Máu hiếm: cho đi và nhận về - Kỳ 1: Người hiến hơn 12 lít máu

18/10/2009 11:29 GMT+7

Đó là những người có nhóm máu cực kỳ hiếm và lòng tốt của họ cũng hiếm có. Họ luôn chắt chiu từng giọt máu để hiến máu cứu giúp bệnh nhân. Hàng ngàn bệnh nhân đã được cứu sống nhờ bao giọt máu vàng của những người có tấm lòng vàng này.

Những người có nhóm máu quý hiếm cho đi chỉ với một tâm niệm duy nhất: giúp người và không cần biết người ấy là ai, không quan tâm đến việc phải được trả ơn.

Kỳ 1: Người hiến hơn 12 lít máu

Ngay những ngày đầu sinh hoạt Đoàn tại địa phương (quận 1, TP.HCM) vào năm 1992, Lê Thanh Phong đã tích cực tham gia hiến máu nhân đạo. Và cũng thật đặc biệt, Phong có nhóm máu O (Rh-). Từ đó Phong được những bác sĩ tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố xem như người đặc biệt.

“Hiến đến khi nào khô máu”

Phong nhớ mang máng: “Tôi đã hiến máu tại Viện Tim 7 lần, An Bình 3 lần, Chấn thương chỉnh hình 2 lần, Việt-Pháp 2 lần, Bệnh viện Từ Dũ 4 lần... và cũng còn mấy lần ở các bệnh viện khác”. Từ năm 2003, Phong chính thức tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm của TP.HCM và đã hiến máu thêm 30 lần. Mỗi lần Phong hiến 1-2 đơn vị máu (1 đơn vị máu bằng 250ml). Tính ra Phong đã hiến ít nhất 12 lít máu của mình để cứu vài chục mạng người.

“Mỗi lần đi hiến máu tôi chỉ nghĩ cứu được bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch là lòng cảm thấy hạnh phúc”, mắt sáng long lanh, Phong bộc bạch. Phần lớn Phong không hề gặp mặt những người anh cho máu. Mỗi lần nhận được điện thoại của bác sĩ, dù trời mưa gió, giữa đêm khuya Phong đều tức tốc đến bệnh viện hiến máu rồi âm thầm ra về. Phong tâm niệm cho đi nhưng không nên quan tâm gặp người mình cho máu hoặc người nhà của họ để nhận lại lời cảm ơn.

“Thế nhưng cũng có người tìm được số điện thoại và gọi đến - Phong khoe - Hôm vừa rồi có một người từ quận Bình Thạnh gọi điện cho tôi bày tỏ lòng biết ơn vì đã hiến máu cứu bố của anh ấy. Anh ấy nói người bố đã qua khỏi cơn nguy kịch và nay sức khỏe hồi phục tốt. Không nhớ chính xác người ấy là ai nhưng khi nghe vậy lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả”.

Năm 2005 Phong cưới vợ. Hai vợ chồng ra riêng, thuê một căn phòng trọ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM sinh sống. Ngày ngày Phong đi làm thợ điện, sửa ống nước và kiêm luôn thợ hồ cho những công trình xây dựng nhỏ. Công việc bấp bênh cộng với đồng lương công nhân ít ỏi của vợ, gia đình Phong chật vật sống.

Phong cười khoe: “Vợ tôi lại mới sinh đôi hai đứa con gái hơn ba tháng kháu lắm. Được cái sữa mẹ nhiều chứ nếu phải mua sữa ngoài cho con bú giặm thêm tôi cũng không biết xoay tiền đâu ra. Nuôi con bệnh tôi mới thấy được phần nào nỗi khổ cực của bệnh nhân nghèo khi phải đi viện. Tôi mong trong hai đứa con gái mới sinh đôi của mình một bé sẽ có nhóm máu hiếm để tiếp tục hiến máu cứu người. Tôi muốn hiến đến khi nào mình khô máu thì thôi!”.

 

Chị Trang làm thợ hồ ngày kiếm 60.000 đồng, chạy ăn từng bữa nhưng vẫn đi hiến máu cứu người - Ảnh: Đ.Tuyên

Cái tâm thúc giục

Tại đường 17, phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM, nằm sâu trong con hẻm đất đá lồi lõm sình lầy có một dãy nhà trọ ẩm thấp. Trước dãy phòng trọ là một vũng nước. Và phía cuối của dãy phòng trọ ấy là căn phòng vợ chồng chị Trang thuê ở.

