“Đại bàng” trại giam

23/06/2009 10:42 GMT+7

Vừa ở tù ra, đã phạm vào tội khác. Khi đang bị tạm giam chờ xét xử, phạm thêm tội mới nghiêm trọng hơn, là tội giết người. Điều gì khiến bị cáo liên tục phạm tội như thế?

Bùi Văn Kim Trọng (SN 1990) co chân đạp vào ngực T.Đ.Đ:

- Vì sao mày đòi giết ông K.?

- Thì nhìn mặt ổng thấy ghét, khó ưa.

Nghe Đ. trả lời, Trọng tiếp tục lấy thế nhảy lên đạp mạnh vào vùng cổ của Đ. khiến Đ. bị đập đầu xuống nền gạch, trợn mắt và co giật toàn thân. Thấy vậy, các can phạm cùng phòng la lên, báo cho cán bộ quản giáo biết để đưa Đ. đi cấp cứu. Nhưng quá muộn, Đ. đã chết trước khi nhập viện.

Đó là nội dung tóm tắt về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đ. theo cáo trạng. Tuy nhiên, qua lời khai của bị cáo, nhân chứng và gia đình bị hại, thực tế còn tàn bạo và đáng sợ hơn.

Do có hành vi phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác, ngày 1-5-2008, Trọng bị bắt giữ và tạm giam tại phòng giam số 7 thuộc nhà tạm giữ Công an quận Bình Thạnh - TPHCM cùng 24 can phạm vị thành niên khác, trong đó có Đ. (SN 1991). Từng bị kết án 2 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản, khi vào phòng này, Trọng “nghiễm nhiên” được xếp ngồi "mâm trên" (như Trọng thừa nhận, đó là luật lệ có từ trước).

Bất chấp nội quy của trại tạm giữ, các can phạm "mâm trên" tự cho mình quyền quản lý phòng giam, chia đồ ăn, sai bảo những người "mâm dưới" làm việc, phục vụ cho "mâm trên". Và dĩ nhiên có quyền ra tay “dạy bảo” nếu "mâm dưới" không phục tùng.

Buổi trưa ngày xảy ra vụ án (26-5-2008), Đ. đã bị Trọng “dợt” qua vài đường quyền vì kiểu trả lời không đầu không cuối khi đàn anh hỏi thăm. Chiều đó, Đ. xích mích dẫn đến đánh nhau với hai can phạm khác. Thấy vậy, Trọng ra lệnh cho Đ. và can phạm tên C. đánh tay đôi, còn mình cùng những người trong phòng đứng ngoài cổ vũ.

Không còn lần sau nếu...

Không biết mẹ Trọng nghĩ gì về lời luận tội và mức án chung thân dành cho con trai? Nói chuyện với chúng tôi, bà cúi đầu gượng gạo: “Tôi cũng đã cố nhưng mà không thể làm gì được. Hôm nay đi dự tòa như vầy coi như mất 40.000 đồng tiền làm công...”. Có vẻ như bà đã quá quen với cảnh Trọng phạm tội và phải ra tòa nên chai lì cảm xúc? Hay vì nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày đã lấn át nỗi đau xót khi con bị kết án chung thân?

Trước khi bị dẫn đi, Trọng bình tĩnh quay xuống nhìn lướt qua gương mặt của người thân rồi rảo bước. Không một lời nhắn gửi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vì nghèo mà gia đình lại tiếp tục bỏ mặc Trọng trong trại giam? Tôi nhớ đến lời nói của vị chủ tọa: “Nếu bị cáo không thay đổi để sống tốt hơn, sẽ không còn lần sau để làm lại cuộc đời nữa đâu”, tự nhiên thấy bất an. Hành vi của Trọng đáng bị lên án. Nhưng như người ta thường nói, hoàn cảnh sống tạo nên tính cách con người và tính cách quyết định số phận. Mà Trọng thì...  

