Bão số 9 tàn phá miền Trung

29/09/2009 11:46 GMT+7

* Hơn 20 người thiệt mạng * Mắt bão đi ngang huyện Núi Thành, Quảng Nam (TNO) Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, vào khoảng 15 giờ chiều nay (29.9), bão số 9 (Ketsana) đã chính thức đổ bộ vào đất liền VN. Bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề ở khu vực miền Trung. >> Tâm bão đi vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi /

Mắt bão với đường kính khoảng 20 đến 30km đi ngang qua huyện Núi Thành, Quảng Nam, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 giật trên cấp 14. Khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là từ Quảng Nam trở về phía đèo Hải Vân.

Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 9 suy yếu, dự kiến vận tốc đạt khoảng 10 km/giờ. Như vậy, khoảng 3 giờ sáng mai (30.9), bão số 9 sẽ qua khỏi địa phận VN sang Lào.

Khác với bão Xangsang năm 2006 sẽ dứt mưa ngay sau khi bão tan thì cơn bão Ketsana năm nay dù cường độ tương đương nhưng lại có hoàng lưu lớn, tốc độ di chuyển chậm sẽ còn tiếp tục gây mưa to đến rất to tại các tỉnh miền Trung.

Lượng mưa đo được từ 18 giờ hôm qua đến 13 giờ trưa nay tại thành phố Huế đạt 287mm; Nam Đông (Huế): 447mm; Đà Nẵng 261mm; Trà My (Quảng Nam): 338mm; Quảng Ngãi: 419mm. Dự báo đêm nay và ngày mai sẽ còn mưa to tại các tỉnh miền Trung. Tổng lượng mưa xấp xỉ lên đến từ 500 đến 1.000mm (trong vòng chưa đầy 24 giờ), bằng 1/3 tổng lượng mưa cả năm tại TP.HCM.

 

Một xe ôtô bị gió lật úp trên QL1A đoạn Sa Huỳnh, Quảng Ngãi - Ảnh Hiển Cừ

Ngoài ra, hoàng lưu bão số 9 lớn nên cũng gây mưa to tại khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa đo được tại Kontum là 100mm; Đak Tô: 200mm; Gia Lai: 66mm.

Mưa to tại khúc eo miền Trung, khu vực hẹp, một bên là núi một bên là biển sẽ gây ra lũ quét, sạt lở đất. Nguy cơ lớn này có thể xảy ra cao tại Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng. Do vậy bà con sinh sống tại các tỉnh miền Trung, nơi dải đất hẹp, sông ngòi chi chít nên đề cao cảnh giác.

Ngày mai (30.9), trời vẫn còn mưa to, thậm chí trong tình huống xấu nhất là mưa sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 1.10, dễ gây nên những thiệt hại khác.

Ngoài ra, hiện tại phía đông biển Đông đang hình thành một cơn bão nữa. Có thể đến tuần sau, cơn bão này sẽ vào biển Đông. Nếu gặp đợt không khí lạnh tràn xuống có thể sẽ lại đi ngang miền Trung.

Tại khu vực Nam bộ, mấy ngày trước dù bão số 9 chưa vào nhưng đã phải chịu ảnh hưởng mạnh từ rìa tây nam của bão, gây mưa to trong mấy ngày qua. Khi bão đổ bộ vào đất liền, Nam bộ vẫn còn mưa khi chịu ảnh hưởng của gió tây nam, tạo nên tình trạng sáng nắng chiều mưa.

* Mặc dù theo dự báo chiều tối nay (29.9), bão số 9 (Ketsana) mới đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung, tuy nhiên, từ sáng sớm nay, mưa lớn cùng với gió mạnh (có nơi giật tới cấp 14 - 15) bắt đầu tàn phá một số tỉnh khu vực miền Trung. Khu vực này đã bị mất điện hoàn toàn.

Đà Nẵng: Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo chống bão

Tại TP Đà Nẵng, bão số 9 chuẩn bị đổ bộ đã gây gió rít liên tục kèm mưa lớn, đường phố cây ngã đổ khắp nơi. Bảng hiệu quảng cáo hoàn toàn bị bóc hẳn nằm bể nát trên lề, dưới lòng đường...

