Giống lúa của ĐBSCL trên đất Tây Phi

19/07/2009 23:08 GMT+7

Một số giống lúa ngắn ngày của ĐBSCL đã một lần nữa khẳng định ưu thế của mình trên đất phía tây châu Phi, đem đến một triển vọng an toàn lương thực cho châu lục nổi tiếng về thiếu ăn, nghèo khổ, và chiến tranh nồi da xáo thịt này.

1. Qua chuyến công tác tháng 7.2009 này tại Liberia và Nigeria, tôi và đại diện một số nhà kinh doanh VN đã thấy tận mắt những viên chức và nhiều nông dân địa phương hết sức phấn khởi khi thấy lúa VN phát triển rất tốt tại địa phương họ. Trên nông trại Omega nằm cách xa thủ đô Monrovia của nước Liberia khoảng 30 km, 2 giống lúa OM4900 và OM5199 do anh nông dân Cao Văn Đỏ (ở nhà thường gọi là Bàn) ở xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh đem qua đây ngày 1.3.2009 để trồng thử, đang phát triển rất khá. Gốc rạ của giống OM3536 vừa gặt mấy ngày trước vẫn còn đó, năng suất tính ra là 4,26 tấn/ha. Mấy giống này sang đây trở nên dài ngày hơn ở VN khoảng 2 tuần lễ, nhưng theo chuẩn ở Tây Phi này thì lúa của ta vẫn ngắn ngày hơn cả tháng.

Chuyện của anh nông dân Bàn sang Liberia rất là đơn giản: nông trại Omega gắn liền với nhà hàng ăn uống Golden Beach của anh Ngô Văn Chương, Giám đốc Công ty Vạn Kim, một nhà doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt ở California. Anh Chương thấy cần sản xuất một số nông sản VN để phục vụ cho nhà hàng của mình nên đã nhờ bạn bè tìm giùm người nông dân Việt sang giúp. Thế là anh Trần Lý Phong, Giám đốc Công ty địa ốc Valva cũng ở California, bạn thân của anh Chương, nhân dịp về thăm quê nhà ở Trà Vinh, đã thuyết phục được anh Bàn, người bà con bên ngoại, để đi sang Liberia. Công ty ADC ở Cần Thơ đã tham gia tài trợ để việc trồng thử giống lúa VN trên đất Liberia có thể tiến hành thuận tiện. Anh Bàn mặc dù không nói được tiếng Anh, nhưng đã ra tay ra chân điều khiển 6 người nông dân Liberia để trồng 3 giống lúa trên diện tích khoảng 2 hecta. Không may lắm là vùng đất này là đất cát pha thịt (như đất Đức Hòa, Long An) thích hợp trồng màu hơn là lúa, nên việc tưới nước quá tốn kém. Tuy vậy lúa OM3536 đạt được 4,26 tấn/ha như vậy là một cố gắng lớn. Hai giống còn lại đang được thu hoạch khi tôi rời Liberia để sang Nigeria nên không nắm chính xác năng suất, nhưng nhìn mã lúa thì cũng có thể ước đạt trên 4 tấn/ha.

2. Nhà hàng Golden Beach của anh Chương có thể là nhà hàng ăn uống Việt và Tàu ngon nhất ở thủ đô Monrovia nên có nhiều quan chức của chính quyền Liberia đến ăn. Bà đương kim tổng thống cũng đã đến 2 lần. Trong số bạn quen anh Chương đã mời Thượng nghị sĩ John A.Ballout đến ăn cơm với đoàn chúng tôi. Tôi báo cáo kết quả lúa VN trồng trên đất Liberia như vậy là rất đáng phấn khởi, bước đầu xác định được kỹ thuật trồng lúa của VN tại đây có thể giúp Liberia trở lại vị trí nông nghiệp của mình trước khi có chiến tranh tàn khốc. Cũng nên biết là tương đương với Viện lúa IRRI tại Philippines, quốc tế đã lập ra Trung tâm WARDA tại Liberia để nghiên cứu lúa cho cả lục địa Tây Phi. Nhưng vì chiến tranh nên WARDA phải rút đi sang Cote d'Ivoire và sau đó lại chạy sang Benin cho đến nay. Thượng nghị sĩ Ballout mới hỏi tôi làm thế nào để triển khai kết quả này cho nhanh như VN được, vì theo kinh nghiệm của Phi châu, các tổ chức quốc tế đã đổ tiền vào đây quá nhiều nhưng vẫn chưa có kết quả nào thật sự giúp cho người nông dân nghèo và đói cả? Tôi kể lại chuyện phát triển lúa của VN ngoài điều kiện Nhà nước phải có chính sách thật sự khuyến khích nông dân, thì tại ĐBSCL, nơi sản xuất thặng dư lúa gạo cung ứng cho xuất khẩu, nông dân đã tiếp cận khoa học kỹ thuật trực tiếp từ hoạt động khuyến nông. Trong thời kỳ khuyến nông của Nhà nước chưa có, thì sự đóng góp của hàng ngàn sinh viên nông nghiệp của trường ĐH Cần Thơ, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư của họ, đã góp phần quan trọng cho sự thành công của cây lúa VN. Sinh viên được học môn Khoa học cây lúa, nhuần nhuyễn lý thuyết và thực hành về cây lúa, sau đó một số lớn sinh viên được giao đề tài ứng dụng giống lúa mới trên đồng ruộng với nông dân khắp các tỉnh miền Tây. Đồng thời lúc ấy Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi tưới lúa, và mạng lưới bảo vệ thực vật cho cây lúa. Cho nên cây lúa VN đã phát triển nhanh như thế.

