Những phát kiến từ ước mơ

25/07/2009 15:57 GMT+7

VUETA, đèn tiết kiệm điện rồi đến “Đường bay vàng” đã làm nên tên tuổi của cựu trung tá phi công Mai Trọng Tuấn. Nghe đọc bài

15 tuổi, Mai Trọng Tuấn đã trở thành chiến sĩ Sư đoàn 320 thời kháng Pháp. Lính bộ binh, bị thương, được đưa về điều trị nhưng dáng vóc cộng với sự thông minh, nhanh nhẹn đã cho người lính trẻ măng ấy một cơ hội: học lái máy bay! Câu chuyện về ông cứ loay hoay trong buổi sáng vì cái tính đãng trí thời gian và cả sự cẩn trọng của người lớn tuổi khi suốt phần đầu của cuộc phỏng vấn, ông cứ nói một chút lại ngập ngừng: “Điều này không thể nói ra được, sao cô cứ hỏi để tôi phải nói?”.

Đời phi công và dấu ấn VUETA

* Ông đã bay được bao nhiêu giờ rồi, trong đời làm phi công của mình?

- Không nhớ hết được, có lẽ vài ngàn giờ. Tôi lái máy bay vận tải chở khách và vẫn tại ngũ. Khi buộc phải rời buồng lái máy bay năm 1983, tôi đã là trung tá QĐND Việt Nam.

Tôi tin chắc rằng vô luận như thế nào sớm muộn việc khai thác này cũng sẽ được thực hiện. Đó là tất yếu khách quan và đó cũng là đòi hỏi cấp bách. Càng để chậm thì càng khó khăn, để càng lâu thì cơ sở vật chất sẽ hư hỏng. Đời chúng ta không làm thì đời con cháu chúng ta sẽ làm và như vậy thế hệ sau sẽ càng khó khăn hơn gấp bội, đất nước sẽ xa lạ với thế giới bên ngoài...

(Trích lời của ông Mai Trọng Tuấn viết trong dự án VUETA vào năm 1982)
* Chuyến bay nào bây giờ đã là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt mấy ngàn giờ bay của ông ngày trước?

- (Im lặng rất lâu) Tôi khó nói quá, tôi cũng không nhớ nữa. Lâu lắm rồi còn gì? Tôi đã từng bay những chuyến bay quan trọng trong chiến tranh như khi đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Quảng Bình, đưa Đại tướng Văn Tiến Dũng vào vĩ tuyến 17. Hay như chuyến bay đi cứu dân trong nạn cháy rừng ở Điện Biên mà không có đài tín hiệu bay, tôi đã nhận lời bay, và tôi vẫn xuống được.

* Tại sao ông lại ngừng bay vào năm 1983? Có phải vì vấn đề sức khỏe?

- Sau khi viết dự án VUETA (Vietnam Union Export Tourism Airport) gửi đi khắp nơi và được công bố thì tôi bị kiểm điểm và được lệnh ngừng bay. Dù tôi đã được ông Tố Hữu viết thư, ông Trường Chinh, ông Võ Nguyên Giáp, ông Mai Chí Thọ, ông Nguyễn Hữu Thọ gọi ra nói chuyện, lắng nghe và chia sẻ...

* Vừa lướt qua 5 luận cứ cơ bản VUETA, tôi muốn hỏi ông ngay một câu, sao ông lại nói “Tôi tiếc sân bay Tân Sơn Nhất lắm”?

- Sau năm 1975, các sân bay gần như không hoạt động. Một ngày 3 chuyến Hà Nội – Sài Gòn là hết. Mua một cái vé hàng không lúc đó ngang bằng trúng số. Vì nó hiếm. Sân bay Tân Sơn Nhất tại sao người ta lại đi trồng sả nhỉ? Tôi ngạc nhiên lắm! Tại sao báo chí thời đó lại ca ngợi giám đốc sân bay sáng đến 4 giờ đôn đốc anh em phơi cá khô và thả bò? Nhà nước thì tặng thưởng cho sân bay Tân Sơn Nhất vì có thành tích trong việc trồng sả cất tinh dầu? Tại sao lại tồn tại những chuyện khó tin đó?

 Bản in dự án VUETA năm 1983 - Ảnh: do Cát khuê chụp lại

Bản in dự án VUETA năm 1983 - Ảnh: do Cát khuê chụp lại

* Được biết, tháng 10.1982, thời điểm 4 trang giấy viết tay là tiền đề cho dự án VUETA của ông đến tay Trung ương, đã có yêu cầu thẩm định nội dung báo cáo Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Điều đó có tạo thuận lợi để ông tiếp tục viết dự án không?