Xem chán, Trọng lệnh cho hai kẻ vừa đánh nhau sứt đầu mẻ trán phải... hôn nhau thắm thiết. Đ. tỏ ý không chịu, bị Trọng đánh đá vào mặt, ngực. Đến khi nghe những can phạm khác kể chuyện Đ. có ý định lấy khăn mặt ướt đắp lên mặt can phạm N.V.K cho chết (vì hay bị người này la mắng), Trọng gọi Đ. đến ngồi đối diện, bắt những can phạm "mâm dưới" quay mặt vô tường rồi ra tay đánh đấm dã man nạn nhân...

Có mặt tại tòa với tư cách đại diện hợp pháp của bị hại, mẹ của Đ. kể vợ chồng bà chỉ có một mình Đ. Nhà nghèo, Đ. kiếm sống bằng nghề thợ hồ và rất siêng năng làm việc. Lần này, vì đi theo bạn bè mà Đ. phạm tội cướp tài sản.

Cứ nghĩ, sai lầm lần đầu tiên trong đời sẽ là bài học để con biết sửa mình, sống tốt hơn. Có ngờ đâu, mới bị giam giữ chưa bao lâu đã phải chết dưới tay "đại bàng". “Mỗi lần lên thăm nuôi, tôi gửi cho con hai hộp phô mai, hai chai trà xanh không độ, nửa ký thịt kho. Nhưng vừa gửi xong, nó lại xin thêm... Chắc là bị mấy đứa "mâm trên" giành hết. Chỉ khi xảy ra chuyện này, tôi mới biết... Nhìn xác con mà đau lòng... ”- mẹ của Đ. ứa nước mắt. Vợ chồng họ yêu cầu bồi thường chi phí mai táng 25 triệu đồng, ngoài ra không yêu cầu gì thêm vì “dù sao con tôi cũng chết rồi, gia đình nó cũng quá nghèo, có đòi cũng được gì đâu”.

Quả như vậy, mẹ Trọng cũng không biết phải làm sao để có được số tiền này. “Cha nó chết sớm, một mình tôi nuôi 4 đứa con sinh năm một. Làm mướn cho người ta, bữa có bữa không, căn nhà cứ thế mà bán lần bán hồi, giờ chỉ còn một góc nhỏ xíu. Vụ trước (cố ý gây thương tích), người ta đòi 10 triệu đồng, tôi chạy vạy khắp nơi cũng chỉ được có 1 triệu đồng, đến nay vẫn phải đóng tiền lời. Nó ở tù lần này, tôi cũng không có tiền thăm nuôi, coi như bỏ nó rồi...”- bà thanh minh.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư nói bị cáo có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình. Mới 11 - 12 tuổi, đã phải làm phụ hồ, làm thợ sơn để nuôi thân. Vừa qua tuổi 14, nghe theo bạn bè, bị cáo vướng vào con đường tội phạm. Thế nhưng ở tù về, bị cáo vẫn không nhận được sự giám sát, quản lý của gia đình để rồi lại phạm tội. Trong vụ án này, câu trả lời có vẻ thách thức của Đ. cũng góp phần vào hành động của bị cáo. Vì muốn chứng tỏ quyền lực, bị cáo ra tay đánh dằn mặt chứ  không có ý định cướp đi sinh mạng của Đ. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, có nơi, có lúc trong trại tạm giam vẫn còn tồn tại nạn "đại bàng", phân chia "mâm trên", "mâm dưới". Nếu sự quản lý của cán bộ quản giáo lỏng lẻo, thiếu biện pháp răn đe cứng rắn, kịp thời ắt khó tránh khỏi những chuyện đau lòng như thế.

Vị đại diện VKSND TPHCM vẫn giữ nguyên đề nghị của mình về mức án chung thân dành cho Trọng. Bà nói, dù bị cáo không chuẩn bị hung khí hay dự mưu trước nhưng vô cớ đánh chết Đ. thì hành vi đó mang tính chất côn đồ. Cùng hoàn cảnh bị tạm giam, cùng độ tuổi nhưng bị cáo tự cho mình ngồi cao hơn rồi xử lý những can phạm khác dù pháp luật vẫn còn chưa xét xử họ. Hiện tượng “đại bàng” trong trại giam gây bức xúc, bất an trong xã hội nên cần phải xử lý thật nghiêm...

Theo Tố Trâm / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.