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông trên đường phố để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Toàn thành phố đã có khoảng 11.000 hộ dân với khoảng hơn 33.000 người đã được di dời vào điểm tập trung. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn người dân từ những khu vực nhà tạm, di dời vào trú tại những nhà xây kiên cố trong khu vực.


Đường phố Đà Nẵng tan hoang vì bão số 9

Địa phương được xem là trọng yếu và dễ gặp thiệt hại nhất tại Đà Nẵng là quận Liên Chiểu. Tại đây, có rất đông học sinh, sinh viên, công nhân sống trong các khu nhà trọ rất tạm bợ, lại là khu vực gần bờ biển nên nguy cơ là rất cao. Ngay trong ngày 28.9, đã có khoảng 5.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu được di dời đến 19 điểm trú ẩn an toàn.

Vào lúc 1 giờ sáng 29.9, tại khu vực đường tránh phía nam đèo Hải Vân, chiếc xe khách mang biển kiểm soát 86K-0607 chở theo 39 hành khách, có nhiều người già và trẻ em đã bị mắc kẹt tại đây. 8 giờ sáng, lực lượng phòng chống lụt bão của UBND quận Liên Chiểu đã tích cực cứu hộ thành công xe khách này và đưa toàn bộ hành khách về nơi trú ẩn an toàn.

Hiện vẫn còn 2 xe khác chở theo 80 hành khách cũng đang gặp nạn, nằm tại khu vực Nam Ô chờ lực lượng cứu hộ. Làng Hồng Phước, Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) hiện đang có 10 thanh niên ở lại giữ làng không chịu di dời. Tuy nhiên, đến trưa 29.9, khi nước lũ dâng cao, số người này đã kêu cứu các cơ quan chức năng.


Tâm bão chưa vào nhưng Đà Nẵng đã bị thiệt hại nhiều

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Hòa Vang, đã có 1 trường hợp mất tích là ông Ông Văn Khanh, 40 tuổi (thôn Tây An, Hòa Châu). Toàn huyện có 2.700 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, 88 ngôi nhà bị sập và tốc mái, 2 nhà văn hóa thôn và nhà họp dân bị tốc mái hoàn toàn, 1 trường tiểu học và mẫu giáo bị tốc mái. 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú bị cô lập, do tuyến đường ĐT 601 và ĐT 604 bị ngập lụt hoàn toàn. Hơn 2.300 hộ dân với khoảng 6.000 người đã được di dời khẩn cấp.

Ngày 29.9, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có mặt tại Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lụt, bão. Tại cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống bão số 9 sáng 29.9, Phó thủ tưởng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Phải đặc biệt lưu ý thông báo nhân dân về tình hình nguy cấp vì bão mạnh kết hợp với nước biển dâng cao và mưa từ thượng nguồn đang đổ về khiến các sông suối tại khu vực miền Trung đang dâng mạnh”.




Cây cối gãy đổ ngổn ngang trên đường phố Đà Nẵng

Việc rà soát lại toàn bộ dân cư vùng ven biển, triền sông cũng như khẩn trương theo dõi tình hình nước dâng tại các đập lớn như Hòa Duân cũng đã được chỉ đạo rốt ráo.

Mặc dù tại cuộc họp này, Phó thủ tướng và lãnh đạo chính quyền địa phương đã thống nhất nghiêm ngặt chỉ đạo không cho người dân đi ra đường trong thời điểm mưa bão để tránh những trường hợp thương vong đáng tiếc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, tại một số con đường ở Đà Nẵng vẫn xuất hiện tình trạng từng đám thanh niên đội áo mưa đi… xem bão, khá nguy hiểm.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, đã có 9 phương tiện đánh cá bị sóng đánh chìm và trôi dạt trên bờ. Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã có 4 người bị thương, trong đó, có 1 trường hợp tại quận Sơn Trà bị tôn bay cứa ngang cổ do đi lượm cành cây gãy đổ sáng 29.9.

