Siết chặt quản lý lao động nước ngoài

23/10/2009 23:35 GMT+7

Lao động người nước ngoài tăng cao; tình hình người nước ngoài phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng về cả quy mô, tính chất mức độ vi phạm...

Đó là nhận định của cơ quan chức năng hôm qua 23.10, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 02/2009 của UBND TP.HCM về tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn đối với việc nhập cảnh, cư trú và lao động của người nước ngoài.

Thượng tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2009 đến nay, có hơn 1,1 triệu người nước ngoài nhập cảnh vào TP.HCM, đa số chấp hành đúng pháp luật về xuất nhập cảnh, nhưng vẫn còn nhiều người vi phạm, chủ yếu là nhập cảnh trái phép, quá hạn tạm trú, hoạt động sai mục đích nhập cảnh, không xuất trình được giấy tờ tùy thân... Người nước ngoài vi phạm đa số mang các quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, gần đây là các nước khu vực châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á.

Đủ kiểu vi phạm

Đáng chú ý, tình hình người nước ngoài phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng về cả quy mô, tính chất mức độ vi phạm. Phổ biến là các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản. Thủ đoạn mới nổi lên là tội phạm người nước ngoài lợi dụng các doanh nghiệp VN cần vốn để ký hợp đồng vay, đến đặt vấn đề cho vay, nhận tiền phí dịch vụ nhưng không chuyển tiền; tổ chức vận chuyển ma túy từ Ấn Độ vào VN để đưa sang Trung Quốc; đeo bám người nhận tiền ngân hàng bằng ô tô, gài đinh bánh xe rồi lợi dụng xe dừng để thay bánh để trộm tiền trên ô tô; gạ gẫm người nước ngoài đánh bài, khống chế nạn nhân khi rút tiền ngân hàng để chiếm đoạt...

Đặc biệt, một số chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm ăn thua lỗ, vi phạm các hợp đồng kinh tế, thiếu nợ các tổ chức, cá nhân người VN, không còn khả năng chi trả, thi hành án, bỏ lại tài sản không đáng kể, trốn về nước ngoài (7 trường hợp), dẫn đến các vụ đình công, lãn công gây bức xúc trong công nhân và gây khó khăn trong việc giải quyết của các cơ quan chức năng.

Hàng ngàn lao động “chui”

Mặt khác, người nước ngoài có trình độ thấp từ các nước châu Phi, có quốc tịch Cameroon, Nigeria... nhập cảnh theo hình thức du lịch sau đó vào làm việc thời vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoặc nhờ người VN đứng tên giấy phép đầu tư, kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm như nhà hàng, khách sạn, karaoke, quán ăn... và các dịch vụ khác phục vụ người nước ngoài. Các khu vực thường xảy ra các hoạt động vi phạm pháp luật, kinh doanh núp bóng, sử dụng lao động nước ngoài sai quy định như “làng Hàn Quốc” (Q.Tân Bình), phố “Tây ba lô” (quận 1), khu tập trung người Nigeria (Q.Tân Phú).

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH cảnh báo: Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài chưa chấp hành quy định về sử dụng lao động. Đa số doanh nghiệp tuyển người lao động nước ngoài vào làm việc trước rồi mới làm thủ tục xin phép lao động sau hay cố tình che giấu, không khai báo số lao động nước ngoài không đủ điều kiện với cơ quan chức năng. Qua kiểm tra tại 3.733 doanh nghiệp, tổ chức, văn phòng đại diện, chi nhánh công ty nước ngoài tại VN, Sở LĐ-TB-XH cho biết đến tháng 6.2009 thành phố có tổng số 16.811 lao động nước ngoài (trong đó 2.977 người chưa có giấy phép lao động).

Trong khi đó, đại tá Lê Xuân Viên, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, cho hay số lao động người nước ngoài không có giấy phép lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có thể cao hơn thống kê của Sở LĐ-TB-XH. Kết quả kiểm tra của Bộ Công an tại 7 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng số lao động nước ngoài là 1.338 người, nhưng có đến 3/4 số người không có giấy phép lao động. Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc Sở Công thương, thông tin thêm: Qua kiểm tra, Sở đã thu hồi 400/2.398 giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài do vi phạm không làm thủ tục cấp lại giấy phép theo quy định. Tuy nhiên, do pháp luật không có quy định chế tài đối với các trường hợp này nên hầu hết các văn phòng đại diện này chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa. Do đó, Sở Công thương đã gửi danh sách đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh không giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho các trưởng văn phòng đại diện.

Nâng mức xử phạt lên gấp 10

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan chức năng, quận, huyện tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xử phạt người nước ngoài nhập cảnh trái phép, cư trú không khai báo; xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sử dụng lao động người nước ngoài không phép. Đồng thời kiên quyết điều tra, xử lý hình sự đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật; giải quyết dứt điểm tình trạng người nước ngoài lang thang, cư trú trái phép. Mặt khác, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hạn chế việc cấp thị thực loại D (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh) cho người nước ngoài; nghiên cứu bổ sung Nghị định 113/2004 của Chính phủ về việc nâng mức xử phạt đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động người nước ngoài không phép từ 5-10 triệu đồng lên mức 50-100 triệu đồng; hướng dẫn cụ thể việc phối hợp các ngành trong việc trục xuất người lao động bất hợp pháp...

Đại tá Lê Xuân Viên cho biết một trong những biện pháp chế tài sắp tới của Bộ Công an là buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép mua vé cho lao động về nước, đối với những lao động chưa có giấy phép nhưng đã làm việc 3 tháng thì cho gia hạn thêm 3 tháng để xin giấy phép; nếu sau 6 tháng mà không có giấy phép buộc phải xử lý dứt điểm.

 Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.