Oai hùng Không quân Việt Nam - Kỳ 4: Tướng Soát kể chuyện không kích

24/12/2009 16:32 GMT+7

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, trung tướng - anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát nói nhỏ nhẹ: “Tôi là thế hệ phi công thuộc lớp thứ 3, tức năm 1965, tôi mới đi học lái máy bay ở Liên Xô, đến năm 1968 mới về. Lúc đó, các anh phi công lớp trước lái MIG 17, MIG 21 đã bắn rơi rất nhiều máy bay”.

Rồi ông kể tiếp: MIG 17 khi đó so với máy bay của Mỹ thì chúng ta kém hơn. Về sau này có MIG 21 thì tính năng không chênh nhau bao nhiêu. Còn về số lượng, địch có rất nhiều máy bay, ta thì ít hơn hẳn.

Năm 1972, khi bước vào cuộc đọ sức giai đoạn này, ta có 4 trung đoàn không quân chiến đấu. Có 2 trung đoàn trang bị MIG 21 (Trung đoàn 921 và Trung đoàn 927). Trung đoàn 923 trang bị MIG 17 và Trung đoàn 925 trang bị MIG 19. Tổng số máy bay chúng ta có lúc bấy giờ là khoảng hơn 150 chiếc. Trong khi đó, phía Mỹ có 3 tàu sân bay, cao điểm có lúc đến 4 tàu sân bay được bố trí ở vịnh Bắc Bộ và biển Đông với mỗi tàu sân bay có từ 80 đến 90 chiếc máy bay. Phương châm tác chiếc của ta lúc bấy giờ chỉ có 7 chữ: “Bí mật, bất ngờ, đánh chắc thắng”. Lúc ấy, ông mới 26 tuổi và là Đại đội trưởng đại đội 3 - Trung đoàn 927, còn ông Nguyễn Tiến Sâm là Đại đội phó. Trước đó vào năm 1969, ông đã bắn rơi 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái và chỉ trong năm 1972,  ông bắn rơi được 5 chiếc nữa.

Trận đánh đáng nhớ

 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Ảnh: Tư liệu

“Với tôi, có rất nhiều trận đánh đáng nhớ. Phải nói nghiêm chỉnh rằng, không quân ta đánh rất tốt, tất nhiên chúng ta cũng có tổn thất. Tôi nhớ nhất là trận đánh ngày 27.6.1972. Tôi bay số 1, Ngô Duy Thư bay số 2. Sáng ngày hôm ấy, 1 biên đội do anh Bùi Đức Nhu chỉ huy đã bắn rơi 1 chiếc F4 tại Suối Rút, tỉnh Hòa Bình khiến phi công Mỹ nhảy dù và Mỹ phải tìm cách cứu phi công của mình.

Sau khi nhận được tín hiệu của phi công bị bắn rơi, các tốp tiêm kích của địch bắt đầu bay vào bắn phá khu vực đó để đưa trực thăng vào cứu. Tôi và anh Ngô Duy Thư thuộc Trung đoàn 927 đang trực ở sân bay Nội Bài. Biên đội của Trung đoàn 921 do anh Phạm Phú Thái số 1 và anh Bùi Thanh Liêm số 2 trực ở sân bay Yên Bái. Sở chỉ huy quyết định cho 2 biên đội chúng tôi cất cánh. Khi biên đội chúng tôi phát hiện máy bay địch ở tốp đầu tiên thì chúng cũng phát hiện ra chúng tôi. Theo đánh giá của tôi, về mặt kỹ thuật, phi công Mỹ bay rất giỏi, họ có nhiều giờ bay và nền tảng kỹ thuật, kinh nghiệm từ thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai rồi chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên phi công Mỹ đánh rất bài bản, tức là nếu như 1 tốp máy bay 4 chiếc nếu bị tấn công thì ngay lập tức, họ sẽ tách làm đôi, 2 chiếc bay về bên trái, 2 chiếc còn lại bay về bên phải”, trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại.