Lực lượng CSGT địa phương cũng đã có biện pháp yêu cầu các chuyến xe lưu thông trên quốc lộ 1A dừng chân tránh bão. Thành phố đã huy động nước uống, lương thực để hỗ trợ cho các hành khách trên các chuyến xe Bắc Nam trong thời gian tránh bão tại địa phương.

Thừa Thiên - Huế: 2 người chết, 3 người bị thương, 300 ngôi nhà tốc mái, 20 nhà bị sập

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến 16 giờ chiều nay 29.9, thống kê ban đầu tại Thừa Thiên - Huế đã có 2 người chết là ông Nguyễn Quang Vinh, ở xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy và bà Kăn Vo, ở xã A Roàng, huyện A Lưới, 7 người bị thương. 

Ảnh hưởng bão số 9: Miền Bắc có thể phải cắt điện vào giờ cao điểm

Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 9, hai mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh) đã bị sự cố từ chiều tối ngày 28.9, khiến cho hệ thống điện miền Bắc và miền Nam phải vận hành độc lập. Do vậy, khu vực miền Bắc phải hạn chế công suất ở mức 400 - 500 MW trong giờ cao điểm cho đến khi khôi phục vận hành hoàn toàn hệ thống 500 kV liên kết.

Bão số 9 cũng gây sự cố nhiều đường dây 220, 110 kV trên địa bàn các tỉnh miền Trung, như: đường dây 220 kV Hòa Khánh - Huế, 220 kV Quy Nhơn - Pleiku, 110 kV Đà Nẵng - Hòa Khánh, Đà Nẵng - Liên Trì - Quận 3, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi...; nhiều trạm biến áp và đường dây trung, hạ thế làm ảnh hưởng tới việc cung cấp điện tại nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Phú Yên.

Hiện nay, EVN đang chỉ đạo các đơn vị thành viên liên quan phối hợp với chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng ảnh hưởng tập trung nỗ lực chống bão. Theo EVN, do diễn biến phức tạp của bão số 9, tình hình cung ứng điện cho các địa phương có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy vậy, để có thể cung cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất, EVN đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư thiết bị và nhân lực ứng cứu cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng từ những cơn bão. (Theo TTXVN)

Toàn tỉnh đã có hơn 72 căn nhà sập; 467 nhà bị tốc mái; hàng chục phòng học tốc mái và gần 5.000 ngôi nhà khác bị ngập từ 0,5 - 1m… Hiện ngành điện chỉ duy trì cung cấp ở một số khu vực có các cơ quan điều hành công tác phòng chống bão như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bệnh viện Trung ương Huế, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN…

Hệ thống viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng thiệt hại nghiêm trọng và đang được cơ quan chủ quản tổ chức điều động người đến để khắc phục sự cố.

Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh đã bị sạt lở và ngập sâu từ 0,5 - 1m tại nhiều điểm gây chia cắt giao thông và cô lập các khu dân cư. Đặc biệt quốc lộ 49A, 49B nối từ TP Huế về các xã ven biển thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, thủy triều đã tràn dâng cao gần 1m, gây sạt lở và đe dọa nhiều khu dân cư sống ven biển, đặc biệt là bờ biển xã Hải Dương, sạt lở vào sâu đất liền 30m, dài hơn 500m.

Ông Cái Vĩnh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, mưa lớn kết hợp với triều cường cao đã làm ngập và cô lập nhiều vùng dân cư ở các xã Vinh Hiền, Vinh Giang, Vinh Thái..., nhiều đoạn quốc lộ 1A qua huyện Phú Lộc nước đã ngập sâu hơn 1m, gây chia cắt và cô lập hoàn toàn. Tại thị trấn Lăng Cô, sóng biển cao từ 4 đến 6m đã làm sạt lở nhiều đoạn bờ biển, triều cường cao nhất trong vòng 40 năm qua với mức nước dâng hơn 1m đã làm ngập nhiều vùng dân cư và nhiều đoạn của quốc lộ 1A.

Nước lũ cũng gây chia cắt nhiều đoạn của đường sắt Bắc Nam, làm các đoàn tàu SE7, VQ1, SE5 với hơn 800 hành khách mắc kẹt tại các ga Huế, Lăng Cô và Cầu Hai thuộc huyện Phú Lộc.

