Môi trường đầu tư: Ta làm khó... mình!

01/06/2009 23:42 GMT+7

Thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cơ sở hạ tầng... tiếp tục là các vấn đề được mổ xẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ở TP.HCM ngày 1.6 (chuẩn bị cho Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ).

Cần chú trọng "cơ sở hạ tầng mềm"

Chủ tịch Phòng Thương mại châu u Alain Cany hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong gói cải cách thuế hiện thời của năm 2009. Tuy nhiên, ông đã nêu một ví dụ về chính sách thuế bất cập có thể làm cho Việt Nam kém hấp dẫn với nhà ĐTNN: Mức độ khấu trừ đối với các khoản chi phí quảng cáo và khuyến mại trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 10% lên 15% tổng chi phí vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ông Thomas Siebert, cảnh báo: "Trong tình hình vốn ĐTNN trực tiếp (FDI) vào Việt Nam suy giảm trong những tháng đầu năm 2009, điều cần lưu ý là các dự án FDI chất lượng cao sẽ đến các nước có điều kiện thuận lợi nhất. Những bất cập kéo dài, chậm sửa đổi ảnh hưởng bất lợi tới sự cạnh tranh của Việt Nam. Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các DN và các nhà đầu tư, để cùng giải quyết khó khăn của họ". Theo ông, cải cách hành chính là điều quan trọng nhất để nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam.

Theo ông Ashok Sud, đại diện Nhóm công tác ngân hàng (WB), Điều 128 của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sẽ được trình Quốc hội vào tháng 9 năm nay quy định ngân hàng nước ngoài có 2 chi nhánh tại Việt Nam chỉ được cho một khách hàng vay tối đa là 4,5 triệu USD. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu không chỉ tới việc cung cấp tài chính cho các dự án FDI và các doanh nghiệp (DN) nước ngoài lớn vào Việt Nam, mà còn tác dụng ngược đối với các DN Việt Nam và các dự án hạ tầng đang tìm kiếm vốn nước ngoài để phát triển. "Chúng tôi xin khẩn thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Quốc hội xem xét vấn đề rất chính yếu này", Ashok Sud bày tỏ.

"Cải tiến luật và quy định không đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng làm cho môi trường đầu tư ở Việt Nam cải thiện rất đáng kể. Chúng ta có thể đạt được những thắng lợi nhanh chóng về mặt thủ tục hải quan, nơi vẫn còn áp dụng 100% kiểm tra thực tế, và Việt Nam còn là một trong số rất ít các nước trên thế giới chưa tiến hành cho phép thông quan trước khi hàng đến", ông Alain Cany nhấn mạnh khi đề cập đến những vấn đề được ông gọi là "cơ sở hạ tầng mềm".

Việc chậm cải thiện các hạn chế về pháp luật, thủ tục - theo nhiều nhà đầu tư - chính là một trong những cách "ta làm khó mình" mà Việt Nam đang gặp phải khi cạnh tranh thu hút vốn FDI.

"Cơ sở hạ tầng cứng" chậm cải thiện

Nhiều nhà đầu tư Mỹ chỉ ra tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu dịch vụ hậu cần là điểm yếu nhận thấy rõ nhất của Việt Nam, đặc biệt là điện năng, cảng biển và cơ sở hạ tầng liền kề cảng như cầu đường.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Huệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hàng hải Việt Nam, cho biết, trong quý IV/2009, dự án quốc lộ 51 dài 72 km, 6 làn đường sẽ được khởi công, tổng vốn đầu tư lên 2.000 tỉ đồng, sẽ giải tỏa áp lực xe container trên quốc lộ 51 hiện tại.

Ngoài ra, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng sẽ được khởi công trong quý III/2009 với 4 làn đường; tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 68 km nối liền các khu công nghiệp chính ở tỉnh Đồng Nai với cảng nước sâu, khởi công vào năm 2011, kinh phí 7.000 tỉ đồng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN: Tôi đã thấy những dấu hiệu hồi phục

Tôi cho rằng gói kích cầu lần I của Việt Nam đã được thực thi khá thành công và là cơ sở để triển khai hiệu quả gói kích cầu lần II. Tôi đã thấy những dấu hiệu hồi phục. Chính phủ Việt Nam đã điều hành tốt nền kinh tế trong nửa đầu năm. Nửa năm còn lại của 2009, Chính phủ Việt Nam phải theo dõi những chỉ số tăng trưởng theo sự tiến triển của nền kinh tế một cách cẩn thận. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phải được quan tâm một cách thiết thực, tránh lãng phí, đồng thời phải triển khai hiệu quả các dự án ODA hơn trong thời gian tới.

Ông Thomas Siebert - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham): Nên là trung tâm kinh doanh và hậu cần của ASEAN

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nên hướng ngoại nhiều hơn, và xem xét cách thức để nâng vai trò của Việt Nam trở thành một trung tâm kinh doanh và hậu cần không chỉ của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, mà còn của cả khu vực ASEAN.

 N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.