Loạn thu đầu năm học

01/09/2009 23:38 GMT+7

* Có trường thu tới 23 khoản khác nhau Ngoài các khoản thu theo đúng quy định, nhiều phụ huynh đang lạc vào "ma trận" của những khoản thu mà không thể biết số tiền ấy sẽ được chi ra sao.

Những khoản thu kỳ lạ

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc thu gộp các khoản ngay từ đầu năm vẫn mặc nhiên diễn ra ở rất nhiều trường. Mới đây, phụ huynh trường Tiểu học thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) đã thực sự bị sốc khi nhận được tờ thông báo về các khoản thu (lần 1) của trường, với 23 khoản khác nhau. Trong đó có những khoản thu mà dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy phụ huynh cũng không thể... nghĩ ra. Ví dụ: bảo hiểm điện, vở rèn chữ của hội chữ thập đỏ, vở rèn chữ mẫu chữ thẳng hàng và mẫu chữ nghiêng, bút rèn chữ, vật kỷ niệm, khăn bông bay, hao mòn đồ dùng, giấy thi chữ đẹp mỗi tháng 1 tờ...

Giải thích cho những khoản thu "trên trời" này, bà hiệu trưởng cho rằng: chính thức thì nhà trường chỉ có hai khoản thu là học 2 buổi/ngày và hao mòn đồ dùng. Còn lại các khoản thu khác là do phụ huynh đề ra và nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ (!).

Trường Tiểu học Đông Hội (huyện Đông Anh) cũng thông báo tới phụ huynh hàng chục khoản thu, trong đó vẫn có những khoản thu gộp, ví dụ tiền học 2 buổi/ngày là 50.000 đồng/tháng thì trường này thu luôn một lèo cho cả năm học (9 tháng) là 450.000 đồng/học sinh (HS). Ngoài ra còn có thêm một khoản tiền khác là "hỗ trợ giáo dục": 45.000 đồng/HS...

Trường Mẫu giáo Việt Triều phối hợp với một trung tâm tiếng Anh của nước ngoài tổ chức dạy tiếng Anh cho HS có nhu cầu và ngay từ đầu năm học đã thu học phí tới 2,7 triệu đồng/HS cho cả năm học, chứ không thu theo tháng như quy định.

Cũng theo quy định của Sở GD-ĐT thì đối với các khoản thu như: quỹ Đoàn - Đội, quỹ phụ huynh của lớp và các loại tiền bảo hiểm... nhà trường không thu hộ mà phải do các tổ chức thu. Tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn đứng ra thu các khoản này trong thông báo gửi phụ huynh mà không hề có giải thích gì thêm. Ví dụ, trường Tiểu học Đông Hội thu  tới 3 loại quỹ: quỹ chữ thập đỏ, quỹ từ thiện, quỹ Đội. Ngoài ra, còn thông báo 2 khoản thu bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể với số tiền hơn 100.000 đồng/HS.

Khoản thu của trường Tiểu học thị trấn Phú Minh

"Quỹ sửa chữa lớn"

Trong vòng hai năm trở lại đây, nhiều tỉnh thành đã bỏ khoản thu tiền xây dựng trường trong hệ thống trường công lập theo quy định của Luật Giáo dục. Đối với TP Hà Nội thì 2009-2010 là năm học đầu tiên thực hiện quy định này. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng nghiêm túc chấp hành.

Theo phản ánh của một phụ huynh (xin giấu tên): trường Tiểu học Đông Hội, huyện Đông Anh năm học này vẫn thông báo thu tiền xây dựng là 20.000 đồng/HS. Phụ huynh này bức xúc cho biết: năm nào cũng thu tiền xây dựng, sửa chữa nhưng sân trường cứ có mưa là ngập mấy ngày mới rút hết nước; nhà vệ sinh thì bẩn thỉu, xuống cấp... Điều khiến dư luận lo ngại hơn lại chính là thay cho khoản đóng góp xây dựng trường, phụ huynh lại phải nộp những khoản khác "na ná" như vậy. Điều này dẫn tới thực tế, dù bỏ tiền xây dựng trường nhưng tổng số tiền mà phụ huynh phải nộp cho nhà trường không những không giảm đi mà còn cao hơn so với năm trước.