Sáng 29.9, trong khi neo đậu tại âu thuyền xã Phú Diên, H.Phú Vang, 4 phương tiện với 13 ngư dân (ngụ ở Bình Định) đã bị đứt dây neo trôi ra phá Tam Giang. Đến 9 giờ sáng, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận và đưa ngư dân gặp nạn vào bờ an toàn, riêng số tàu trên vẫn còn trôi dạt trên phá.

Trước đó, theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, từ sáng sớm nay (29.9), tại Thừa Thiên - Huế gió đã bắt đầu mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 10, mực nước trên các sông Ô Lâu, sông Hương, sông Bồ lên nhanh vượt báo động 3 gây ngập lụt và chia cắt nhiều nơi trên toàn tỉnh.

Khuya ngày 28.9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác Chính phủ đã có mặt tại Thừa Thiên - Huế và đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phòng chống bão lũ của địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cố gắng hết sức để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế kịp thời thông báo về các địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ai không có việc khẩn cấp thì không nên ra đường trong thời điểm này.

 


Gió mạnh suốt từ đêm 28.9 đến sáng 29.9 đã khiến hàng trăm cây cối lâu năm ở TP Huế gãy đổ

Sau cuộc làm việc chớp nhoáng sáng nay, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra tình hình bão, lũ ở Phú Lộc, sau đó tiếp tục vào Đà Nẵng.

Tại thành phố Huế, nhiều tuyến đường trong thành phố và các khu dân cư vùng thấp trũng ở nội thành, các phường Phú Bình, Phú Hiệp, Xuân Phú... đã ngập từ 0,5 - 0,8m; có nơi ngập sâu hơn 1m. Lũ làm chia cắt giao thông, người dân phải đi lại bằng thuyền. Hàng trăm cây xanh tại thành phố Huế đã ngã gãy. Thống kê đến 10 giờ sáng nay đã có 14 ngôi nhà ở xã Phong Bình (huyện Phong Điền) tốc mái.

 

 Đường phố ngập trong nước

Tại các huyện, các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ nhiều nơi bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, gây chia cắt giao thông và cô lập các khu dân cư. Đặc biệt QL49A nối từ thành phố Huế về các xã ven biển thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, thủy triều đã tràn dâng cao gần 1m, gây sạt lở và đe dọa nhiều khu dân cư sống ve biển.

Từ thị trấn Thuận An, lúc 10 giờ, ông Phan Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho biết dọc tuyến biển, gió đã mạnh lên trên cấp 11, giật trên cấp 12 làm cây cối gãy ngã. Thống kê ban đầu tại Thừa Thiên - Huế đã có 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương trong khi nỗ lực chèn chống nhà cửa, 13 nhà sập, 57 nhà và 6 phòng học tốc mái, 136 nhà ngập... Toàn huyện đã tổ chức di dời hơn 3.300 hộ với hơn 14 ngàn khẩu đến nơi an toàn.

Gió mạnh đã làm nhiều ngôi nhà ở các huyện bị tốc mái
Gió mạnh đã làm nhiều ngôi nhà ở các huyện bị tốc mái

Các lực lượng phòng chống bão vẫn đang túc trực 100% để giúp dân chống bão. Điều nguy hiểm là trong khi gió vẫn đang mạnh lên từng giờ thì nước lũ cũng đang dâng cao, gây ngập lụt nhiều địa bàn dân cư, chia cắt giao thông, hệ thống thông tin liên lạc nhiều nơi đã bị mất tín hiệu, công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với bão chỉ còn thông qua điện thoại di động... rất khó khăn cho công tác cứu hộ của các lực lượng cơ động.

Ông Cái Vĩnh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, nhiều đoạn QL1A qua huyện Phú Lộc, nhiều tỉnh lộ... nước đã ngập sâu hơn 1m, gây chia cắt và cô lập hoàn toàn các xã Vinh Hiền, Vinh Giang, Vinh Thái... Huyện vẫn đang tích cực di dời thêm 3.200 hộ với hơn 14 ngàn khẩu đến nơi an toàn.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh đã điều động hơn 700 chiến sĩ cơ động cùng hàng chục ca-nô, xuồng cao tốc, xe lội nước... tỏa về các địa phương phối hợp với lực lượng tại chỗ chống bão. Ngay trong chiều tối qua, 28.9, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã hợp đồng với Tư lệnh và Sư đoàn 372 điều động một phi đội bay túc trực tại sân bay Phú Bài để sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong tình huống xấu đối với các địa bàn bị chia cắt giao thông.

