Sinh viên đánh giá giảng viên (!)

27/11/2009 02:16 GMT+7

Từ học kỳ II năm học này, Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường ĐH, CĐ triển khai việc sinh viên (SV) đánh giá giảng viên. Tuy nhiên, còn không ít băn khoăn.

Trường dè dặt, sinh viên hồ nghi

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Toàn - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết: Năm học 2008-2009 trường đã cho SV đánh giá giảng viên trên phạm vi gần như toàn trường. Với phiếu hỏi gồm 7-8 câu, trả lời theo dạng trắc nghiệm, SV không phải ký tên; tập trung vào 3 nội dung chính: nội dung giảng dạy (có phong phú không, có mở rộng vấn đề khỏi giáo trình hay không...; phương pháp truyền thụ có gợi mở, hấp dẫn hay không; trong quá trình lên lớp, giảng viên có bao quát lớp hay không?...).

Ngay cách gọi của chủ trương này là "sinh viên đánh giá giảng viên" cũng chưa phù hợp với truyền thống và tâm lý, tình cảm của số đông các bậc phụ huynh và giáo viên. Nên chăng cần thay đổi một cách gọi khác chừng mực và phù hợp hơn như khảo sát ý kiến, thu thập thông tin phản hồi hay nhận xét, góp ý...

Theo ông Toàn, kết quả của năm vừa rồi cho thấy phần lớn SV hài lòng với cách thức giảng dạy của thầy (khoảng 70%), cá biệt có một số giảng viên mà số đông SV đều chê về phương pháp giảng dạy không hấp dẫn, vẫn thầy đọc - trò chép, phụ thuộc nhiều vào giáo trình. Nếu có một mẫu đánh giá thống nhất của Bộ GD-ĐT thì các trường sẽ thuận lợi hơn, đánh giá được toàn diện hơn. 

Triển khai thực hiện hoạt động SV đánh giá giảng viên từ năm ngoái, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã phát hơn 40.000 lượt phiếu hỏi cho SV toàn trường. Ông Đoàn Văn Vệ, Phó phòng Đào tạo nhà trường cho hay: Phiếu hỏi được thiết kế với 30 câu hỏi “xoáy” vào phương pháp giảng dạy của giảng viên và sự quan tâm của giảng viên tới lớp học.

Về phía giảng viên, hầu hết các trường đều cho biết: phần lớn giảng viên đều không phản đối chủ trương này nhưng tâm lý chung là muốn kết quả được xử lý “nội bộ”. Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “Hiện trường đã triển khai việc SV đánh giá giảng viên ở một số lớp và nhận thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi triển khai vấn đề đánh giá này nhiều giảng viên đã phản ứng vì không có thói quen và ngại ngùng cho rằng học trò không được đánh giá thầy”.

Chỉ là một kênh thông tin tham khảo

“Trường đang triển khai năm thứ 3 việc SV đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên. Chương trình này được thực hiện mỗi năm một lần trên tất cả các giảng viên (cơ hữu và thỉnh giảng) và 100% giảng viên/môn học. Tiêu chí đánh giá vừa ở dạng câu hỏi đóng (theo tiêu chí có sẵn), vừa mở để SV đóng góp thêm ý kiến của mình về công tác chuẩn bị giảng dạy, phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy, thực hiện quy chế giảng dạy, tác phong sư phạm. Và công việc sau đó của nhà trường là thông báo riêng đến giảng viên đó, tiếp tục theo dõi theo quá trình và có biện pháp giúp giảng viên đó tích cực thay đổi và hoàn thiện mình hơn. Các giảng viên trẻ của trường đã tỏ ra rất thích thú với việc đánh giá này. Thiết nghĩ, đây là một hoạt động rất hiệu quả nhằm tăng tính nghiêm túc trong giảng dạy của giảng viên. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một kênh thông tin để tham khảo chứ không phải lấy đó làm kết quả để đánh giá toàn bộ về giảng viên. Vì ngoài giảng dạy, giảng viên còn rất nhiều các hoạt động khác”. (Tiến sĩ NGUYỄN TIẾN DŨNG - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Hà Ánh  (ghi)

Trong khi đó, SV còn tỏ ra hồ nghi về việc làm này. Một SV băn khoăn: trường em tất cả giảng viên đều đã vào biên chế, nên liệu SV có đánh giá khách quan và chính xác thì phải xử lý như thế nào với giảng viên kém chất lượng?

SV trường ĐH khác thì chia sẻ: thực tế cho thấy vẫn mang tính hình thức nhiều, bởi bản thân mỗi giảng viên dù có tiếp thu nhưng cũng khó để thay đổi cách giảng dạy.

Xử lý kết quả cần thận trọng

Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội bày tỏ: cần phải hết sức thận trọng khi công bố kết quả, nếu không sẽ gây ra hiệu quả ngược, khiến giảng viên bị tổn thương.

