Tiềm lực tên lửa Iran

24/09/2009 00:26 GMT+7

Tiềm năng tên lửa của Iran lại trở thành đề tài được giới chuyên gia quốc tế bàn luận sau khi Mỹ quyết định "treo" kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu u trên cơ sở đánh giá lại mối đe dọa từ Tehran.

Iran trước nay vẫn luôn khẳng định chương trình phát triển tên lửa của họ chỉ nhằm các mục đích nghiên cứu khoa học, giám sát và phòng thủ. Nhưng phương Tây lại không chia sẻ quan điểm này.

"Tiềm năng lớn hơn CHDCND Triều Tiên"

Theo hãng tin Nga RIA Novosti, các chuyên gia quốc tế nói rằng Iran đang trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nước Cộng hòa Hồi giáo có tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 với tầm xa khoảng 2.000 km. Họ cũng cho rằng CHDCND Triều Tiên đã hỗ trợ Iran thiết kế và phát triển những tên lửa này.

Trong một phát biểu với RIA Novosti hôm 21.9, thiếu tướng Vladimir Dvorkin, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế có trụ sở tại Moscow, khẳng định: "Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng Iran không nỗ lực phát triển những tên lửa mà chúng ta (Liên Xô trước đây) đã chế tạo vào những năm 50. Theo quan điểm của tôi, Iran thậm chí có tiềm lực (tên lửa) lớn hơn cả CHDCND Triều Tiên".

Theo thiếu tướng Dvorkin, Iran đã có tên lửa tầm xa 3.000 km, và "nếu tầng trên của tên lửa đẩy đã đưa vệ tinh đầu tiên của Iran vào không gian được tái trang bị, tầm bắn có thể tăng lên đến 4.000 km. Cũng vị tướng này hồi tháng 3 đã cảnh báo rằng Iran đang tích cực tiến hành một chương trình phát triển tên lửa "có thể đe dọa toàn châu u".

Một số nguồn tin phương Tây và Nga nói rằng Iran có thể đang tiến hành một chương trình có tên gọi "Dự án Koussar" nhằm phát triển một loại tên lửa hoàn toàn mới có tầm xa 4.000 - 5.000 km. Theo chuyên san quốc phòng Jane's Defence Weekly, "Dự án Koussar" do Tập đoàn công nghiệp Shahid Hemmat của Iran chủ trì. Trong phát biểu đưa ra hồi tháng 3, tướng Dvorkin nhận định: "Iran từ lâu đã bỏ các công nghệ tên lửa lạc hậu và có khả năng chế tạo hệ thống tên lửa tinh vi".

Năm ngoái, Iran đã thử thành công tên lửa đạn đạo Shahab-3 cải tiến trong cuộc tập trận của hải quân tại vịnh Persia. Với tầm bắn 2.000 km và được trang bị đầu đạn thông thường nặng 1 tấn, Shahab-3 có khả năng bắn tới các mục tiêu ở Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, bán đảo Ả Rập, Afghanistan và Pakistan.

Cần thời gian

Trước khi tướng Dvorkin đưa ra những nhận định trên, Viện nghiên cứu Đông Tây tại New York (Mỹ), một tổ chức tư vấn độc lập chuyên tập trung vào những thách thức toàn cầu, hồi tháng 5 cho biết Iran sẽ không có vũ khí tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong nhiều năm tới. Theo hãng tin UPI, 6 chuyên gia Nga và 6 chuyên gia Mỹ - nhóm tác giả đưa ra báo cáo vào ngày 19.5 - khẳng định rằng Iran có thể phát triển loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 2.000 km trong vòng 6-8 năm nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia này kết luận rằng "hầu như không thể" dự đoán Iran sẽ mất bao lâu để sản xuất một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại.

Cũng theo báo cáo trên, lá chắn tên lửa tại châu u mà chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ đã lên kế hoạch có "nhược điểm nghiêm trọng" cũng như "không thể mang lại khả năng phòng thủ đáng tin cậy cho châu u và Mỹ trước tên lửa được phóng từ Iran". Các chuyên gia của Viện Đông Tây cho rằng bất kỳ nước nào có khả năng triển khai tên lửa tầm xa đều có thể đề ra biện pháp nhằm tránh né lá chắn. "Lá chắn sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt những đầu đạn được bắn từ Iran với những nghi trang có thể đi kèm với chúng", báo cáo viết. Cũng theo họ, hiểm họa từ Iran đối với châu u không phải là gần kề, có thể trong cả thập niên tới, vì vậy việc triển khai lá chắn tên lửa ở châu u chẳng có ý nghĩa gì.

Sau nhiều tháng xem xét, hôm 17.9, Mỹ đã quyết định ngừng kế hoạch lập lá chắn tên lửa tại Ba Lan và CH Czech. Trong hành động điều chỉnh hướng phòng thủ quan trọng này, giới chức Mỹ chú trọng nhiều hơn đến nguy cơ từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran.

Những tên lửa chủ lực

Hiện tại, tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng Shahab là trụ cột trong lực lượng tên lửa chiến lược Iran. Quốc gia vùng Tây Nam Á này được tin là đã triển khai 100-200 tên lửa Shahab với tầm bắn khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, với việc phóng thành công một tên lửa đạn đạo mới hôm 20.5, tên lửa nhiên liệu rắn Sajjil-2 với tầm bắn 2.000 km, các chuyên gia phương Tây tin rằng hiện Iran đã bước vào giai đoạn chế tạo các tên lửa tầm xa thế hệ mới.

Theo các chuyên gia phương Tây, nhiều khả năng Iran sẽ tập trung vào khả năng sản xuất các tên lửa mới. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thể được phóng nhanh hơn so với các hệ thống dùng nhiên liệu lỏng bởi hệ thống tên lửa này có thể phải mất đến 1 giờ đồng hồ để tiếp nhiên liệu. Tên lửa dùng nhiên liệu rắn sẽ khó bị phát hiện hơn trong khi phóng so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, vì thế chúng có thể "né" các đòn tấn công phủ đầu.

Tên lửa đạn đạo thứ ba, Ashura, cũng là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được trình làng vào năm 2007 và được phóng trong năm 2008. Theo báo The Jerusalem Post, tên lửa 2 tầng Ashura được tin là đã bước vào giai đoạn sản xuất, có thể sẽ thay thế Shahab-3. Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây tin rằng tên lửa 2 tầng Sajjil-2 có thể là một cái tên khác đối với Ashura, được sử dụng nhằm gây lúng túng cho Mỹ và Israel về chương trình tên lửa của Iran.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.