Cần ưu đãi đặc biệt tài năng trẻ

09/09/2009 15:08 GMT+7

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, song nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo vẫn luôn dành tình cảm và sự quan tâm đối với thế hệ trẻ.

Nhân Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ I sắp diễn ra, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ tài năng trẻ. Ông Đặng Quốc Bảo cho biết:

- Cách đây 40 năm, khi còn làm Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Quân sự, tôi và GS Tạ Quang Bửu (lúc đó là Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN) đã trăn trở phải làm gì để tạo điều kiện cho lớp trẻ vươn lên ngang tầm thế giới. Chúng tôi đã thành lập trung tâm đào tạo tài năng trẻ. Mỗi năm chọn 100 em giỏi nhất khối A (tự nhiên) và 100 em giỏi nhất khối B (xã hội) của miền Bắc đào tạo theo chương trình đặc biệt. Trong gần 10 năm, hầu hết các em được đào tạo theo chương trình đặc biệt đều trưởng thành, trở thành những cán bộ, nhà khoa học nổi tiếng như: Hoàng Lê Minh, người đạt HCV Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam; Tổng giám đốc FPT Trương Gia Bình; GS TSKH Hoàng Thế Long - Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự; TS Võ Trí Thành - Viện Quản lý kinh tế T.Ư và nhiều GS giảng dạy ở Mỹ, Canada... Rất tiếc là sau đó tôi chuyển ngành, nên chương trình đào tạo không còn tiếp tục duy trì. 

* Ông đánh giá thế nào về thế hệ trẻ bây giờ, nhất là đội ngũ tài năng trẻ?

 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo - Ảnh: Ngọc Thắng

Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo - Ảnh: Ngọc Thắng

- Phải thừa nhận thế hệ trẻ bây giờ tiếp cận rất chủ động và trưởng thành rất nhanh. Nếu như trước kia, các tài năng nữ rất hiếm có, thì trong thời đại hiện nay nhiều em nữ rất giỏi, nhất là trong lĩnh vực thể thao. Theo tôi, tương lai của Việt Nam quyết định ở sự trưởng thành của lớp trẻ, mà nòng cốt chính là lớp bác học trẻ tuổi. Lớp bác học trẻ tuổi ấy tiếp nhận những tư tưởng mới nhất, những lý thuyết mới nhất trên cơ sở dám đột phá tư duy, dẫn dắt cả dân tộc đi lên.

* Nhưng thưa ông, cho đến nay chúng ta vẫn chưa quy tụ được đội ngũ nòng cốt này. Trong khi đó, ngày càng có nhiều sinh viên, nhà khoa học trẻ của Việt Nam ra nước ngoài du học sau đó đã không trở về?

 - Chuyện họ ở nước ngoài không phải là tội lỗi. Sau khi tốt nghiệp, các tài năng trẻ có thể sẽ phải ở nước ngoài. Thời gian có thể kéo dài 7-10 năm, thậm chí là 15 năm để tiếp tục sự nghiệp khoa học. Họ sẽ đến nơi nào có điều kiện để phát triển nhất. Ở đó, các bạn trẻ được tiếp cận, làm việc với những đồng nghiệp giỏi, những nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Và khi họ đã phát triển, họ sẽ trở về đất nước với một vali kiến thức, với một cái đầu phát triển. Nếu là người có tâm với Tổ quốc thì dù ở đâu cũng có thể phục vụ đất nước, miễn là có quyết tâm và trách nhiệm với Tổ quốc, không nhất thiết phải ở Hà Nội, hay TP.HCM mới là phục vụ đất nước.

* Nhiều bạn trẻ cho rằng, không phải họ không muốn trở về xây dựng đất nước mà do chính sách đãi ngộ của chúng ta chưa thỏa đáng?

- Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều lưu học sinh và các nhà khoa học trẻ, hầu hết đều có tâm trạng băn khoăn. Ở nước ngoài, họ căn cứ vào hiệu quả, còn ở Việt Nam, trở về liệu các bạn trẻ có được tạo điều kiện vào cuộc, hay lại cho rằng họ trẻ quá? Ở nước ngoài, các nhà khoa học trẻ được trả ít nhất 500 USD/giờ (tương đương hơn 9 triệu đồng). Trong khi về Việt Nam với mức lương 2 triệu đồng/tháng, thử hỏi họ sống thế nào? Tất cả người Việt Nam ra nước ngoài bao giờ cũng nhớ, nghĩ về Tổ quốc. Nếu có một cách tiếp cận tin cậy, tạo điều kiện, tôi tin sớm muộn gì các bạn trẻ cũng trở về.