Ông Hùng cho rằng, để có thể đánh giá được giảng viên thì trước hết các trường cũng cần trang bị cho SV một “phông” kiến thức, kỹ năng nhất định. Trước hết, SV cần phải hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường chứ không phải mọi trách nhiệm đều đổ dồn lên đôi vai của người thầy. Nếu không làm được điều này thì những nhận xét của SV cũng rất dễ nghiêng theo hướng cảm tính.

Ông Hùng nêu ví dụ: có nhiều trường hợp thầy giỏi và thực sự tâm huyết nhưng có những đòi hỏi nghiêm khắc với SV, nếu SV nào lười học, ý thức kém thì rất dễ có “ác cảm” với người thầy như vậy trong quá trình đánh giá. Do vậy, kết quả này cũng chỉ là một kênh thông tin để tham khảo, không nên coi đó là một thông tin duy nhất để “phán quyết” về một con người.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Toàn nói: SV đánh giá thầy là một hoạt động cần thiết để tạo ra một bầu không khí dân chủ trong nhà trường, nhưng vẫn phải giữ được đạo lý thầy trò.

Kết quả khảo sát của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở (Bộ GD-ĐT) cũng cho thấy hầu hết các ý kiến (của cả giảng viên và SV) đều không đồng nhất đánh giá hoạt động của giảng viên với đánh giá con người. Nhưng hơn 62% ý kiến được hỏi đều cho rằng kết quả đánh giá nên thông tin để giáo viên điều chỉnh hoạt động của mình.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên thì mỗi trường có một cách làm khác nhau trong việc thông tin lại kết quả này. Kết quả tốt thì hiển nhiên các trường sẵn sàng công bố rộng rãi; nhưng lại là vấn đề rất nhạy cảm khi thông tin với những giảng viên “bị” SV chê nhiều hơn khen.

Ông Toàn cho biết: Ban chủ nhiệm khoa đều nắm được các thông tin về giảng viên của khoa mình nhưng thông tin tới đâu thì lại tùy từng trường hợp cụ thể. Với những giảng viên mà bị chê nhiều quá thì lãnh đạo khoa cần gặp riêng người đó để trao đổi, lắng nghe ý kiến của họ; tuyệt đối các cán bộ, giảng viên khác không được biết về thông tin này.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: không nên công khai kết quả phản hồi này cho SV mà chỉ nên công khai cho giảng viên biết những mặt mạnh, những mặt hạn chế của giảng viên đó để họ tự khắc phục nhưng phải trên tinh thần cầu thị.

Việc trò đánh giá thầy là cả một khoa học

* “Năm nào SV trong trường cũng được đưa ra ý kiến của mình về việc giảng dạy của giáo viên. Nay nhân chủ trương của Bộ, chúng tôi sẽ tổ chức cho SV đánh giá toàn bộ và triệt để hơn. Trong đó, tiêu chí về phương pháp giảng dạy là quan trọng nhất. Chẳng hạn như giảng viên cập nhật kiến thức quốc tế được bao nhiêu. Những kiến thức đó có phù hợp với thực tế ở Việt Nam không. Dạy làm sao để ra trường làm việc được ngay. Sau khi có kết quả, trường sẽ giao lại cho khoa và chủ nhiệm khoa sẽ có trách nhiệm trao đổi với những giảng viên nào được SV góp ý”. (PGS-TS TRẦN Cảnh Vinh - Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)

* “Việc SV chấm điểm giảng viên là rất tốt, tuy nhiên cách đánh giá của nhiều trường vẫn còn nặng về hình thức. Các tiêu chí chưa thực sự khoa học và chuyên nghiệp. Với hiểu biết của một SV thì các em mới chỉ đánh giá được phần nào đó bên ngoài, chẳng hạn thầy này dạy hay, vui tính; thầy kia dạy dở, khắt khe, thậm chí có giảng viên giỏi, dạy nghiêm túc và có một phương pháp hơi lạ một chút thì bị coi là dở hơi. Vấn đề là chúng ta phải biết rõ được mình đánh giá cái gì và được gì sau khi đánh giá”. (TS Lê Quang Đức - giảng viên khoa Điện - Điện tử viễn thông trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)

* “Việc lập ra bảng câu hỏi để lấy ý kiến SV không đơn giản mà cần phải có chuyên môn và hết sức khoa học, đồng thời nên tham khảo các nước vì họ làm việc này rất chuyên nghiệp. Và để đi vào thực chất hơn nữa, thì mỗi trường cần có chuẩn đầu ra, dựa vào đó đánh giá chuẩn từng môn học, chẳng hạn môn học này yêu cầu những gì, giáo viên có đáp ứng được không? Nếu giáo viên không được yêu cầu phải đạt được những tiêu chí gì thì làm sao đánh giá? Từ 5 năm nay chúng tôi đã đưa ra 14 câu hỏi để SV đánh giá giảng viên và các em làm rất hăng hái, nghiêm túc. Nay chúng tôi cũng đang xây dựng các chuẩn của môn học, ngành học để việc đánh giá được khoa học và có tính hệ thống hơn”. (Tiến sĩ NGUYỄN THANH NAM - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Mỹ Quyên (ghi)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.