Trở lại trận đánh hôm đó, ông cho biết thêm: Khi biên đội của ông vào công kích, tốp tiêm kích của địch theo bài bản cũng tách làm đôi. Ông biết chắc rằng sau khi tách tốp, 2 chiếc bay sau của địch sẽ vòng lại bám theo tốp thứ nhất. Ngay lập tức, ông quyết định không bám tốp thứ nhất nữa mà bám theo tốp thứ hai và thông báo cho số 2 của ông rằng: “Tôi sẽ tấn công tốp thứ hai, anh tấn công tốp thứ nhất luôn đi”. Ngay khi ông tiếp cận và bắn rơi chiếc số 1 của tốp hai bên phe địch, chiếc thứ 2 hoảng quá tháo chạy.

Lập công giữa vòng vây địch

Năm 2005, trung tướng Nguyễn Đức Soát - lúc đó là Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đến thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii theo lời mời của tướng 4 sao William J.Fallon - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Tại đó, một viên tướng 3 sao, vốn là phi công, lúc đó là Phó tư lệnh mời trung tướng Nguyễn Đức Soát đến phòng riêng và nói rằng: “Ngày 12.10.1972, ngài đã bắn rơi 1 máy bay của phi đội tôi, 1 đại úy và 1 trung tá phi công Mỹ đã bị bắt làm tù binh. Đây là một phi đội nổi tiếng từ Thế chiến 2. Chúng tôi rất nể trọng phi công Việt Nam, rất nể trọng ngài”.

Tiếp sau đó là trận đánh ngày 12.10.1972, lúc ấy ông đang là Đại đội trưởng, ông Nguyễn Tiến Sâm làm Đại đội phó Đại đội 3 Trung đoàn không quân 927. Ông thuật lại: “Ở sân bay lúc ấy trực 4 chiếc. Nhưng do thời tiết bấy giờ rất xấu nên quân chủng quyết định chỉ cho 2 chúng tôi xuất kích. Tôi bay số 1, anh Sâm bay số 2.

Khi chúng tôi bay lên thì được sở chỉ huy thông báo có 12 chiếc máy bay Mỹ đang ở dưới chúng tôi. Sau đó tôi phát hiện 1 tốp 4 chiếc đang ở trước mắt và xin công kích. Sở chỉ huy nhắc nhở: Có 12 chiếc, vì sợ tôi chui vào giữa đội hình địch. Sau khi được phép công kích, tôi bảo anh Sâm: “Anh đừng xuống công kích mà chỉ đứng ở trên quan sát và yểm hộ”. Tôi vừa nhào xuống thì anh Sâm nói: “Băng ra ngay, dưới bụng số 1 rất nhiều máy bay”. Nghe thế tôi nghiêng cánh nhìn xuống thì thấy rất nhiều máy bay Mỹ vì chúng tôi bay trên mây đè lên chúng.

Ngay sau đó, 4 chiếc đầu tiên tôi định tấn công bỗng vòng trở lại, tôi bám 4 chiếc đầu tiên trong tốp 8 chiếc, 4 chiếc còn lại chúng bám sau lưng mình. Phi công Mỹ lại theo chiến thuật quen thuộc, 4 chiếc tôi đang bám vội tách làm đôi bay vòng rất gấp theo 2 hướng trái và phải. Vừa vòng theo địch, tôi vừa đưa chúng vào vòng ngắm và nhấn tên lửa, ngay lập tức tôi thoát ly vọt lên cao thì 4 chiếc sau cũng vừa bắn. Tất nhiên là chúng bắn trượt. Qua bộ đàm, tôi nghe tiếng anh Sâm hô: “Cháy rồi! 2 thằng nhảy dù rồi”.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát được tuyên dương anh hùng vào tháng 1.1973. Năm 1997, ông là Tư lệnh Không quân. Năm 1999 là Tư lệnh Phòng không Không quân. Năm 2002 ông là Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.