Tử hình bằng xử bắn hay tiêm thuốc độc?

20/11/2009 15:24 GMT+7

(TNO) Hôm nay 20.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự luật thi hành án hình sự. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu ý kiến: “Luật nên mở ra bao gồm cả các biện pháp tư pháp để đảm bảo tính thống nhất của luật pháp”.

Tuy nhiên, ĐB Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa) lại có quan điểm khác: “Tôi tán thành với việc không đưa các biện pháp tư pháp vào Luật thi hành án hình sự, vì biện pháp tư pháp không phải là hình phạt hình sự, trong khi đó đã thi hành án là phải để lại án tích”.

Mặt khác, theo ĐB Ngưu, trong quy định xử phạt hành chính cũng đã có nhiều biện pháp tư pháp được áp dụng. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lên tiếng: “Đưa cả biện pháp tư pháp vào luật này thì không ổn lắm, đề nghị có một Pháp lệnh quy định về nội dung này”.

Lúng túng khi quyết định hình thức tử hình

Hiện tại, luật quy định chỉ có một hình thức là xử bắn nhưng dự luật đề xuất ngoài xử bắn còn có hình thức khác là tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, ĐB Dương Ngọc Ngưu lại băn khoăn: “Nếu áp dụng hai hình thức thì ai là người quyết định áp dụng hình thức bắn hay tiêm thuốc độc”. ĐB Ngưu đề nghị: “Chỉ quy định một loại để đảm bảo công bằng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) dứt khoát: “Không thể để cùng một lúc tồn tại cả hai hình thức được”. Nhưng để quy định cụ thể áp dụng hình thức nào thì các ĐB rất lúng túng vì “xử bắn có bất cập là gây áp lực tâm lý cho người xử bắn, một số địa phương không có nơi xử bắn, nhưng nếu áp dụng hình thức tiêm thuốc độc thì Chính phủ chưa cung cấp đầy đủ số liệu, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện”, ĐB Ngưu cho biết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga hưởng ứng: “Đồng ý với những bất cập của hình thức xử bắn thì nên chuyển sang hình thức mang tính ưu việt và nhân đạo hơn. Nhưng ngay cả chúng tôi là cơ quan thẩm tra dự luật cũng có rất ít thông tin về tính ưu việt của biện pháp tiêm thuốc độc”. ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị: “Phải đưa thêm một số hình thức để Quốc hội tham khảo nhưng hình thức nào cũng phải đảm bảo tính răn đe giáo dục, nhân đạo và văn minh”.

Về cơ quan thi hành án, ĐB Dương Ngọc Ngưu bày tỏ: “Việc có một đầu mối chung cho cả thi hành án hình sự và dân sự thì phải là bước tiếp theo, chứ hiện tại tôi nghĩ giao cho Bộ Công an quản lý về thi hành án hình sự là phù hợp”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cùng quan điểm: “Phạm nhân là đối tượng mang tính đặc thù, quản lý rất khó. Bộ Công an có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên giao cho công an quản lý”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tán đồng: “Giao cho Bộ Công an là phù hợp”.

Nhưng ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: “Về lâu dài phải theo hướng Bộ Tư pháp quản lý về nhà nước còn Bộ Công an tổ chức thực hiện, như vậy sẽ phù hợp với xu thế của quốc tế và Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là chuyển dần sang hướng dân sự”.

Đa số các ý kiến phát biểu đều không tán đồng với dự luật quy định Công an xã là cơ quan thi hành án phạt tù. ĐB Lê Thị Nga cho biết: “Công an xã mà quy định là cơ quan thi hành án phạt tù thì quá sức, bộ máy và cơ sở vật chất không đảm bảo”. ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) chia sẻ: “Công an xã chỉ là cơ quan giúp cho thi hành án chứ không phải là cơ quan thi hành án”.

Xung quanh quy định người bị án tử hình có thể hiến mô, tạng, ĐB Dương Ngọc Ngưu cho biết, so với các quy định về hiến mô, tạng thì quy định của dự luật có bất cập. Luật hiến mô, tạng quy định người hiến phải đăng ký, được khám định kỳ và được nhà nước tôn vinh. “Tử hình là phải thi hành án trước rồi mới lấy bộ phận, vậy sau đó có tôn vinh không, có tổ chức mai táng theo phong tục không và nếu chuyển sang tiêm thuốc độc thì người bị tử hình đã nhiễm thuốc rồi thì làm sao hiến được?".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị: “Hạn chế việc hiến xác, hiến mô của tử tù”. Còn theo ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), dù tử tù có hiến đi thì cũng ít người dám xin, vì sợ bị mang tiếng là mang trong người dòng máu của một người bị án tử hình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) nói: “Chúng ta bàn là bàn về thi hành án chứ không bàn việc ghép mô”. ĐB Thuận cho rằng, khi đưa ra một chính sách trước hết là phải mang tính phổ biến và nhu cầu thực tế, trong khi đó ở đây nhu cầu thì ít và không mang tính phổ biến.

ĐB Lê Thị Nga ủng hộ quy định cho nhân thân của người bị kết án tử hình mang xác về nhưng với yêu cầu phải đảm bảo trật tự an ninh và môi trường, đối với một số tội liên quan tới an ninh quốc gia thì không cho phép thân nhân mang xác về để mai táng.

Nhưng ĐB Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình) lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra khi cho phép nhân thân tử tù nhận xác về mai táng và kiến nghị: “Không nên cho nhận xác”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.