Mực nước các sông ở Thừa Thiên - Huế dâng cao khiến hầu hết các khu vực ở TP Huế ngập chìm trong nước lũ

Đà Lạt: Một cô giáo thiệt mạng và 4 học sinh bị thương

Sáng sớm nay, toàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) dường như nằm trong báo động đỏ khi hàng loạt cây thông ở các tuyến đường ngã đè chết người, hư hại tài sản. Nhóm PV Thanh Niên Online đã có mặt tại những “điểm nóng” bị thiệt hại nặng nề nhất do bão số 9 gây ra.

Lúc 7 giờ 10, trên đường Trần Hưng Đạo, phường 10, Đà Lạt (Lâm Đồng) một cây thông cổ thụ trong khu biệt thự có đường kính khoảng 0,9m cao gần 30m đã bật gốc ngã ra đường. Cây thông đã đè lên xe máy biển số 49V2-0149 do cô Phùng Thị Thanh (SN 1978), giáo viên trường THPT Trần Phú Đà Lạt điều khiển, chở con gái là Vũ Quỳnh Anh (học lớp 1 trường Lê Quí Đôn, Đà Lạt) đến trường. Hậu quả cô Thanh chết tại chỗ, cháu Quỳnh Anh bị thương nhẹ. Theo sau xe cô Thanh có 3 học sinh lớp 10, trường THPT Trần Phú gồm: Trịnh Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Huyền và một học sinh tên Thư đi trên 2 xe đạp điện cũng bị thương.

Khi cơ quan chức năng đưa thi thể cô Phùng Thị Thanh về nhà ở đường Lữ Gia thì bất ngờ một cây bách tùng cổ thụ ở số 2 Lữ Gia lại bật gốc, ngã chắn hết đường đi. Vợ chồng anh Thủy (ngụ Lữ Gia) bị cây tùng đè nhưng chỉ bị thương nhẹ. Cây thông này ngã đúng vào quán phở Xuân, nhưng rất may sáng nay quán này nghỉ bán nên không có thiệt hại về người.

 Hiện trường vụ ngã thông làm cô giáo Thanh thiệt mạng
Hiện trường vụ ngã cây thông làm cô giáo Thanh thiệt mạng

Hai học sinh vẫn chưa hoàn hồn sau vụ bị thông ngã đè
Hai học sinh vẫn chưa hoàn hồn sau vụ bị cây thông ngã đè vào người

 Cùng thời điểm, một cây thông có chiều cao hơn 30m trong khuôn viên nhà số 2 Hoàng Hoa Thám (P10, Đà Lạt) cũng bị gãy đổ đè lên ngôi nhà bằng gỗ gần đó. Tại khách sạn Sofitel Dalat Palace một cây cổ thụ cao khoảng 30m cũng bị bật gốc, một nhánh cây đã đè bẹp chiếc xe con hiệu Toyota Crown biển số 49LD-0009 đang đậu trong sân.

Theo ông Trần Tưởng, Phó chủ tịch UBND Đà Lạt, Trưởng ban Phòng chống lụt bão cứu hộ cứu nạn TP Đà Lạt, rạng sáng ngày 29.9, khi có gió mạnh hàng loạt cây thông bị ngã đổ tại nhiều địa điểm như: đường Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng, khuôn viên ĐH Đà Lạt, ĐH Yersin…

Ngay khi sự cố cây đè chết người xảy ra, ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục ngay sự cố, giải tỏa ách tắc giao thông. Ông Huỳnh Đức Hòa cho PV Thanh Niên Online biết: “Đây là rủi ro ngoài ý muốn, không lường trước được vì cây thông bị rỗng ruột. UBND tỉnh vừa có công điện khẩn, chỉ đạo UBND TP Đà Lạt và các huyện, thị trong tỉnh rà soát ngay những cây thông, cây xanh có nguy cơ ngã đổ và tiến hành chặt hạ ngay (không cần xin phép), để phòng tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra như trường hợp cô Thanh sáng nay”.