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) ngay từ khi thông báo tuyển sinh đã có "thư ngỏ" gửi các bậc phụ huynh khối lớp 1 và lớp 6 nhằm kêu gọi đóng góp cho "quỹ sửa chữa lớn" của trường với mức tiền từ 300.000 -500.000 đồng. Khoản thu này bị tố giác bởi những phụ huynh đã đóng góp đầy đủ nhưng đến gần khai giảng năm học mới thì lại bị "loại" ra một cách bất ngờ. Ngay sau đó, Sở GD-ĐT phải trực tiếp yêu cầu trường này trả lại số tiền trên cho tất cả phụ huynh HS khối lớp 1 và lớp 6, kể cả những HS đã được chính thức tiếp nhận vào trường.

Tương tự, trường Tiểu học thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) có khoản thu mang tên "tu sửa cơ sở vật chất" với hai mức: HS trong khu vực thị trấn là 60.000 đồng/HS/năm; HS ngoài khu vực thị trấn là 100.000 đồng/HS/năm.

Còn ở Nghệ An, do bỏ khoản tiền xây dựng từ 2 năm nay nên một số xã thông qua hội đồng nhân dân thay bằng một số khoản đóng góp khác do hội đồng quyết định. Ví dụ, mỗi HS không đóng tiền thì đóng công lao động xây dựng, tu bổ trường, mỗi năm 4-5 công, mỗi công vài chục nghìn đồng. Đóng như thế lại quá tiền xây dựng các năm trước!

Ngoài ra, những trường điểm ở TP Hà Nội còn có thêm khoản tiền tự nguyện đối với HS đầu cấp diện trái tuyến. Khoản tiền này cũng được lý giải là dùng để nâng cấp cơ sở vật chất của trường với mức đóng góp lên tới 500.000 - 1.000.000 đồng/HS. Khoản tiền này phụ huynh thậm chí phải nộp như một thủ tục bắt buộc trước khi nộp hồ sơ tuyển sinh mà không được nhận bất cứ chứng từ nào.

Những khoản thu mang tên: "quỹ sửa chữa lớn" hoặc "tu sửa cơ sở vật chất" như vậy... đều không hề được công khai sử dụng cụ thể ra sao. Trong khi đó, các trường thì vẫn phàn nàn về việc bỏ tiền xây dựng và vin vào đó biện minh cho những công trình trường học xuống cấp không hề được cải tạo. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh cho rằng: việc thu một khoản tiền xây dựng trường học theo một mức thống nhất sẽ tốt hơn bỏ khoản thu này, trong khi phụ huynh vẫn phải nộp một khoản khác do mỗi trường tự đặt ra. Hậu quả là không quản lý, giám sát được việc thu chi ra sao...

Nỗi niềm của phụ huynh

Tại trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4 (TP.HCM), chị Ánh Nguyệt - mẹ của một học sinh lớp 12 cho biết: "Tuy nhà trường chưa thông báo khoản thu đầu năm nào ngoài khoản học phí tháng 8 và 9, nhưng để con tôi ngồi vào lớp học với bạn bè nửa tháng nay tôi phải chạy khắp nơi để vay 2 triệu đồng sắm sửa cho con. Nào đồng phục, sách vở, cặp, bút viết... cái gì cũng phải mua mới. Sang tuần, khi cuộc họp phụ huynh đầu năm diễn ra, không biết sẽ phải đóng thêm bao nhiêu tiền nữa".

