Tao ngộ cá hô

11/08/2009 10:15 GMT+7

(TNTT>) “Không phải ai có tiền cũng có thể nếm được thịt cá hô sông Vàm Nao, vì nó quá hiếm và ngon”, một thổ địa ở Hồng Ngự giảng giải.

Và cũng may, dự án Nuôi các loài cá quý hiếm bản địa sông Mê Kông như cá hô, bông lau... do Ủy hội sông Mê Kông và tổ chức Danida của Đan Mạch tài trợ từ năm 2000-2010, khá khả quan. Bằng chứng là những con cá hô thương phẩm từ 5 - 10kg/con, đang lội ngược về Sài Gòn.

Về “ổ” cá hô

 Được biết, sông Vàm Nao ở An Giang là nơi cá hô từ Biển Hồ, Campuchia thích bơi về sinh sống bởi nơi đây có nhiều phiêu sinh, và là vùng tiếp giáp hợp lưu sông Tiền - sông Hậu, tạo nên nhiều vực nước xoáy. Cùng họ và mang hình dáng tương tự cá chép, nhưng cá hô có thể đạt trọng lượng trên 100kg/con.

Từ đầu thế kỷ hai mươi, trên con sông này đã hình thành nghề bắt cá hô, do những ngư dân nghèo địa phương khởi xướng. Nghề này rất cực, nhưng khi lưới ngư phủ quấn được vài con thì đã đủ sắm vài lượng vàng. Tiếc thay, lượng cá hô về sông Cửu Long hiếm dần trong vài năm gần đây. Hiện nay, gần như vắng bóng chúng. Song không ít người đang hy vọng vào mùa lũ năm nay, sẽ có nhiều nguồn cá hô vượt biên sang. Cũng có người bàn ra, vì Trung Quốc ngăn dòng Mê Kông làm thủy điện quá nhiều, cá biết đường đâu mò về “ổ” cũ.

 
Theo ghi nhận của một đồng nghiệp thường trú tại An Giang, từ năm 2002 đến nay đã vắng bóng những con cá hô nặng trên 100kg, ở khúc sông Vàm Nao. Và con cá lớn nhất được bắt gần đây nặng 153 kg, bởi ngư dân Huỳnh Văn Hổ, ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang, hồi tháng 2-2004.

Vào website diendancauca.com, nghe ngư dân Năm Thứ, ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang tả lại cảm giác “mừng hết lớn” khi bắt được cá hô nặng trên 150kg thật thú vị: "Chiều tối ra kéo lưới tui thấy lưới nặng trình trịch, nước sông thì cứ sủi bọt ục ục. Đây là dấu hiệu dính cá lớn. Ráng sức kéo lưới thì trời đất ơi, một con cá hô đã bị ngạt nước bất tỉnh lớn hơn cả chiếc xuồng đang nằm phềng bụng. Tui vừa mừng vừa khóc, lớ ngớ một hồi mới tỉnh hồn la làng cho người ta tới “tiếp”, lấy dây thừng xỏ qua mang cá đem lên bờ. Cả đêm đó không chợp mắt nổi". Tuy nhiên cảm giác này đến với anh Năm Thứ từ năm 1980.

Ngon đã đời!

 
Trở lại chuyện xuất cá hô thương phẩm, thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi, chủ nhiệm dự án thuần dưỡng và nuôi cá hô thương phẩm, ở Cái Bè, Tiền Giang nói: “Cá hô nuôi đạt trọng lượng từ 10 ký trở lên là có thể bán thương phẩm, nuôi lớn quá không có ao hồ nào chứa nổi nó”.

Bàn về những bộ phận ngon “nhất trần đời” của con cá hô cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng bong bóng cá này (con cỡ trên 60kg), mới là số một.

Anh Năm Thứ tả: “Cái bong bóng cá dày cui như miếng thịt dừa, xào trộn giấm và thêm bông cải khi ăn sựn sựt, dai dai mà giòn ngon không thể tả. Thứ này mà nhâm nhi với rượu nóng là hết muốn rời bàn nhậu”. Cũng có người cho rằng phần môi, mắt, má cá còn tuyệt hơn, chúng vừa giòn sừn sựt vừa béo, ngon đến độ “ngậm mà nghe”. Và phần đầu cá thường được nấu lẩu hoặc nấu ngót.

Thịt cá hô tươi nguyên da đem phi lê nhúng mẻ, cũng ngon “nhứt răng” chứ không phải đùa. Ấn tượng nhất là phần da cá nở xòe ra như những cánh hoa hàm tiếu, rất giòn và béo. Nhưng đây là vị béo gây ghiền chứ không ngậy như mỡ cá ba sa.

Thịt cá thơm, ngọt và chắc, đem chấm ít nước mắm ngon giầm ớt hiểm thì sướng như... tiên!  Khi cá gần cạn đĩa, thì tới màn húp nước hoặc chan bún. Nước mẻ chua thanh, được dung hòa với ít chuối chát, khế xắt mỏng và nước ngọt của cá tươi thêm béo, bùi và thơm hơn gấp bội. Nếu dư dả, bạn có thể làm món cá hô kho tiêu với nước cơm gạo thơm đãi cho người thân nhớ đời.

Tại TP.HCM, đầu bếp nhà hàng Hàng Dương, ở Q.7, đang thuận tay với những món vừa kể, giá 50.000 đồng/100g. Song bạn cần lưu ý: thịt cá hô đen luôn ngon hơn cá hô hoa cà.

Tấn Tới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.