Góp ý sửa đổi các luật về xây dựng cơ bản: Nhẹ thủ tục, nặng chế tài

12/05/2009 00:10 GMT+7

Chiều 11.5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM - cho biết Luật sửa đổi nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), như là một giải pháp tình thế khi chưa có điều kiện sửa đổi đồng bộ các luật liên quan. Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB (gọi tắt là Luật sửa đổi, gồm Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường và điều 170 Luật Doanh nghiệp). Luật sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5 (diễn ra trong tháng 5.2009).

Phản biện độc lập trước khi đầu tư

Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - cho rằng thời gian qua, nhiều công trình đầu tư sử dụng vốn ngân sách hoạt động kém hiệu quả là do cơ quan ra quyết định đầu tư không lấy ý kiến phản biện hoặc chỉ phản biện hình thức. Do đó, ông Sanh đề nghị nên đưa việc lấy ý kiến phản biện độc lập trở thành một bước bắt buộc trước khi quyết định đầu tư các dự án quy mô lớn, mang tính cộng đồng. 

Nếu lấy ý kiến phản biện rộng rãi sẽ ngăn chặn được tình trạng hàng trăm nhà đầu tư chiếm đất làm sân golf mà thực chất để kinh doanh bất động sản; hoặc các công trình chợ, trạm xá, cầu... khi xây xong không có người sử dụng

Ông Phan Phùng Sanh

Từ thực tế những dự án chậm trễ tiến độ thời gian qua, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Toàn đề xuất nên bổ sung trượt giá vào các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình vì đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các công trình trọng điểm thời gian qua, trong đó có tình trạng trượt giá do biến động giá nguyên vật liệu, nhân công và trượt giá do biến động tỷ giá ở các dự án sử dụng vốn vay ODA. Theo ông Trần Thanh Hà - Phó TGĐ Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - hiện nay Luật Xây dựng quy định tính toán trượt giá ngay từ bước lập dự án đầu tư là không hợp lý, trong khi ở các nước trên thế giới, giá dự toán được áp theo giá tại thời điểm lập dự án, sau đó trong quá trình thi công nếu giá nhân công, vật liệu tăng đến đâu thì điều chỉnh đến đó.

Nhằm đơn giản thủ tục hành chính, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở Xây dựng - đề xuất nên bỏ bước duyệt thiết kế cơ sở đối với các dự án có vốn ngoài ngân sách. Theo ông Hiệp, với các dự án tư nhân thì người quyết định đầu tư đồng thời là chủ đầu tư, do đó chỉ nên duy trì bước thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Nếu thực hiện được điều này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đầu tư và thúc đẩy các dự án có vốn ngoài ngân sách, vốn tư nhân.

Lấn cấn đấu thầu và chỉ định thầu

Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi là các nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài trong khi lao động trong nước có đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu gói thầu sẽ bị chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Bàn về việc đấu thầu trong xây dựng thời gian qua, ông Phan Phùng Sanh cho rằng nhiều trường hợp nhà thầu cố tình bỏ giá thấp để trúng thầu, sau đó tìm cách hạ thấp chất lượng công trình hoặc "vẽ” ra nhiều khoản phát sinh. Ông Sanh đề xuất nên thiên về hình thức chỉ định thầu "chìa khóa trao tay" hoặc "xây dựng và chuyển giao". Các hình thức này chọn lọc kỹ những nhà thầu đủ năng lực, đơn giản hóa thủ tục, thời gian thi công nhanh bởi ràng buộc thưởng - phạt khi sai hợp đồng... Ông Trang Bảo Sơn - Phó trưởng Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm - cho rằng luật nên phân định rõ các trường hợp nào có thể, nên hoặc cần chỉ định thầu. Chẳng hạn, khoản 3, điều 20 Luật Đấu thầu quy định: "Trước khi thực hiện chỉ định thầu..., phải đảm bảo áp dụng hình thức chỉ định thầu là hiệu quả hơn đấu thầu". Quy định này chẳng khác nào đánh đố chủ đầu tư, vì khi đã chỉ định thầu thì không tiến hành đấu thầu, nên không có căn cứ để so sánh. 

Ông Lê Toàn đề xuất trong các trường hợp cắt hợp đồng với nhà thầu thi công bê bối thì nên cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với phần khối lượng công việc còn lại của công trình. Thời gian qua, nhiều nhà thầu thuộc các dự án Vệ sinh môi trường, Cải thiện môi trường nước... thi công ì ạch nhưng chủ đầu tư không thể cắt hợp đồng do không kham nổi chi phí và thời gian phát sinh khi phải đấu thầu lại. 

Phương Thanh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.