Đừng đẩy NĐT vào sàn "chui"

09/12/2009 01:32 GMT+7

Hoặc là dừng hoạt động sàn vàng, hoặc là nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%..., đó là 2 phương án quản lý sàn vàng của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo các chuyên gia, cần có một phương án thứ 3.

Nhà đầu tư hoang mang

Đối với hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, trước đây nhà đầu tư (NĐT) ký quỹ 10% nhưng hiện nay tỷ lệ này còn 5%. Số tiền còn lại, ngân hàng hay đơn vị tổ chức trung tâm giao dịch vàng sẽ cho NĐT vay để mua bán vàng. Nay, thông tin tỷ lệ ký quỹ sẽ được điều chỉnh tăng "một lèo" từ 5% lên 100% khiến cho NĐT hoang mang.

Anh Duy (NĐT vàng tài khoản, Q.1, TP.HCM) cho rằng, nếu yêu cầu NĐT ký quỹ 100% thì sẽ chẳng có NĐT nào giao dịch vàng tài khoản vì giá trị của vàng rất lớn. Tỷ lệ ký quỹ quá cao sẽ khiến kênh đầu tư này không còn hấp dẫn đối với họ. Lúc đó để tồn tại, chủ đầu tư sàn vàng sẽ tìm cách "lách" tỷ lệ này để thu hút NĐT. Như vậy, quy định chưa ra đã thấy "kẽ hở" để cả NĐT vi phạm và chủ sàn lách luật.

Một NĐT khác thì cho rằng, quy định "dẹp" sàn vàng cũng không khả thi vì nếu muốn, các NĐT sẽ chuyển hướng kinh doanh đánh thẳng ra nước ngoài. Như vậy, việc "dẹp" sàn vàng trên thực tế chỉ làm Nhà nước thất thu một số tiền thuế không nhỏ mà không thể cấm NĐT kinh doanh vàng tài khoản.

Hiện nay, thị trường đang tồn tại 4 loại hình sàn giao dịch vàng. Loại đầu tiên là do ngân hàng tổ chức, NĐT mở tài khoản tại ngân hàng này và giao dịch. Loại hình thứ 2, công ty liên kết với ngân hàng tổ chức sàn, ở đây ngân hàng sẽ là đơn vị cho vay và thanh toán, NĐT mở tài khoản tại ngân hàng rồi thực hiện đặt lệnh mua, bán qua công ty. Loại hình thứ 3, công ty tổ chức sàn và mở một tài khoản “tổng”, NĐT sẽ đóng tiền vào tài khoản này để thực hiện giao dịch. Loại hình thứ 4, công ty nhận lệnh của NĐT rồi chuyển ra nước ngoài.

Một chuyên gia vàng với hơn 30 năm kinh nghiệm cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng cấm không cho kinh doanh vàng tài khoản thì chỉ có thể cấm được loại hình tổ chức 1 và 2. Vì vậy, việc "dẹp" sàn vàng trên thực tế là "đẩy" các NĐT trong nước chuyển sang giao dịch ở sàn nước ngoài mà thôi.

Cần có phương án 3

Theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay không phải là "dẹp" sàn vàng mà triển khai phương án quản lý sàn vàng. Đây là loại hình kinh doanh mới ở Việt Nam nhưng đã có trên thế giới từ nhiều năm nay nên việc ban hành quy định cho hoạt động của sàn giao dịch vàng công khai, minh bạch, khách quan càng trở nên bức thiết. Một thực tế không thể phủ nhận là hoạt động vàng tài khoản xuất hiện vài năm trở lại đây đã đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu đầu tư vàng trong dân cư, góp phần ổn định thị trường vàng vật chất. Một chuyên gia vàng cho rằng, giao dịch vàng tài khoản thời gian qua phát triển khá nhanh, khối lượng giao dịch của toàn thị trường có ngày lên đến gần 2 triệu lượng. Vì vậy, cần có một trung tâm giao dịch vàng tập trung để quản lý các sàn vàng như Sở Giao dịch chứng khoán quản lý các công ty chứng khoán hiện nay. Như vậy, không những thị trường hoạt động bài bản hơn mà còn có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. 

Ông Huỳnh Trung Khánh -Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, ông rất bất ngờ rằng kinh doanh vàng tài khoản trong nước những năm gần đây phát triển mạnh mẽ đến như vậy. "Trong 1 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và soạn thảo những văn bản hướng dẫn về hoạt động sàn vàng. Tôi hy vọng trong thời gian tới, khi các sàn chính thức chạy tốt thì các NĐT trong nước sẽ không đầu tư vào các sàn “chui” nữa. Còn nếu cấm không cho sàn hoạt động thì chỉ cấm được những sàn do ngân hàng và công ty có liên kết với ngân hàng, NĐT lại chuyển sang đầu tư vào những sàn “chui”" - ông Khánh nói.

Đặt vấn đề này lên bàn ông Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, ông Dương cho biết, vấn đề không phức tạp đến mức phải đưa ra phương án cấm các sàn vàng hoạt động. Ở góc độ là hàng hóa, nhu cầu đầu tư vàng liên quan đến đời sống người dân. Khi tạo lập sàn giao dịch vàng, ở đó người mua bán không bị "hớ” về giá cả bởi thông qua hình thức đấu giá, những hàng hóa đưa lên sàn là những hàng hóa theo tiêu chuẩn và người mua bán không thể "xù". Vì vậy, theo ông Dương "hình như đã xác định nhầm nguyên nhân nên mới dẫn đến phương án "cấm" không cho sàn giao dịch vàng hoạt động". Ông Dương cho rằng, cần có một phương án thứ 3, đó là tạo ra một sân chơi minh bạch, bình đẳng, có kiểm soát, có những quy định rõ ràng thay vì cấm hay nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%. 

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.