Bà Nguyễn Thị Anh Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết: “Tai nạn xảy ra với cô Thanh thật đáng tiếc. Sở đã chỉ đạo Ban giám hiệu các trường Trần Phú, Lê Quý Đôn đến giúp gia đình cô Thanh trong lúc gặp họan nạn”. Bà Phương cho biết thêm, lúc 6 giờ sáng, Sở GD-ĐT đã có công điện khẩn gửi đến UBND các huyện, thị xã và thành phố cùng các phòng giáo dục trong tỉnh đề nghị tùy tình hình ảnh hưởng thực tế do cơn bão số 9, các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học cho đến khi cơn bão không còn nguy hiểm, nhưng do các trường chưa kịp thông báo đến các gia đình và học sinh, nên sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Một cây bách tùng ở số 2 Lữ Gia bật góc, rất may 2 vợ chồng anh Thủy bị thương nhẹ
Một cây bách tùng ở số 2 Lữ Gia bật gốc, rất may 2 vợ chồng anh Thủy bị thương nhẹ

Một cây thông khác ở số 2 Hòang Hoa Thám ngã đè nhà dân
Một cây thông khác ở số 2 Hoàng Hoa Thám ngã đè nhà dân

Chiếc xe trong khuôn viên khách sạn Sofitel Dalat Palace bị đè bẹp
Chiếc xe trong khuôn viên khách sạn Sofitel Dalat Palace bị đè bẹp

Kon Tum: 2 người chết, 1 người mất tích

Sáng 29.9, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có gió giật mạnh, khiến hàng trăm hecta cao su, cà phê bị gãy đổ gây thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng.

Tại làng Mố Bành (xã Đắk Na, H.Tu Mơ Rông), lở đất sập nhà khiến 2 người thiệt mạng, hiện nay 1 người vẫn đang mất tích. Cầu Đắk Trăm bị sập hoàn toàn khiến giao thông đến trung tâm huyện Tu Mơ Rông bị chia cắt. Cây cầu sắt tại xã Đăk Rơ Ông dài 43m bị cuốn trôi. Đường vào xã Ngọk Yêu sạt lở nặng, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Tại xã Ya Xiar (H.Sa Thầy), có 12 ngôi nhà của dân bị gió bão đánh sập, tốc mái.

Huyện Đắk Hà có 9 hộ dân ở xã Đắk Pxi bị nước lũ nhấn chìm, hiện mới di dời được 4 hộ đến nơi an toàn. Trung tâm xã Đắk Pxi bị cô lập hoàn toàn trong 2 ngày qua do con đường độc đạo đến xã bị chia cắt bởi cầu Đăk Vét nước ngập sâu trên 4m.

 

Một nhà dân ở TP Kon Tum bị đổ sập - Ảnh: Trùng Dương

Riêng tại huyện Kon PLông đến 10 giờ sáng 29.9, vẫn chưa thống kê được thiệt hại do thông tin liên lạc đã bị cắt đứt. Tuy nhiên, thiệt hại tại huyện đông Trường Sơn này được cho là rất nặng nề.

Các chuyến bay từ TP.HCM đến Tuy Hòa (Phú Yên), Phù Cát (Bình Định) tạm hoãn do thời tiết xấu. Các chuyến tàu Thống nhất từ Hà Nội - TP.HCM bị ách tắc tại Huế và Đà Nẵng. Theo đó, hàng trăm hành khách ở các ga Tam Kỳ (Quảng Nam), Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), Diêu Trì (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên) phải tiếp tục chờ đợi nhiều giờ đồng hồ. Hiện kế hoạch di chuyển vẫn chưa được xác định.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Kon Tum cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn tỉnh lượng mưa nơi cao nhất là huyện Đắk Glei lên đến 263mm. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh khiến mực nước sông lên rất nhanh. Trên sông Đắk Bla, mực nước dâng lên ở cao độ 52,032cm, trên sông Đắk Tờ Kan cao độ 57,835cm, trên báo động 2 là 50cm.

