Tu nghiệp sinh đi Nhật: Ký tên nhưng không được nhận tiền!

20/09/2009 22:35 GMT+7

Anh Dương Anh Tuấn, ngụ tại Q.Nhà Bè, TP.HCM, trở về VN sau gần một năm lao động ở Nhật đã sững sờ khi biết gia đình không hề nhận được bất cứ số tiền nào từ Công ty TRANCO-CN2.

Anh Tuấn kể: “Trước giờ lên xe ra sân bay, tôi được yêu cầu ký giấy nhận tiền, tôi có hỏi sao ký giấy mà không được nhận thì được một anh ở Công ty TRANCO-CN2 nói: không ký thì ở nhà”.

Từ Nhật, một nhóm tu nghiệp sinh (TNS) cũng gửi đơn về Báo Thanh Niên đề nghị giúp đỡ. Đơn viết: “Chúng tôi đến Công ty TRANCO-CN2 tại TP.HCM đăng ký tham dự phỏng vấn đi tu nghiệp tại Nhật phải đóng tổng cộng là 6.500 USD, trong đó 4.000 USD là tiền thế chân và phí là 2.500 USD. Không biết vì lý do gì mà trước khi đi Công ty TRANCO-CN2 ép chúng tôi ký nhận tiền phí đặt cọc là 2.500 USD nhưng không được nhận lại tiền. Dù biết đây là việc không đúng (ký giấy nhưng không nhận tiền) nhưng chúng tôi phải ký để được lên đường. Nhận thấy đây là việc làm mờ ám và bất thường, chúng tôi đã liên lạc với gia đình nhờ làm đơn khiếu nại gửi quý báo nhờ can thiệp để chúng tôi nhận lại số tiền trên...”.

Khi PV đặt câu hỏi số tiền hàng ngàn USD của TNS hiện đang ở đâu? Sử dụng vào mục đích gì?" thì ông Hùng trả lời không biết và đề nghị gặp trực tiếp Giám đốc Nguyễn Quốc Khôi. Chúng tôi đã hẹn và chờ rất lâu nhưng vẫn chưa được ông Khôi trả lời chính thức!

Trong khi đó, Công ty TRANCO-CN2 đã đưa hàng trăm TNS sang Nhật, như vậy số tiền qua việc lập lờ nói trên là khá lớn, cần phải sớm được làm rõ để trả lại công bằng cho các TNS.

Anh Lê Quốc Kha, thường trú tại ấp Tường Nhơn B, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, thì kể: “Năm 2008, tôi có ký hợp đồng dịch vụ đi làm tại Nhật Bản với TRANCO-CN2. Theo yêu cầu của công ty, tôi đã đóng hai lần tiền đặt cọc làm hồ sơ với tổng số tiền là 40.700.000 đồng. Sau đó tôi được đưa sang Nhật và vào làm việc tại Công ty NIHON ENGINEERING. Nhưng suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà máy, tôi được công ty thông báo chính thức là hết việc làm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (14 tháng) và trở về nước. Khi vừa về đến VN và thanh lý hợp đồng với Công ty TRANCO-CN2 thì tôi chỉ được nhận số tiền 96 triệu đồng (tiền chống trốn), còn  50% số tiền môi giới lao động không được hoàn trả”.

Từ thông tin của Kha, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết các chi phí làm hồ sơ nhập cảnh vào Nhật là do công ty tiếp nhận TNS trả. Trong khi đó, phiếu thu tiền của Công ty TRANCO-CN2 ghi đây là tiền đặt cọc làm hồ sơ. Khi tiếp chuyện với nhiều TNS chúng tôi đã phát hiện ra rằng, tất cả TNS đều được yêu cầu ký giấy nhận tiền trước giờ lên máy bay nhưng không ai được nhận lại tiền đặt cọc.

Khuất tất

Tại Công ty TRANCO-CN2, ông Vũ Xuân Hùng, Phó giám đốc trả lời PV Thanh Niên: “Sau khi nhận đơn của Kha tôi mới biết mình bị qua mặt bởi chính tôi là người ký hoàn trả tiền đặt cọc (40.700.000 đồng) cho TNS trước khi họ lên đường sang Nhật. Việc trả tiền đặt cọc được tiến hành qua các bước: kế toán làm phiếu chi, kế toán trưởng là Trần Hải Phượng ký; trợ lý giám đốc là bà Vũ Thị Ánh Thủy ký nháy; tôi là người ký lãnh đạo sau đó TNS ký nhận tiền và thủ quỹ ký xuất toán hoàn tất quy trình chi tiền cho TNS. Trước đây, việc ký lãnh đạo là do ông Nguyễn Tuấn Sơn, giám đốc trực tiếp ký. Tháng 8.2008, tôi được ủy quyền ký lãnh đạo. Tôi đã ký trước còn TNS nhận tiền lúc nào thì tôi không biết nên đã xảy ra tình trạng TNS ký giấy nhận tiền trước lúc lên máy bay mà không được nhận. Thời gian bay đi Nhật toàn vào buổi tối nên việc ép lao động ký trước giờ ra sân bay là ngoài giờ làm việc, không thể kiểm soát được”.

Qua tìm hiểu chúng tôi cũng được biết, từ tháng 6.2009, khi biết có sự khuất tất này, ông Hùng đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ quy trình thu chi. Sau đó, Giám đốc Sơn đã từ chức, bà Phượng kế toán trưởng xin nghỉ việc và từ đó đến nay việc ký phiếu thu chi là do giám đốc mới, ông Nguyễn Quốc Khôi, trực tiếp xử lý.

Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.