Nạn đói vẫn đe dọa thế giới

15/11/2009 22:42 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh về An ninh lương thực thế giới sẽ khai mạc hôm nay nhưng tương lai của hơn một tỉ người đang chịu đói vẫn rất mờ mịt.

Trong những năm được mùa, gia đình anh Ayele Arficho sống tại một làng nhỏ phía nam thủ đô Addis Ababa của Ethiopia thu hoạch được khoai tây, bắp và đậu làm lương thực hoặc để bán. Tuy nhiên suốt mấy tháng qua, gia đình anh phải ăn tạm lá cây cà phê và cây enset - một loại cây hầu như không có giá trị dinh dưỡng, để tồn tại; nhưng giờ thì cả cây enset cũng đã cạn kiệt. Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng một thập niên tại Ethiopia khiến người dân tại một trong những nước nghèo nhất thế giới này càng thêm kiệt quệ.

“Thời gian này vất vả lắm chúng tôi mới kiếm được một bữa ăn”, anh Ayele kể với nhóm tình nguyện thuộc Quỹ từ thiện Tearfund của Anh. Vợ chồng anh có 8 đứa con, đứa lớn nhất mới 15 tuổi. Anh Ayele đã từng làm việc cho một nhà máy đường ở gần Addis Ababa, nhưng cái đói triền miên khiến anh không còn đủ sức để đi đến đó làm việc nữa. “Chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện mà thôi. Mọi thứ bây giờ rất mù mịt và chúng tôi không còn gì để ăn nữa”, anh Ayele than thở.

Bức tranh bi đát

 

Một bé gái suy dinh dưỡng tại Nigeria - Ảnh: wikipedia

Gia đình của Ayele chỉ là một phần rất nhỏ trong con số hơn một tỉ người trên thế giới đang chịu đói. Theo Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), trong năm nay có thêm 100 triệu người lâm vào cảnh đói, nâng tổng số người không có thức ăn lên tới 1,02 tỉ người, con số cao nhất trong lịch sử. Số liệu từ Chương trình Lương thực thế giới cho hay hơn 650 triệu người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị đói triền miên. Tại các nước phía Nam châu Phi có 265 triệu người, Mỹ La-tinh có 53 triệu người bị đói; còn Trung Đông và Bắc Phi có 42 triệu người. Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố hôm 11.11, có gần 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển hiện bị suy dinh dưỡng trầm trọng, chủ yếu tập trung tại các nước Kenya, Somalia, Ethiopia, Afghanistan và Bangladesh. Cứ 6 giây thì có một đứa trẻ chết vì thiếu dinh dưỡng và từ đầu năm tới nay đã có hơn 9 triệu người trên thế giới chết vì đói, theo trang web        stopthehunger.com. Tháng trước, Chính phủ Ethiopia đã phải lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức nhân đạo cứu trợ khẩn cấp 159.000 tấn lương thực trị giá khoảng 121 triệu USD.

“Bi kịch này không chỉ là một thảm họa nhân đạo hay một nghịch lý kinh tế mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh của tất cả chúng ta”, AFP dẫn lời phát biểu của Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến số người đói gia tăng là do biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hệ lụy của sự gia tăng giá cả các mặt hàng lương thực vào năm 2007 và 2008, theo Reuters. Giá cả tăng là do nhiều yếu tố, trong đó có hạn hán, giá năng lượng cao, và đầu cơ. Dù giá cả có giảm trở lại sau đó, nhưng giá cả nội địa vẫn cao. Trong khi đó, suy thoái tài chính khiến nguồn viện trợ, vốn đầu tư, và lượng kiều hối do lao động tại nước ngoài gửi về quê hương sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên FAO cho rằng nguyên nhân cốt lõi của vấn đề  là chính phủ các nước không chú trọng đầu tư vào nông nghiệp vì các lý do như chiến tranh và bất ổn. Tỷ lệ viện trợ cho các nước nghèo để phát triển nông nghiệp đã giảm từ 17% vào năm 1980 còn 3,8% vào năm 2006, và bây giờ chỉ còn ở mức 5%.

Chưa thể lạc quan

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 11.11, ông Diouf nói: “Tiêu diệt nạn đói tuy khó khăn nhưng không phải là một giấc mơ xa vời. Chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo”. Ông cũng chỉ ra rằng các nước như Brazil, Nigeria và Việt Nam là những đại diện nổi bật trong số 31 nước đang tiến đến được mục tiêu đặt ra cách đây 9 năm là giảm phân nửa số người đói vào năm 2015.

Hôm nay, FAO sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về An ninh lương thực tại thủ đô Rome (Ý) nhằm công bố mục tiêu xóa đói mới đến năm 2025 và một cam kết nâng tỷ lệ viện trợ nông nghiệp cho các nước nghèo lên 17%, tương đương 44 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá hội nghị sẽ khó đạt được hai mục tiêu trên dựa trên kết quả các cuộc thương lượng trước đây giữa lãnh đạo các nước. Trong hội nghị 3 ngày này, các nước dự kiến chỉ tái khẳng định cam kết của họ đối với mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ là giảm phân nửa số người đói vào năm 2015. Theo các nhà phân tích, mục tiêu này cũng không dễ dàng đạt được. “Chẳng có sự khác biệt gì trong việc đặt ra mục tiêu mới khi chúng ta chưa đạt được mục tiêu đã đề ra”, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cho hay.

Theo dự thảo lịch trình làm việc của hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cam kết thực hiện những hành động xóa đói một cách bền vững trong thời gian sớm nhất có thể, cũng như sẽ tăng vốn ODA để phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực tùy theo nhu cầu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, họ không đưa ra một mục tiêu hay khung thời gian viện trợ cụ thể. Ngoài ra chỉ có hơn 60 nước trong 193 thành viên của FAO tham dự hội nghị này và hầu hết lãnh đạo các nước thành viên thuộc khối G8 sẽ không đến dự, theo Reuters.

Chính vì đoán trước kết quả của hội nghị, nên hai tổ chức viện trợ quốc tế ActionAid và Oxfam hôm 12.11 cảnh báo rằng sự kiện này chỉ là một sự “lãng phí thời gian” nếu chính phủ các nước không thực sự có những hành động thiết thực để cứu vãn tình hình, AFP trích một tuyên bố chung của hai tổ chức này cho hay.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.