Tài năng là nguyên khí quốc gia, là tài sản nhân loại chứ không phải của riêng cá nhân, gia đình. Sự cống hiến của họ quyết định sự trưởng thành của mỗi quốc gia vì vậy phải biết quý trọng, phải tạo điều kiện để tài năng tôi luyện, trưởng thành”.

* Nghĩa là chúng ta cần phải có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đội ngũ này ?

- Đúng vậy. Đội ngũ tài năng trẻ ở VN rất nhiều, tuy nhiên chưa có sự kết nối. Về mặt này, mình thua xa Trung Quốc. Những học sinh giỏi của họ ra nước ngoài học đều có các cơ quan khoa học, các viện khoa học, viện hàn lâm theo dõi xem học trường nào, điều kiện ra sao. Ngoài đội ngũ đàn anh trong nước luôn dõi theo từng bước, còn có sự tác động của kiều dân, các nhà khoa học gốc Hoa và sứ quán có sự quan tâm đặc biệt. Còn ở nước ta, chủ trương đã có, hành động cụ thể không phải không có nhưng hãy còn ít quá. Theo tôi, Nhà nước nên có chính sách dùng người đối với những tài năng đặc biệt, tạo điều kiện cho các em vào đời sớm và thực hành một chính sách rất công minh, không bỏ rơi bất cứ tài năng nào. Nếu đó là tài năng thì cả xã hội phải dồn vào để các em phát triển. Ở nước ngoài có nhiều tổ chức xã hội tài trợ cho tài năng trẻ. Còn ở ta, mạnh thường quân trong lĩnh vực này còn hiếm. Các tổ chức có thể đầu tư cho CLB bóng đá hàng chục tỉ đồng/năm, trong khi phải nói rằng cuộc sống của các tài năng trẻ còn khó khăn quá! 

* Theo ông, nên chăng có một chiến lược mũi nhọn đầu tư cho các tài năng trẻ ở một số lĩnh vực đặc biệt?

- Tài năng là nguyên khí quốc gia, là tài sản nhân loại chứ không phải của riêng cá nhân, gia đình. Sự cống hiến của họ quyết định sự trưởng thành của mỗi quốc gia, vì vậy phải biết quý trọng, phải tạo điều kiện để tài năng tôi luyện, trưởng thành. Nước ta còn nghèo, đầu tư cho các tài năng trẻ không nên dàn trải, mà cần tập trung vào các mũi nhọn. Chẳng hạn trong lĩnh vực thể thao, người Việt Nam vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có những VĐV có khả năng ngang tầm với khu vực châu Á, thế giới, thì phải tìm những HLV nổi tiếng, tầm cỡ, phải tốn tiền đầu tư mới có một lớp VĐV xuất sắc sau này. Nước mình giành nhiều thành tích trong các cuộc thi quốc tế về toán học nhưng lại chưa có những nhà toán học nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Muốn đầu tư cho toán học, phải đưa các tài năng trẻ đến các trung tâm toán học giỏi trên thế giới, vào trường nổi tiếng thế giới, các em sẽ trưởng thành rất nhanh. Sai lầm của chúng ta là đang đào tạo theo kiểu “bông hoa rừng”, không theo hệ thống. 

* “Kết nối tài năng trẻ toàn cầu, xây dựng đất nước” là khẩu hiệu của đại hội lần này. Để có một đội ngũ các tài năng trẻ đưa đất nước đi lên, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

- Trước tiên, phải xây dựng được nền giáo dục hiện đại, tạo điều kiện cho lớp trẻ trưởng thành. Nền giáo dục đưa tri thức hiện đại giúp cho các em trở thành những nhân vật độc lập, sáng tạo. Đoàn thanh niên nên kết hợp với giáo dục có một cơ quan phát triển cho tài năng trẻ. Cái quan trọng nhất của tài năng trẻ không phải là giành được huy chương vàng mà hãy tạo điều kiện cho các em vào các trường đại học tốt nhất trên thế giới, để tài năng trở thành nhà khoa học có trình độ giỏi, có những công trình nghiên cứu được cộng đồng quốc tế biết đến. Tôi hoan nghênh T.Ư Đoàn có sáng kiến tổ chức Đại hội Tài năng trẻ, quy tụ gặp mặt các tài năng trẻ từ khắp nơi về Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là dân tộc thông minh, nhưng sự thông minh ấy hãy còn ngủ yên. Nếu như chúng ta có chiến lược đầu tư cho khoa học mũi nhọn, tôi tin đến giữa thế kỷ này, Việt Nam sẽ là một nước hiện đại, đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

* Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.