"Các viên chức chính quyền cấp tiểu bang và cấp địa phương đều cùng có mặt tham quan các giống lúa. Mọi người rất phấn khởi thấy lúa VN phát triển rất tốt. Mấy bác nông dân Nigeria ở gần đấy nói là chưa bao giờ thấy cây lúa tốt như thế cả".

Nghe đến đây, Thượng nghị sĩ Ballout đã có một quyết định rất bất ngờ: Ông yêu cầu chúng tôi dành chút thì giờ gặp Bộ Nông nghiệp và trường ĐH Liberia. Và ông tức khắc dùng điện thoại gọi ngay TS Emmet Dennis, Hiệu trưởng ĐH Liberia để gặp chúng tôi lúc 10 giờ sáng ngày hôm sau, và bà Bộ trưởng Nông nghiệp, nhưng bà ấy lại cử ông Boikai Sirleaf, quyền Bộ trưởng để gặp chúng tôi vào 11 giờ sáng. Sau đó mọi người cùng thượng nghị sĩ với chúng tôi đến thăm lúa đang trổ tại trang trại Omega. Đài truyền hình Liberia đã cử phóng viên ghi nhận các hoạt động trong cả ngày này và phát lên đài ngay trong tối hôm đó. Qua yêu cầu của khoa Nông Lâm nghiệp của ĐH Liberia, ông hiệu trưởng đã chính thức yêu cầu nhóm chuyên gia VN giúp đỡ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo sinh viên chuyên ngành cây lúa như đã làm tại ĐH Cần Thơ trước đây, để từ đó nông dân Liberia sẽ được chuyển giao kỹ thuật một cách trực tiếp để họ có thể tự sản xuất cho mình. Ông tin rằng đây là cách làm đầu tiên như thế trên cả lục địa Phi châu, và nếu VN giúp đỡ thì chắc chắn thành công. Ý tưởng này chỉ xảy ra 2 ngày trước bài diễn văn quan trọng của Tổng thống Mỹ B.Obama đọc tại Ghana để nhắc nhở các chính phủ châu Phi. Chúng tôi thấy rằng cơ sở cũ của WARDA hiện nay do khoa Nông Lâm ĐH Liberia quản lý, nhưng chưa sử dụng làm gì cả ngoài việc họ cho một đoàn nông nghiệp Trung Quốc trồng thử nghiệm một số cây trồng cạn như ớt và cà. Chính phủ Trung Quốc cũng đang xây 5 tòa nhà cao 5 tầng tặng cho ĐH Liberia để làm cơ sở mới, thay cơ sở cũ đã bị tàn phá.

3. Sang Nigeria, tôi chủ yếu thăm các thí nghiệm giống lúa ĐBSCL do Công ty VAADCO thực hiện với sự cộng tác của chính quyền tiểu bang Enugu. Đây là bước đầu tiên trước khi hai bên quyết định cùng đầu tư để sản xuất 10.000 ha lúa cao sản cho Enugu. Chính quyền ở đây đã được quốc tế viện trợ nhiều trong phát triển nông nghiệp nhưng kết quả đến nay vẫn chưa đến được nông dân. Trong thời gian thăm thí nghiệm, lúa đã vào giai đoạn sắp có đòng. Các viên chức chính quyền cấp tiểu bang và cấp địa phương đều cùng có mặt tham quan các giống lúa. Mọi người rất phấn khởi thấy lúa VN phát triển rất tốt, trừ 3 thửa ruộng bị cào lớp đất mặt trong quá trình san bằng đất, lúa có hiện tượng bị độc vì sắt. Mấy bác nông dân Nigeria ở gần đấy đã nói là chưa bao giờ thấy cây lúa tốt như thế cả. Hai cán bộ VN của VAADCO, một kỹ sư nông học, một công nhân nông nghiệp, đã thực hiện thí nghiệm này với sự hỗ trợ của một số nông dân Nigeria.

GS Võ Tòng Xuân
(từ Lagos, Nigeria)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.