Tận diệt cá trên đồng

05/12/2009 15:58 GMT+7

Cứ đến mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 10, các cánh đồng tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lại bị tận diệt bởi hàng trăm máy kích điện cỡ lớn nhỏ càn quét ngày đêm.

Tận diệt

Chúng tôi vừa thực hiện hành trình xuôi theo quốc lộ 1A từ trung tâm tỉnh nhắm hướng nam để tận mắt chứng kiến những điều lâu nay vẫn nghe kể về chuyện người dân sống những vùng này thường dùng bình ắc-quy và máy kích điện rà bắt cá như kiểu đi đánh trận. Đến nơi mới hay, thực tế còn kinh hoàng hơn những lời kể.

Bắt đầu từ khu vực đập Mỹ Trung (H.Quảng Ninh), bên này đường, bên kia là sông, ở giữa cánh đồng. Những trận mưa đầu mùa khiến cho nước sông dâng cao, chảy tràn vào đồng chiêm trũng. Trên cánh đồng giờ không phải là lúa mà toàn là những chiếc thuyền nhỏ (người địa phương gọi là đò) của người dân đi làm nghề cá. Người đi thả lưới, thả nò thì ít mà người đi rà điện thì nhiều không đếm xuể. Có đò chỉ một người, vừa đẩy vừa rà. Nhưng đa số là đi 2 người một đò, người chống người rà, như thế càng tận diệt được nhiều tôm cá hơn! Đò này xuôi, đò kia ngược liên hồi như đang có một hội diễn nào đó trên đồng. Có chỗ cùng “đánh hội đồng”, nghĩa là nhiều đò cùng lướt song song nhau, hễ thoát đò này thì ắt hẳn dính đò kia.

Chúng tôi vừa tấp xe vào mép đường 1A thì vừa lúc một đôi vợ chồng trẻ chống đò tới, 2 người đứng 2 đầu đò, vợ chống, chồng rà. Biết có người đang nhìn nhưng họ chẳng buồn ngẩng mặt lên, anh chồng cứ chăm chú vào mảnh lưới sắt làm hình cây vợt buộc đầu một cây tre dài và lắng nghe tiếng báo “cá” của máy rà để vớt cá. Nhiều cú chích không thấy cá to đâu mà cá nhỏ bằng ngón tay và tôm tép nổi đầy lên mặt nước nhưng đôi vợ chồng trẻ không buồn vớt. Cứ thế, thuyền trôi dần, trôi dần từ thửa ruộng này sang thửa khác.

Khoảng giữa buổi sáng, chúng tôi tới địa phận xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy thì gặp một phụ nữ kè kè tay xách bình kích điện to tướng, còn vai thì vác cây sào tre dài ngoằng, ở phía đầu nhỏ cũng có cái vợt sắt; thấy người lạ chị băng qua đường bước nhanh xuống ruộng. Ở dưới đò, chồng chị đang cặm cụi nối mấy sợi dây điện màu xanh đỏ to bằng đầu đũa tạo thành mạng điện chằng chịt. Tôi đánh tiếng hỏi: “Máy này mua ở đâu vậy anh?”. Lập tức người đàn ông ngước lên nhíu mày: “Hỏi làm gì vậy?”, rồi nhìn tôi với ánh mắt dè chừng. Nhìn kỹ, chúng tôi thấy họ có đến 3 cái sào được nối nguồn điện, 2 cái có gắn lưới sắt hình vợt trong đó 1 cái to dài dùng để rà cá chỗ nước sâu và phạm vi rộng, một cái nhỏ dài khoảng 3m dùng cho nơi bình thường, còn cái thứ ba thì chỉ gắn 2 que sắt nhọn để găm xuống bùn.