Tại TP Kon Tum, một số tuyến đường bị sạt lở nặng, như đường Dã Tượng, đoạn cầu Đắk Cấm thuộc quốc lộ 24. UBND phường Duy Tân (TP Kon Tum) đã phải di dời khẩn cấp 10 hộ gia đình ra khỏi vùng sạt lở phía bắc đường Dã Tượng, hiện nơi này vẫn tiếp tục sạt lở do địa chất không ổn định.

Quảng Ngãi:  1 người chết, 1 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái

Từ rạng sáng đến trưa nay 29.9, tại Quảng Ngãi có mưa lớn kèm gió cực mạnh. TP Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác bị cúp điện kéo dài, nhiều hoạt động tê liệt.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã hoãn tất cả các cuộc họp, thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp về các địa bàn xung yếu hỗ trợ dân phòng chống bão số 9. Gió mạnh khiến các phương tiện thô sơ không thể di chuyển trên đường. Phương tiện ôtô cũng rất khó khăn mới có thể di chuyển trong lúc gió quá mạnh.

Trên đường phố ở TP Quảng Ngãi và các huyện ven biển, hàng trăm cây cối bị ngã đổ. Do có quá nhiều nhà dân bị tốc mái, tôn và nhiều vật dụng khác bị cuốn trong gió bay trên các đường phố, gây nguy hiểm đến tính mạng nên UBND tỉnh cấm người dân đi ra đường.

 

Người dân Quảng Ngãi khẩn trương chằng chống nhà cửa, công trình - Ảnh: Hiển Cừ

UBND tỉnh Quảng Ngãi đang huy động lực lượng di dời khẩn cấp hơn 10.000 người dân vùng ven biển, có nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn tránh trú bão.

Tại huyện đảo Lý Sơn, gió mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15. Đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái. Hiện thông tin liên lạc từ huyện đảo này vào đất liền bị cắt đứt hoàn toàn. Rất nhiều tàu thuyền bị nạn, vì không di chuyển được đến nơi an toàn.

Theo thống kê sơ bộ, Quảng Ngãi đã có 1.000 ngôi nhà bị sập đổ, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái; hàng loạt công trình bị hư hỏng; 1 người chết, 1 mất tích; 3 tàu cá bị chìm, tàu Long Hải tải trọng 1.500 tấn bị chìm tại khu vực biển Dung Quất; quốc lộ 24B bị ách tắc.

Trưa 29.9, UBND tỉnh Quảng Ngãi huy động 2 xe lội nước chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho hơn 3.000 người dân đang trú bão tại trường Cao đẳng Nghề Dung Quất (H.Bình Sơn).

Bình Định: 4 người chết, 1 người mất tích, 39 tàu bị chìm

Sáng 29.9, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định được nghỉ học để tránh bão số 9. Trên địa bàn TP Quy Nhơn, các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn… gió mạnh làm hư hỏng nhiều công trình điện, điện thoại, rất nhiều cây cối bị ngã đổ.

 

Cây cối ngã đổ ở Bình Định - Ảnh: Đình Phú

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bình Định, đến 11 giờ trưa 29.9, trên địa bàn toàn tỉnh có 39 tàu cá bị chìm, 4 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương, 97 nhà bị sập, tốc mái, 2.570 ha hoa màu bị ngập úng…

Tâm bão đi vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi

Theo bản tin phát lúc 14 giờ 30 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 14 giờ ngày 29.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Như vậy chiều nay (29.9), vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến 2 giờ ngày 30.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc, 107,8 độ Kinh Đông, trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

 

Sáng nay, tuy chỉ mới ảnh hưởng của bão số 9, nhưng tại Đà Nẵng đã có gió to kèm theo mưa, mực nước các sông lên nhanh đang có nguy cơ gây lũ - Ảnh TTXVN

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 14 giờ ngày 30/9 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc, 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 14 giờ ngày 1.10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc, 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận - Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

  

Tiếp tục cập nhật

Nhóm PV Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.