Bùng nổ bệnh sán lá gan lớn

23/10/2009 10:48 GMT+7

Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn (SRKSTCTQN) đang khởi động đề án phòng, chống bệnh sán lá gan lớn (SLGL) cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đề án dự kiến hoàn thành vào năm 2011 như một căn cứ thực tiễn và khoa học, giúp Bộ Y tế đưa ra chương trình dài hạn đối phó với căn bệnh khó kiểm soát này. Miền Trung - Tây Nguyên là "thiên đường" của SLGL - nơi số ca nhiễm bệnh gia tăng chóng mặt trong 9 tháng đầu năm 2009.  

Từ đỉnh cao tới đỉnh... cao hơn

Bệnh SLGL được phát hiện rải rác khoảng 5 năm trước với một nhận thức ít nhiều còn chủ quan. Mãi đến gần đây, các nhận định dịch tễ học vẫn xem SLGL như căn bệnh thứ phát thứ yếu, không thuộc dạng truyền nhiễm nguy hiểm, dù trên thực tế đã có trường hợp tử vong do biến chứng từ bệnh SLGL. Lần đầu tiên SLGL được báo động như một nguy cơ, một thách thức mang tầm vóc cộng đồng là năm 2006, khi tình trạng quá tải liên tục gây sức ép lên các cơ sở điều trị.

Số liệu thống kê vào thời điểm ấy cho thấy, 15 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Bình Thuận và các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum) có đến 3.543 ca mắc phải. Cơn “sốt” hạ nhiệt cầm chừng ở hai năm tiếp theo (2007: 1.862 ca, 2008: 1.812 ca) trước khi tái bùng phát dữ dội trong năm 2009.

Theo TS Triệu Nguyên Trung - Viện trưởng Viện SRKSTCTQN - tính tới đầu tháng 10, đã có hơn 3.000 trường hợp bị SLGL tấn công. Dự báo đến cuối năm, số người nhiễm bệnh sẽ nhiều hơn 2 lần so với “kỷ lục” năm 2006. SLGL gây hoang mang trong cộng đồng người bệnh, bởi cùng với hiện tượng “trăm hoa đua nở” là tình trạng khan hiếm thuốc đặc trị Egaten 250mg. Có thời điểm, giá thuốc trôi nổi ngoài thị trường bị đẩy lên tới hàng triệu đồng/liều 2 viên.

Cú “sốc” thiếu thuốc năm 2009 là sự tiếp diễn của các “vụ” hụt hẫng nảy sinh từ trước, một mặt do dự báo nhu cầu thiếu chính xác; mặt khác, do quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp miễn phí của Tổ chức Y tế thế giới. Phải đến trung tuần tháng 9, nỗi lo sợ phập phồng của người bệnh mới đuợc tháo gỡ nhờ lô thuốc 12.000 viên được Viện SRKSTCTQN đấu thầu nhập khẩu theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, bệnh SLGL đang “ráo riết” mở rộng phạm vi cư trú. Trong khi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai vẫn là địa bàn trọng điểm, thì một số  nơi vốn là vùng trắng, giờ đã được điền tên vào danh sách lưu hành bệnh SLGL như Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà (Đà Nẵng), Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Đak Hà (Kon Tum). Miền Trung - Tây Nguyên thành trung tâm lưu hành bệnh SLGL là một thực tế (năm 2006 chiếm 92,31% số người mắc bệnh trong cả nước; năm 2007 là 84,79%), nhưng vì sao là “trung tâm” thì các chuyên gia hiện vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ, chính xác.

Ông Triệu Nguyên Trung cho biết, đề án phòng chống bệnh SLGL do Viện SRKSTCTQN chủ trì thực hiện 2 năm 2010 - 2011 sẽ đưa ra kết luận bước đầu về tác động của các yếu tố tự nhiên như vị trí địa lý, đặc điểm môi trường sống, sông suối, ao hồ, nguồn nước, bên cạnh sự can dự của tập quán xã hội thư lề lối, thói quen sinh hoạt, canh tác, ẩm thực...

Khó kiểm soát nguồn bệnh

SLGL hiện đã được nhìn bằng con mắt... nghiêm trọng hơn; mà bằng chứng là việc Bộ Y tế yêu cầu xúc tiến các bước chuẩn bị cho sự ra đời của một chương trình can thiệp, phòng, chống rộng rãi trên phạm vi cả nước. Khả năng chủ động cung ứng thuốc cũng giúp giải toả một thách thức trước nay vẫn “đến hẹn lại lên”. Thuốc đặc trị Egaten 250 mg sau đấu thầu có giá tương đối dễ chịu (57.790 đồng/liều 2 viên; bệnh nhân chỉ cần điều trị 1 liều là khỏi), lại vừa được bổ sung vào danh mục thanh toán BHYT là một thuận lợi khác để hầu hết bệnh nhân nghèo có tiếp cận cơ hội khám - chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chạy theo yêu cầu điều trị như vẫn làm trước nay chỉ mới là cách thức đối phó đơn độc, bị động. “Vấn đề” của SLGL là khả năng kiểm soát nguồn bệnh - điều mà hệ thống y tế hiện hữu, kể cả cơ quan đầu mối là Viện SRKSTCTQN chưa làm được bao nhiêu. SLGL xâm nhập cơ thể con người dựa vào thói quen ăn uống dễ dãi, bất cẩn thì hiện tại, việc thả rông gia súc, việc sử dụng thịt tái, rau sống, nước lã vẫn đang là “thế mạnh” của một bộ phận cư dân miền Trung. Điều đó cho thấy, công tác truyền thông dịch tễ, hiện không khác gì mảnh đất... hoang hoá.

Chưa kể mối lo khác đến từ mối quan hệ rời rạc, lỏng lẻo giữa hai ngành y tế và thú y, bất chấp kết quả thực nghiệm từng xác lập một thông số đáng giật mình là có tới 50 - 60% số gia súc bị nhiễm bệnh SLGL!

Theo Xuân Nhàn / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.