Đã hơn mười năm nay, căn phòng rộng khoảng 10m2 là nơi che mưa che nắng của vợ chồng chị Trang và hai đứa con. Chị Trang hiến máu chỉ với một suy nghĩ bình dị: “Mình nghèo, chẳng có của cải để chia sẻ với những bệnh nhân nghèo. Trời ban cho có ít máu hiếm trong người, hiến cứu giúp họ vậy thôi”.

Việc hiến máu cứu người của chị Trang cũng rất tình cờ. Chị Trang kể lần đó phường kêu gọi hiến máu nhân đạo, thấy được quà, chị đi cốt để mang quà về cho con. Bẵng đi một thời gian dài, chị Trang cũng quên khuấy lần hiến máu tình cờ ấy. Một lần đang theo chồng đi làm thợ hồ tuốt huyện Củ Chi, chị Trang nhận được điện thoại của cán bộ phường báo có bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang cần máu gấp để mổ.

“Nghe cứu người tôi vội chạy xe về nhưng lòng không khỏi hoang mang. Đầu tôi cứ nghĩ miết máu hiếm là như thế nào. Sau khi rút hai đơn vị máu hiến cho bệnh nhi ấy, tôi mới được bác sĩ giải thích. Tôi mang nhóm máu O (Rh-) là loại máu hiếm, rất ít người có. Em bé đang chuẩn bị mổ kia cũng có cùng nhóm máu như tôi nên khó kiếm. Nguồn máu trong bệnh viện không có nên các bác sĩ mới phải nhờ đến tôi để tiếp máu cho bé”, chị Trang cười nhớ lại.

Sau lần hiến máu ấy, chị Trang lọt vào danh sách “những người đặc biệt” của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM. Được các bác sĩ gợi ý, từ năm 2002 chị Trang tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm TP.HCM. Cứ thế, hễ có bệnh nhân cần tiếp máu chị Trang lại đi cứu người, cứ độ 3-4 tháng chị đi hiến máu một lần.

Anh Hùng - chồng chị Trang - cho biết hiện hai vợ chồng làm nghề thợ hồ. Do anh có sức khỏe nên được trả tiền công 80.000đ/ngày, còn chị được 60.000đ. Hai vợ chồng dành dụm để trả tiền nhà 450.000đ/tháng, còn lại chi tiêu và lo cho hai đứa con đi học. Sau giờ làm, anh Hùng lại câu cá, nhặt nhạnh rau quanh xóm đắp đổi qua ngày.

Chị Trang cho rằng việc hiến máu của chị như là một cái duyên trời cho để cứu người. Thế nhưng với cuộc sống khó khăn như hiện nay, vợ chồng phải chạy ăn từng bữa thì việc hiến máu của chị Trang có quá sức? “Cứu người là việc làm từ cái tâm thúc giục. Mình chỉ lo không còn đủ sức khỏe để tiếp tục hiến máu cứu người nữa”, chị Trang nói về việc hiến máu của mình.

Nhóm máu hiếm

Theo bác sĩ Phạm Văn Quân - phó giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm, trong cơ thể người có trên 30 hệ nhóm máu khác nhau. Trong đó hệ nhóm máu A, B, AB, O được biết đến phổ biến nhất. Ngoài ra còn có các hệ nhóm máu khác như Rh, Kell, Duffy, Kidd, MNSs...

Hệ nhóm máu Rh (Rhesus) có hai loại nhóm máu: người có chất Rh trên bề mặt hồng cầu gọi là người có nhóm máu Rh (+), còn người không có chất Rh trên bề mặt hồng cầu gọi là Rh (-). Tại Việt Nam những người có nhóm máu A (Rh -), B (Rh -), AB (Rh -), O (Rh -) chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 0,04%, tức cứ 10.000 người mới có khoảng 4 người mang nhóm máu Rh (-).

Theo NGUYỄN ĐỨC TUYÊN/Tuổi Trẻ

--------------------------------

Có không ít người khi nhận được những giọt máu hiếm đã lại hiến máu, giúp đỡ những bệnh nhân khác. Họ xem như một cách trả ơn cho người, cho đời.

Kỳ tới: Lòng tốt sinh mầm thiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.