Emily Bronte cô độc nơi Đỉnh gió hú

07/08/2009 10:44 GMT+7

(TNTT>) Hơn một thế kỷ nay, văn đàn thế giới vẫn nhắc đến chị em nhà Bronte và để lại dấu ấn sâu đậm nhất không phải là Charlotte Bronte với Jane Eyre mà chính là Emily Bronte cùng tác phẩm được xem là một viên kim cương trong kho tàng văn học Anh: Đồi gió hú (Wuthering Heigts).

Gia đình của những “tài hoa bạc mệnh”

Emily sinh năm 1818 là em gái của Charlotte Bronte và là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Ngay từ khi còn nhỏ, Emily đã phải sống trong bầu không khí tang tóc và u ám từ những cái chết của người thân xung quanh bà. Lên 3 tuổi, Emily để tang mẹ. Hai chị gái của bà cũng chết khi ở độ tuổi 10-11. Anh cả Branwell đầy tài năng cũng không sống được qua tuổi thanh xuân. Một năm sau khi Emily mất ở tuổi 30 thì Anne, em gái bà cũng ra đi. Ngay cả Charlotte, người được xem là khỏe mạnh nhất trong nhà cũng không qua được tuổi 40. Cha họ, sau khi sống để chôn cất tất cả các con thì một năm sau ông qua đời. Có lẽ bị ảnh hưởng bởi cái chết của những người xung quanh nên những nhân vật trong Đồi gió hú của Emily cũng chỉ sống được những cuộc đời ngắn ngủi.

Năm 1824, gia đình Emily chuyển tới sống tại vùng Haworth, Yorkshire, nơi cha bà làm mục sư. Ngôi nhà của gia đình trông ra nghĩa trang xứ đạo và sau lưng là một ngọn đồi cô quạnh lộng gió. Là một người sống khép kín, Emily thường đứng trên ngọn đồi này để nhìn ra  bao quanh mình là những dải đồng hoang tiêu điều của miền Bắc nước Anh - bối cảnh để Emily xây dựng nên tiểu thuyết độc nhất của bà.

Mẹ mất sớm, cha là người đàn ông sống lặng lẽ, cô độc, nhà ở một nơi vắng vẻ, quạnh hiu nên chị em nhà Bronte thường trốn vào thế giới văn chương, làm bạn với William Shakespeare, John  Milton, Kinh thánh, cùng dệt nên những câu chuyện tưởng tượng về một thế giới hoang đường để giao tiếp với nhau.

Đồi gió hú và mối tình mạnh hơn cả cái chết

Năm 1846, Emily cùng Charlotte và Anne cho ra mắt tập thơ đầu tiên, dưới 3 bút danh là Currer Bell, Ellis Bell và Action Bell. Thời đó, việc phụ nữ viết văn, làm thơ là điều khó được chấp nhận nên họ phải dùng những bút danh đàn ông, tuy nhiên họ cũng giữ lại được những chữ cái đầu ở tên của mình. Cũng với bút danh Ellis Bell, vào năm 1847, tiểu thuyết Đồi gió hú của Emily được xuất bản.

Tên của tiểu thuyết bắt nguồn từ một trang viên nằm trên vùng đồng cỏ hoang dã ở Yorkshire nơi những sự kiện trong tiểu thuyết diễn ra. Wuthering là một từ Yorkshire được dùng để chỉ thời tiết thất thường (turbulent weather). Truyện mở ra một khung cảnh hoang dại, thê lương của miền Bắc nước Anh cuối thế kỷ XVIII, khi giá trị kinh tế, xã hội đang dần thay đổi, khi những người đàn ông vẫn nắm vai trò như ông chủ trong gia đình. Nội dung kể về mối tình đam mê, mãnh liệt nhưng đầy tuyệt vọng của Catherine Earnshaw, cô gái nổi loạn của gia đình Earnshaw và Heathcliff, gã đàn ông xù xì, dữ tính được nhà Earnshaw mang về nuôi từ bé, và đi suốt chiều dài của quyển sách là nỗi đam mê ái tình đã hủy hoại chính 2 con người này cùng những người xung quanh họ. Trong cuộc bầu chọn những câu chuyện tình đẹp nhất mọi thời đại ở Anh năm 2007, chuyện tình của Catherine và Heathcliff đã đứng đầu, trên cả chuyện tình Romeo-Juliet của Shakespeare (thứ 2), chuyện tình giữa Elizabeth và Darcy  trong Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen (thứ 3).

Dù hiện nay, Đồi gió hú được xem là tác phẩm kinh điển của văn học Anh, nhưng khi mới xuất hiện, nó đã chịu rất nhiều phản ứng trái ngược từ giới phê bình bởi tính chất dữ dội, sự mô tả khắc nghiệt, tàn nhẫn, không có lấy chút ánh sáng, chút thiện tâm, không một chút không khí ngọt lành để người ta có thể ngừng lại một chút, hít thở cho đầy phổi trước khi chìm vào những thù hận, định kiến, tham vọng khiến con người trở nên méo mó, biến dạng. Những điều ấy, chuẩn mực Victoria không thể nào chấp nhận nổi.

Tuy nhiên, tác phẩm khi đã ra đời thì số phận của nó cũng không còn do tác giả quyết định nữa. Mặc những lời chỉ trích khen chê, 1 năm sau ngày sách xuất bản, Emily từ biệt chốn khổ ải để đi về với thế giới của riêng bà. Trong lần tái bản lần 2 năm 1850, Charlotte đã nói thay cho em mình rằng: “Về tính quê mùa của Đồi gió hú tôi thừa nhận lời kết tội đó vì tôi cảm thấy đó là chất. Nó quê mùa từ đầu đến đuôi. Nó đầy chất đồng hoang, man dại, và xù xì như rễ cây thạch nam. Mà nếu như nó khác đi thì đâm mất tự nhiên, vì chính tác giả là một kẻ sinh ra và được nuôi lớn lên ở đồng hoang. Hẳn nhiên, ví như số phận đặt cô ở thành thị, thì những trước tác của cô - nếu cô theo đòi nghiệp văn chương ắt đã có một tính cách khác”.

Hoài Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.