Hạt nếp - Mang hồn ẩm thực việt

26/12/2009 10:52 GMT+7

(TNTT>) Trong ẩm thực Việt Nam có một loại thực phẩm giản dị mà gần gũi đến mức đôi khi người ta quên bẵng mất sự hiện diện của nó. Nếu hạt gạo, cái hạt “ngọc thực” của thiên nhiên không thể thiếu trong bữa cơm gia đình, và hạt tẻ cho bát cơm thêm ngon lành, thì hạt nếp dẻo thơm lại mở ra cả một vùng ẩm thực diệu kỳ trong nếp sống, nếp ăn của dân tộc Việt

Hạt gạo nếp không biết có tự bao giờ. Từ thuở xa xưa, nó đã là lương thực chính của một số dân tộc ở châu Á, trong đó có dân tộc Việt.

Hạt gạo nếp thơm hơn và quý hơn gạo tẻ nên nó thường được dùng làm nguyên liệu chế biến những lễ vật dâng cúng thần linh và tổ tiên.

Từ cái hạt trắng trong như ngọc, khi còn xanh mướt trên đồng đã thơm nức lòng người, đã có bao nhiêu là món ngon, từ đơn giản đến cầu kỳ, từ dân dã đến cao lương mỹ vị - những món ăn mà dù mỗi người Việt Nam có đi đâu về đâu cũng nhung nhớ suốt đời.

Gần gũi nhất và cũng đơn giản nhất, hạt nếp cho ta món xôi ngon thơm thảo. Xôi trắng đơn sơ chấm muối vừng, xôi lạc với những hạt lạc mập tròn hồng tươi, xôi dừa tinh khôi ngầy ngậy nước cốt dừa, xôi đỗ vàng ươm như nắng, xôi gấc đỏ tươi mượt mà, xôi nếp cẩm tím thẫm, xôi cốm xanh mát như trời thu… đến xôi xéo, xôi ngô, xôi vò lại là cả một nghệ thuật kỳ công. Cũng là xôi đấy, nhưng gia giảm chút muối, chút đường, món này thêm vài lát đậu xanh xắt nhuyễn, món kia thêm sợi dừa nạo trắng tinh, hành phi thơm lừng, đậu đen bùi bùi, lạc nhân béo ngậy, thịt gấc đỏ tươi hay hạt ngô non căng mọng… là lại có một hương vị mới.

Giữa những ngày đông lành lạnh, ai chẳng có lúc nhớ đến se lòng mùi thơm nao nức của chõ xôi đang tỏa hơi nghi ngút bên bếp lửa hồng rực, nhớ gói xôi nóng sực mà mẹ chăm chút nấu cho ta mỗi sáng.

Hạt nếp dẻo mềm thơm lựng như những ký ức tuổi thơ. Chẳng thể kể hết những thức quà bánh làm từ nếp. Cứ để nguyên hạt gạo căng mẩy, hay xay ra thành bột trắng tinh, rồi nhào, rồi nặn, luộc, rán, hấp… bao nhiêu cách chế biến, bấy nhiêu mùi vị, bấy nhiêu hương sắc.

Hạt nếp lựa loại thật ngon, hạt mẩy mượt mà, gói trong lá dong xanh cùng đậu xanh, thịt mỡ, nấu thật lâu trên bếp lửa để được món bánh chưng truyền thống của người Việt mỗi dịp xuân về. Bóc chiếc lá còn loáng nước, chiếc bánh hiện ra xanh mướt, từng hạt nếp quyện chặt vào nhau, nhân đỗ, nhân thịt, hành tiêu thơm lừng quấn quýt. Xắn một góc đưa lên miệng, tưởng chừng như miếng bánh tan ra nơi đầu lưỡi.  Rồi bánh gio sâm sẫm màu hổ phách, nhìn vẫn thấy lơ mơ những hạt gạo đã biến hình hài nhưng chưa hòa tan hết vào kiếp khác, rưới lên vài giọt mật mía ngọt sắc, chiếc bánh vô hồn bỗng trở nên man mát tê tê, thanh thanh nồng nồng đến lạ. Bánh nếp dẻo ngọt vị đường, thơm bùi đỗ xanh. Bánh khúc nhỏ xinh với từng hạt nếp trắng muốt tròn vo ôm lấy lớp nhân đỗ quyện lá khúc thơm dậy mùi tiêu. Hay đơn giản chỉ là bột nếp vo viên chiên lên cũng thành một thứ bánh ăn chơi thú vị.

Nếp góp phần làm nên mùa thu Hà Nội với nồng nàn hương cốm mới. Cứ mỗi độ thu sang, những cây lúa nếp cái hoa vàng còn đọng sữa được tuốt về, rang lên rồi giã, sàng, sảy để được hạt cốm óng xanh như ngọc, e ấp trong bọc lá sen xanh và gói lại hờ hững bằng sợi rơm vàng mỏng mảnh. Bình dị thế thôi nhưng chất chứa biết bao nhiêu hồn của nếp, của mùa thu Hà Nội.

Xuân về, trong bao nhiêu thứ sắm sửa đón tết chẳng thể thiếu nếp. Ngay từ tháng chạp, người phụ nữ đã phải lo lựa nếp thật ngon, nào là nếp thổi xôi, nếp gói bánh chưng, nếp xay bột làm bánh.

Hạt nếp đầm ấm bữa cơm gia đình, thơm thảo bàn tay người phụ nữ, thành kính thiêng liêng mâm cơm dâng lên tổ tiên trong khoảng khắc giao thừa.

Hạt nếp sinh ra để dâng trọn cái ngon lành, nguyên vẹn của nó cho con người. Cứ thầm lặng, cứ bình dị như thế bên cạnh bao nhiêu món ăn lộng lẫy xa hoa khác. Nhưng tận sâu thẳm trong tâm thức mỗi người Việt, cái hạt ngọc dẻo thơm thấm đẫm chắt chiu sâu nặng ấy sẽ chẳng có gì thay thế được.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.