Lính biển trên đỉnh Chóp Chài

21/09/2009 18:25 GMT+7

Họ là lính hải quân tuổi đời còn rất trẻ, sống trên đỉnh núi cao giữa lòng TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để ngày đêm dõi mắt canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Núi Chóp Chài nằm lọt thỏm giữa lòng TP Tuy Hòa với độ cao hơn 390m so với mực nước biển. Với vị thế thuận lợi, vùng 4 Hải quân xây dựng trạm rađa 560 trên đỉnh núi này. Trung úy Trần Văn Chiến (30 tuổi, quê H.Hải Hậu, tỉnh Nam Định) - Phó trạm trưởng đã từng công tác ở một số đơn vị trong quân chủng Hải quân trước khi được Bộ Tư lệnh vùng 4 phân công nhiệm vụ tại trạm rađa này. Anh cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo quan sát phát hiện các mục tiêu trên biển và không phận tầm thấp. Với nhiệm vụ đó, trong thời gian qua, trạm đã phát hiện nhiều mục tiêu tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, lãnh hải của Việt Nam. Những trường hợp này đều được báo cáo kịp thời về cấp trên, Bộ chỉ huy quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên xử lý, giải quyết”.

“Mọi người thường hay gọi đùa lính ở đây là “lính hải quân... mắc cạn”, vì chủ yếu công tác ở trên núi cao, đảo xa. Mặc dù ở trong đất liền, nhưng mắt của chúng tôi luôn hướng về biển. Những người lính trạm rađa tự hào mình là “mắt thần của biển”, trông coi vùng biển của Tổ quốc”, trung úy Chiến dí dỏm nói. Thiếu úy Phạm Anh Phúc (29 tuổi, quê H.Quỳnh Bá, tỉnh Nghệ An) - trắc thủ rađa thì bộc bạch: “Tàu thuyền trên vùng biển Việt Nam rất nhiều nên mục tiêu hoạt động cũng rất phức tạp. Anh em ở trạm phải tập trung quan sát cao độ mới phát hiện được mục tiêu, báo cáo chính xác cho cấp trên. Những thành tích, đóng góp của trạm được cấp trên khen thưởng, động viên kịp thời đã tạo động lực cho anh em chiến sĩ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trong những ngày qua, Tuy Hòa nắng nóng gay gắt, nhưng ở đỉnh Chóp Chài khí hậu lại mát mẻ. Thế nhưng, thời gian này lại là thời điểm nguy hiểm nhất trong năm. Trung úy Trần Văn Chiến bảo: “Khoảng từ tháng 5-6, ở Phú Yên thường xuyên xuất hiện mưa giông, sấm sét dữ dội, thời tiết khắc nghiệt. Trạm đóng trên đỉnh núi cao nên chịu ảnh hưởng mạnh của sét, gió biển. Có hôm, sét đánh nghe đinh tai nhức óc, những tia sét sáng lòe “bắn” giật cả mình. Những lúc như thế, anh em chỉ biết bảo hộ bằng cách ly khỏi mặt đất, không chạm tay trực tiếp vào khí tài để đảm bảo an toàn, nhưng vẫn quan sát liên tục. Không chỉ đảm bảo an toàn cho người, chúng tôi còn phải đảm bảo an toàn cho khí tài để phục vụ nhiệm vụ chung”.

Cũng vì đóng quân trên núi cao nên nước sinh hoạt cũng rất khan hiếm, sử dụng hết sức tiết kiệm. Phan Thanh Mạnh (21 tuổi, ở H.Tư Kỳ, tỉnh Hải Dương) - chiến sĩ thông tin nhập ngũ năm 2008, tâm sự: “Nước sinh hoạt ở đây là nước mưa, nhưng cũng phải tiết kiệm mới đủ nước. Trường hợp thiếu, chúng tôi phải “xuống đất” gùi nước lên. Một lần đi phải mất hơn 2 giờ, nhưng chỉ gùi chừng 20 lít, rất vất vả. Tiết kiệm nước vừa đảm bảo sinh hoạt cho đơn vị, vừa san sẻ cho những đơn vị bạn”. Còn Ngô Văn Bé (18 tuổi, quê H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) - chiến sĩ cơ điện nói: “Mặc dù sống trên núi, nhưng tất cả đều hướng về biển. Tuy có nguy hiểm, vất vả, nhưng đó lại là thử thách, rèn luyện đối với những người lính trẻ như chúng tôi để trưởng thành”.

Theo trung úy Trần Văn Chiến, ngoài nhiệm vụ, các anh em chiến sĩ của trạm cũng thường xuyên giao lưu với thanh niên địa phương và có những hoạt động gắn liền tình quân - dân.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.