề hoa, hay nâng cao năng suất hoa - mà lẽ ra đây là việc chính mới đúng.

* Xin cám ơn ông.

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.