Đồng cảnh ngộ với chị Nguyệt, một phụ huynh có con học tại trường Mầm non T., Q.1, TP.HCM vừa mới đóng tiền học đầu năm cho con, kể: "Tuy ngày 7.9 các cháu mới vào năm học mới, nhưng nhà trường đã thông báo cho phụ huynh đóng trước tiền rồi. Ngoài các khoản như tiền học phí 250.000 đồng/tháng, cơ sở vật chất 600.000 đồng/năm, còn có các loại tiền khác như tiền ăn, vệ sinh phí, bán trú phí, thuê bảo mẫu đút ăn sáng... ngót nghét hơn 1 triệu đồng. Chưa kể các khoản tiền khác...".

Anh Sang, có con học tại trường THCS ở Q.3, TP.HCM than thở: "Vào năm học, sẽ có thêm nhiều khoản tiền lắt nhắt như: tiền tăng tiết, tiền học thêm, tiền ban đại diện cha mẹ học sinh vận động... đau đầu lắm".

Phi Loan

Sốc với giáo án điện tử

Chị N.T.H - phụ huynh của một học sinh trường Tiểu học P.T (Đà Nẵng) cho biết: năm học trước, khi con chị học lớp 1, cũng đã đóng 400.000 đồng trong số tiền đóng góp đầu năm để đầu tư trang thiết bị triển khai giáo án điện tử. Năm nay, con chị lên lớp 2, lại phải đóng thêm 300.000 đồng cho việc "tu sửa thiết bị" giáo án điện tử, cụ thể là do đèn chiếu của máy bị hỏng! Rất nhiều phụ huynh cảm thấy bực bội trước mức thu vô lý này, nhưng vì con em mình, đành nhắm mắt làm ngơ. Đa số các trường tiểu học điểm, lớn của TP Đà Nẵng đều có mục thu này, với phương thức kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp. Mức thu từ 150.000 đồng - 600.000 đồng/HS, là số tiền không nhỏ, bởi trong năm học mới phụ huynh đã phải đóng quá nhiều loại phí. Chưa kể, một số trường còn thu cả tiền sơn sửa lớp, kẻ bảng, tiền bổ sung trang thiết bị cho bán trú với số tiền từ 200.000đ - 300.000 đồng/HS, trong khi tiền xây dựng trường, tiền bán trú vẫn nộp đều đặn.

Diệu Hiền

Tiền "lớp xin thêm"

Chị Mỹ Linh có con học tại một trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia thuộc TP Cần Thơ cho hay: đầu tháng 8 nhà trường yêu cầu nộp 701.000 đồng. Phiếu thu đóng dấu treo lý do nộp thì để trống! Phụ huynh nào chậm nộp, chỗ học của con cháu mình sẽ khó được đảm bảo. Gần cuối tháng 8, giáo viên phụ trách lớp gửi từng cháu mang về một tờ giấy đánh máy trong đó yêu cầu phụ huynh nộp đầy đủ cho bé đồ dùng học tập và đồ dùng cá nhân. Hai khoản đồ dùng này có tổng cộng 15 mục. Mang tờ giấy kèm 15 mục đó đi mua sắm, chị Linh tốn thêm hơn 300.000 đồng nữa. Gia đình không mấy dư dả song vợ chồng chị Mỹ Linh vẫn cố bóp bụng lo cho con. Chị than thở và cho rằng trong mục đồ dùng học tập không biết trường yêu cầu nộp "100 tờ giấy trắng A4, 5 tờ giấy A3, 5 tờ giấy ép plastic, 1 bìa sơ mi có nút cài, 1 bìa sơ-mi lá..." để dùng vào những việc gì? Ngoài 15 mục bắt buộc nộp trong giấy thông báo, giáo viên còn viết tay phụ chú thêm một câu "1 chậu hoa để bàn ăn (lớp xin thêm)". "Tuy chỉ là phụ chú nhưng mà thiếu bình hoa thì chính con mình nó "làm giặc" mình chớ không phải nhà trường đâu, khổ lắm!" - chị Linh bức xúc.

Thụy Long

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.