Nguy cơ bùng phát chiến tranh Triều Tiên

28/05/2009 00:41 GMT+7

Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ chiến tranh sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn với Hàn Quốc.

CHDCND Triều Tiên hôm 27.5 lần đầu tiên đơn phương tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn đạt được thời chiến tranh Triều Tiên sau khi Hàn Quốc quyết định gia nhập Sáng kiến phòng ngừa phổ biến vũ khí hàng loạt (PSI) do Mỹ chủ trì. 

Bất chấp sức ép từ quốc tế, Bình Nhưỡng cho hay không còn bảo đảm sự an toàn của tàu quân sự hoặc dân sự của Mỹ và Hàn Quốc di chuyển tại bờ tây nước này. KCNA dẫn thông báo của Ủy ban Quân đội thường trực của miền Bắc khẳng định chính Mỹ và Hàn Quốc đã buộc CHDCND Triều Tiên có bước đi gay gắt như trên và từ đó đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình thế nguy hiểm. 

“Như đã tuyên bố trước thế giới, các lực lượng cách mạng của chúng tôi sẽ xem việc Hàn Quốc gia nhập PSI là lời tuyên chiến chống lại CHDCND Triều Tiên”, theo KCNA dẫn thông báo từ Bình Nhưỡng. “Các bên cố tình khiêu khích chúng tôi sẽ đối mặt với sự trừng phạt không thương tiếc”.

Theo lập luận của miền Bắc, điều khoản của PSI vi phạm hoàn toàn thỏa thuận ngừng bắn với miền Nam, vốn nghiêm cấm bất cứ nỗ lực chặn tàu của các bên di chuyển trong khu vực. Được Mỹ thành lập vào năm 2003, PSI cho phép các nước tham gia (khoảng 90 thành viên) có quyền chặn và bắt giữ tàu hoặc máy bay bị nghi ngờ đang chuyên chở vũ khí hủy diệt hàng loạt.

KCNA nêu rõ, với sự vi phạm rõ ràng của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên sẽ không còn buộc phải tuân theo thỏa thuận trên và bán đảo Triều Tiên sẽ trở về tình trạng chiến tranh một khi thỏa thuận mất hiệu lực. Do đó, CHDCND Triều Tiên không còn bảo đảm sự an toàn của tàu bè Hàn Quốc và Mỹ qua lại dọc theo giới tuyến liên Triều trên biển tại Hoàng Hải. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng cảnh báo sẽ trả đũa thích đáng bằng quân sự trước bất cứ hành động thù địch nào dù nhỏ nhoi nhằm vào nước này, trong đó có việc ngăn chặn tàu bè của miền Bắc. 

“Quốc gia hạt nhân”

Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào năm 1950 đã tạm ngừng theo sau thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào năm 1953, sau 2 năm đàm phán dai dẳng. Giới tư lệnh quân sự Trung Quốc và miền Bắc ký vào một bên, và Mỹ đại diện LHQ ký vào bên còn lại. Vì đây không phải là hiệp định hòa bình nên bán đảo Triều Tiên từ đó đến nay vẫn ở trong tình trạng ngừng chiến tạm thời. (Theo BBC)

Bên cạnh tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn liên Triều, miền Bắc đã bắt đầu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon, theo Yonhap hôm 27.5. Những diễn biến mới nhất tại bán đảo Triều Tiên cho thấy CHDCND Triều Tiên đã liên tục đẩy nhanh các biện pháp gây áp lực buộc quốc tế phải công nhận nước này là quốc gia hạt nhân. 

Dựa trên những thông tin chứng tỏ CHDCND Triều Tiên đã thử thành công thiết bị hạt nhân có sức công phá gấp nhiều lần vụ thử năm 2006, một số cựu quan chức của chính quyền Mỹ và các nhà phân tích độc lập nhận xét Bình Nhưỡng đã cải thiện đáng kể công nghệ hạt nhân, theo AP. Có vẻ CHDCND Triều Tiên đang tiến gần đến khả năng sở hữu cả đầu đạn hạt nhân và tên lửa có tầm bắn tới Mỹ. 

Vào tháng 4, tên lửa được cho là mang vệ tinh của Bình Nhưỡng đã vượt qua quãng đường 3.000 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Vụ thử hạt nhân sau đó 1 tháng đã chứng tỏ rằng thiết kế về cơ bản của đầu đạn hạt nhân hoạt động bình thường, hãng tin AP dẫn lời ông Charles Vick, chuyên gia tên lửa đang làm việc cho trang web GlobalSecurity.org. Theo chuyên gia Vick, thách thức kế tiếp của CHDCND Triều Tiên là giảm trọng lượng thiết bị hạt nhân còn phân nửa và kết hợp vào đầu đạn của tên lửa.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.