Tầng ozone áo giáp mỏng manh của loài người

20/08/2009 10:24 GMT+7

(TNTT>) Tuy mỏng manh nhưng tầng ozone có vai trò vô cùng quan trọng với sự sống trên trái đất.

Vai trò của tầng ozone

Tầng ozone  là một lớp không khí trên bề mặt khí quyển trái đất, nơi tập trung một lượng lớn khí ozone (O3). Tầng khí quyển này hấp thụ 93-99% tia bức xạ có hại từ mặt trời. Vị trí tầng ozone ở ngay phía dưới tầng bình lưu và cách khoảng 10-50 km phía trên bề mặt trái đất, độ dày mỏng của nó có thể thay đổi theo mùa hay tùy vào vị trí địa lý.

Cho dù sự tập trung khí ozone (O3) ở tầng ozone rất nhỏ nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng vì khả năng hấp thụ về mặt sinh học những bức xạ có hại mà mặt trời phát ra.  Tia bức xạ UV mà mặt trời tỏa ra chia làm 3 loại: UV-A (400-315nm), UV-B (315-280nm), và UV-C (280-100 nm). Trong đó, UV-C rất có hại cho con người,  UV-B gây tác hại cho da và có thể gây tổn thương tế bào dẫn đến ung thư da. Tầng ozone đã giúp cản trở tia bức xạ UV-B và UV-C. Cường độ bức xạ UV-B trên bề mặt trái đất nhờ sự ngăn cản của tầng ozone trở nên yếu hơn tới 350 tỉ lần so với trên tầng khí quyển. Hầu hết tia UV-A chiếu được tới bề mặt trái đất, nhưng may mắn là tia sáng này ít gây hại cho sinh vật trên trái đất. Nếu không có sự cản trở bức xạ của tầng ozone, con người có thể dễ dàng bị mắc ung thư da, bệnh đục thủy tinh thể... Đồng thời, bức xạ UV-B cũng gây tác động xấu đến đa dạng sinh học do làm giảm số lượng sinh vật phù du trong các đại dương dẫn đến giảm số lượng các loài cá, ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài thực vật trên trái đất… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sinh thái và sự cân bằng sinh thái.

Bạn có thể làm gì để bảo vệ tầng ozone?

• Sử dụng những sản phẩm gia dụng có dán nhãn “Ozone-Friendly” (Không gây hại đến tầng ozone).
• Sử dụng những thiết bị có khả năng tái sử dụng chất làm lạnh.
• Không dùng những hợp chất cách điện làm từ CFC.
• Không có những hành động gây ô nhiễm không khí vì nó sẽ gây ảnh hưởng đến tầng ozone.
• Sử dụng phương tiện công cộng, hay đi xe đạp hoặc đi bộ để hạn chế việc thải khí ô nhiễm ra môi trường.

Tuy vậy, tầng ozone như một tấm lọc hoạt động hết sức thông minh và hiệu quả với khả năng ngăn mọi tia bức xạ có hại, nhưng lại cho những bức xạ có lợi, như ánh sáng và các loại bức xạ sóng ngắn khác nhau đến được trái đất.

Lỗ thủng trên tầng ozone

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tăng cường sản xuất và sử dụng chlorofluorocarbons (CFCs) trong các hóa chất diệt sâu bọ, trong công nghệ đông lạnh sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tầng ozone. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường hay cụ thể là ô nhiễm không khí cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đối với hệ thống khí ở tầng ozone. Đầu năm 1980, lần đầu tiên người ta đã quan sát thấy lỗ thủng tầng ozone trên khí quyển ở Nam Cực.

Khi tầng ozone bị tổn thương, khí ozone sẽ được giải phóng ra bề mặt trái đất nhiều hơn gây cản trở hô hấp. Bên cạnh đó, không có sự bảo vệ của lớp ozone, ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất với bức xạ cực lớn sẽ gây ảnh hưởng đến sự sống của toàn bộ sinh vật trên trái đất, làm tăng nhiệt độ trái đất, băng tan, hạn hán, mất mùa… và nhiều hiểm họa khác cho loài người.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tấm áo giáp mỏng manh nhưng không thể thiếu ấy, 191 nước đã ký tên vào công ước quốc tế Montréal để phòng chống sự biến đổi khí hậu kèm theo các cam kết về sản xuất trong công nghiệp để hạn chế việc thải ra không khí những chất gây phá hủy tầng ozone. (Theo ec.europa.eu)

Nguyễn Lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.