- Thời điểm đó rất mệt. Nhiều người còn quân hàm cao cấp hơn tôi đã quát lên: Đồng chí viết những thứ này làm gì? Với mục đích gì? Tôi nghĩ họ sai, tôi quyết tâm viết lại dự án cho chặt chẽ. Tôi được anh em làm báo dẫn đến nhà in, in ban đêm. Dàn trang xong rồi in đến chiều hôm sau tôi có được các bản in trong tay. Tất cả là 400 cuốn. Tôi gửi đến thành phố, đến các lãnh đạo Trung ương. Cấp trên của tôi ra lệnh thu hồi hết kể cả bản nháp. 3 bản án kỷ luật tôi đã nhận thời kỳ đó do gửi dự án vượt cấp, người ta còn định khai trừ tôi ra khỏi Đảng. Cho đến năm 1992, tôi mới được thừa nhận một cách không chính thức, khi hàng không tách khỏi quân đội, trong buổi khai trương tôi là khách mời, được phát biểu đầu tiên. Bởi vì tôi đã nêu ra trong VUETA là hàng không phải được dân sự hóa, kinh tế hóa...

Suy nghĩ trước thời đại

* Những trải nghiệm cuộc sống và nghề nghiệp, đó có phải cũng chính là nền tảng cho dự án “Đường bay vàng” đang xôn xao dư luận, thưa ông?

- Thời điểm viết VUETA đã có “Đường bay vàng” rồi bạn ạ. Bằng kinh nghiệm bay tôi biết đường nào ngắn hơn, bằng sự tính toán tôi biết đường bay nào rẻ hơn.

* Sẽ có rất nhiều người thắc mắc như tôi, là tại sao ông lại luôn có những phát kiến mới mẻ, và không ngần ngại nói ra, cụ thể hóa những phát kiến đó rồi cố gắng để nó đến được tay những người có trách nhiệm... Có những lý do rất đơn giản nào, từ phía ông? Nó xuất phát từ ước mơ, hay từ sự thúc bách của cuộc sống?

Ông Mai Trọng Tuấn sinh năm 1938, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nhập ngũ năm 1953, vào Đảng năm 1955, đi học lái máy bay năm 1958. Trở thành phi công lái chính năm 1962 với trình độ lái 4 khí tượng (ngày, đêm, thời tiết tốt và xấu). Ông là tác giả của luận cứ VUETA cùng nhiều phát minh có bản quyền như đèn compact tiết kiệm điện, bãi để xe di động, thẻ xanh FIFA và đặc biệt dự án “Đường bay vàng” đang gây xôn xao dư luận hiện nay.

- Từ ước mơ, từ cuộc sống, từ khó khăn. Tôi nằm ở Quảng Châu (Trung Quốc), trời thì lạnh, không ngủ được, nhìn cái bóng đèn tiết kiệm điện của nước bạn, tôi nghĩ sao mình cứ thắp bóng đèn tròn, tốn điện quá! Hay nạn kẹt xe của thành phố, không có chỗ để xe, tôi nghĩ đến những nhà xe di động đặt ở các điểm đất trống, nhiều tầng, tháo lắp di chuyển dễ dàng. Rồi tôi đọc báo, nghe đài thấy người miền Bắc gieo mạ mùa đông chết hết. Mà thời điểm đó ở miền Trung đang mát mẻ. Thuở nhỏ tôi sống với bà ngoại, còn nhớ mọi người gieo mạ trong nhà, dư mạ liền gánh ra chợ bán. Vậy tại sao mùa đông không để miền Trung gánh hộ miền Bắc phần mạ, một chuyến tàu thôi là đủ cấy cho cả miền? Tôi đã làm thí điểm ở Hợp tác xã Mai Đình, Sóc Sơn (Hà Nội) đó. Năm vừa rồi họ trúng mùa lớn ngay... Nói thì bạn đừng nghĩ tôi... điên, tôi còn mới nhận được thư của FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới) về phát kiến dùng thẻ xanh – không tính là phạt nhưng có tính chất nhắc nhở trước thẻ vàng mà tôi gửi cho họ đấy. Phát kiến này cũng được đưa lên trang web chính thức của FIFA.

***

Lỗ Tấn đã từng nói: “Thế gian vốn không có đường, người ta đi mãi mà thành đường”. Còn Karl Marx nói: “Mâu thuẫn là động lực của phát triển”. Hai câu này thật đúng với trường hợp của ông Mai Trọng Tuấn. Hình ảnh và những suy nghĩ đi trước thời gian của ông phần nào giống ông Kim Ngọc với khoán 10 nổi tiếng xưa kia. Cũng vậy, suy nghĩ của ông Tuấn giản dị như cái gốc nhà nông của ông. Trông trời, trông đất, trông mây... thì rút ra kinh nghiệm. Nhìn mọi cái và đặt dấu hỏi để tìm lời giải. Bay vào đến Sài Gòn, tự nhủ tại sao khác miền Bắc, sông và đất không có đê? Tại sao người mặc áo mưa lại đi ngược chiều người không mặc áo mưa... Ông Tuấn còn là một người rất hay quên ngày tháng nếu đột ngột bị ngắt mạch hồi tưởng, nhưng lại rất nhớ những con số liên quan đến các dự án trong đầu, các kinh độ - vĩ độ, các điểm khí tượng, và đặc biệt là những kỷ niệm thời thơ ấu. Những phát kiến đến giản dị như vậy, như ước mơ đi tìm lời giải từ câu hỏi ngỏ: “Tại sao không...?”. 

Lê Thị Thái Hòa
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.