Báo động về môi trường sống

21/07/2009 17:53 GMT+7

Những năm gần đây, VN đứng trước mối nguy từ nhiều dịch bệnh như: tiêu chảy cấp, SARS, cúm gia cầm..., và gần đây nhất là cúm A/H1N1. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất ở trẻ em VN xếp vào loại cao nhất thế giới.

Chưa có thói quen rửa tay

Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho hay, tại VN, cùng với tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh yếu kém, việc chưa có thói quen rửa tay là một trong những nguyên nhân làm gia tăng một số bệnh: tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán. Mỗi năm tại VN, hàng triệu lượt người mắc các bệnh liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, cúm, nhiễm giun sán... Đặc biệt, hai năm gần đây, từng bùng phát dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả với cả ngàn người mắc bệnh.

Một điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy: tỷ lệ người dân nhiễm giun đũa còn rất cao, có những vùng tới 60-80% dân số nhiễm giun đũa. Khoảng hơn 80% số người nhiễm giun có từ 2 loại giun trở lên. Lứa tuổi nhiễm giun cao nhất là trẻ em từ 5-9 tuổi. Đây là nguyên nhân quan trọng gây suy dinh dưỡng, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Bình quân, cứ 10 con giun đũa một ngày “tiêu thụ” hết 3g proteine nguyên chất (tương đương khoảng 20g thịt bò). Hiện tại, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn chiếm khoảng trên 20%.

Cần thiết có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng, đặc biệt vào những thời điểm quan trọng như: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn và sau khi chăm sóc trẻ.

Vệ sinh bàn tay là thói quen rất quan trọng để phòng lây nhiễm các bệnh, vì bàn tay là nguồn chứa nhiều loại mầm bệnh. Mỗi cm2 bề mặt da của cơ thể chứa tới hàng chục ngàn vi khuẩn có khả năng gây bệnh; đặc biệt, số lượng này còn nhiều hơn tại vùng da bàn tay. Tính trên cả bàn tay, có khoảng 200 triệu mầm bệnh, hỗn tạp nhiều loại. Chúng có thể đến từ môi trường, từ việc tiếp xúc với người có bệnh hoặc mang mầm bệnh (như bắt tay, ôm hôn...).

“Vắc-xin” tự chế

Bàn tay bẩn được xem là nguyên nhân quan trọng gây lây lan nhiều bệnh như: bệnh đường tiêu hóa, bệnh về da (trong đó có mụn trứng cá), dị ứng, bệnh hen, nhiễm nấm, bệnh cúm... Trên ngón cái có khoảng 500 ngàn - 50 triệu mầm bệnh sinh học/cm2; có 800 ngàn - 17 triệu mầm bệnh sinh học/cm2 da ngón trỏ. Bề mặt da các ngón khác chứa 100 -700 ngàn mầm bệnh sinh học/cm2. Ở da lòng bàn tay và mu bàn tay thì có khoảng 1.000 mầm bệnh sinh học/cm2. “Cộng đồng” các mầm bệnh này chủ yếu là các tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn (gây viêm mủ vết thương, viêm mủ ở da), các vi sinh vật gây bệnh khác như: bệnh thương hàn, tả, lỵ, nấm, cúm, Herpes, giun sán...; đặc biệt có nhiều ở dưới móng tay.

Do “nhiệm vụ” đặc thù, hằng ngày bàn tay con người phải tiếp xúc với rất nhiều đồ vật, vật dụng và với những “địa điểm” có nguy cơ chứa mầm bệnh cao, khiến cho bề mặt da bàn tay có lượng vi khuẩn gây bệnh cao hơn nhiều so với bề mặt da trên cơ thể. Vì vậy, nếu không vệ sinh sạch sẽ, bàn tay sẽ là “cầu nối” đưa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua sinh hoạt hằng ngày. Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường, các chuyên gia đã ước tính: chỉ một động tác rửa tay sạch đã giúp làm giảm đến 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Shigella - nguyên nhân gây tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay sạch có thể giúp làm giảm tới 47% nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu chảy, giảm 19-45% nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Với vai trò phòng bệnh quan trọng như thế, rửa tay sạch được xem là liều vắc-xin tự chế có hiệu quả cao, giúp cứu sống hàng triệu người.

“Môi trường sống và vệ sinh cá nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Có tới 10/26 bệnh truyền nhiễm gây dịch liên quan trực tiếp đến môi trường nước và vệ sinh cá nhân. Thời gian gần đây, trong nước xuất hiện một số dịch bệnh: tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả ở phía Bắc, sốt xuất huyết ở phía Nam, cúm A/H1N1, các vụ ngộ độc thực phẩm tại một số địa phương. Dịch bệnh gia tăng do thói quen trong sinh hoạt chưa hợp vệ sinh: dùng phân tươi tưới rau; sử dụng hố xí chưa đúng tiêu chuẩn. Tình trạng này khiến mầm bệnh xâm nhập nguồn nước. Người dân sử dụng nước chưa đảm bảo nên nhiễm bệnh. Vệ sinh cá nhân chưa tốt: không rửa tay sạch, ăn thực phẩm không đảm bảo (thức ăn tái, sống) cũng là nguyên nhân quan trọng khiến dịch bệnh lây lan trong cộng đồng” - Ông TRẦN ĐẮC PHU, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.