“Xung điện là nỗi khiếp sợ của bọn em nhưng có ai dám nói đâu, giờ người rà điện nhiều gấp mấy người làm lưới, chỉ nhoắng cái là có cá bán. Bảo cấm nhưng chẳng thấy ai đuổi bắt gì, ngược lại người đi làm thế ngày càng nhiều”
Một người dân

Mấy loại này người đi rà tự chế được, còn bộ kích điện thì phải đặt mua. Một số người cho biết mỗi bộ kích điện có giá từ 700 ngàn - 1,5 triệu đồng tùy theo “sức mạnh”, nó được mua ở trung tâm huyện Lệ Thủy và ở thị xã Đông Hà (Quảng Trị). Thông thường, mỗi chuyến “ra quân”, trên đò phải có ít nhất 2-3 bình ắc-quy cỡ 24V, hết bình này có bình khác, nhiều người chơi luôn bình của xe tải. Qua bộ kích, nguồn điện tăng lên gấp bội. Vì thế, sức hủy diệt càng sâu và xa hơn, trong bán kính từ 3-5m thì không có cá tôm nào thoát chết.

Tìm tới con hói nhỏ có mấy chiếc đò làm nghề thả lưới, chúng tôi hỏi thuê chở ra cánh đồng nhưng ai cũng lắc đầu ái ngại. Một người thanh niên đã có vợ và một con mạnh dạn tâm sự: “Đưa các anh đi viết báo chắc họ xử tụi em luôn. Xung điện là nỗi khiếp sợ của bọn em nhưng có ai dám nói đâu, giờ người rà điện nhiều gấp mấy người làm lưới, chỉ nhoắng cái là có cá bán. Bảo cấm nhưng chẳng thấy ai đuổi bắt gì, ngược lại người đi làm thế ngày càng nhiều”.

Đêm xuống, cả cánh đồng rộng lớn như rực sáng bởi hàng chục, hàng trăm ánh đèn trên đầu những người đi bắt cá bằng kích điện tỏa ra. Họ có thể đi bằng đò hay đi bộ men theo các bờ ruộng. Tại các địa bàn khác của huyện Lệ Thủy như An Thủy, Lộc Thủy... tình trạng cũng tương tự.

Nguy hiểm rình rập

Chiều 10.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy nói: “Chúng tôi rất kiên quyết, giao công an xã tổ chức thực hiện bắt các đối tượng rà cá bằng điện để xử phạt hành chính. Đa số là người các xã khác đến nên rất khó. Một số người dân trong xã do không có nghề nghiệp cũng đi rà, lực lượng công an xã có bắt quả tang một vài trường hợp”. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi trong nhiều lần đi thực tế thì chẳng hề có bóng dáng lực lượng chức năng làm việc, còn người đi rà điện vẫn cứ thản nhiên. Vậy nên hiệu quả chẳng ăn thua.

Tại huyện Quảng Ninh, trước đây cũng chỉ có bắt quả tang 2 trường hợp là Trần Quốc Luật (20 tuổi) và Trần Trọng Lực (24 tuổi, cùng ở Dinh Mười, Gia Ninh) đang dùng máy kích điện đánh cá; tạm giữ 2 bộ máy kích điện, phạt mỗi người vi phạm 300.000 đồng. Lý do đưa ra vẫn là “khó truy bắt, họ dễ dàng thoát ra đồng lớn, ra sông”.

Một lãnh đạo trong ngành bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thừa nhận: “Việc đánh bắt bằng kích điện hủy diệt môi sinh, môi trường rất lớn. Đây là hình thức tuyệt đối ngăn cấm thế nhưng những năm vừa qua trên địa bàn vẫn xảy ra. Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, dựng pa-nô ở nhiều địa phương tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Sắp tới sẽ tiếp tục gửi công văn yêu cầu các địa phương thực hiện mạnh hơn nữa”.

Trong khi các ngành chức năng chưa thật sự quyết liệt thì người dân hãy tự bảo vệ mình bởi mới đây anh N.Đ.T (41 tuổi, ở xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy) đã bị điện giật văng người xuống nước bất tỉnh. Anh may mắn thoát nạn vì được người bạn đi cùng đò nhanh chóng kéo lên đưa đi cấp cứu.            

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.