Chuyển đổi giới tính: Lời trần tình từ thế giới thứ ba

07/05/2009 03:05 GMT+7

(TNTS) Thế giới thứ ba ám chỉ những người không thuộc về phái nam hay nữ luôn thiệt thòi trong việc định dạng bản ngã của mình trước cộng đồng. >> Cindy Thái Tài: Tuổi thơ không bình yên

Người đồng tính ở Việt Nam

Tại Việt Nam không cấm chuyện quan hệ tình dục đồng tính nhưng Luật Hôn nhân Gia đình không cho phép 2 người đồng giới lấy nhau. Ngày 7.4.1997, một đám cưới đồng tính nam được tổ chức tại TP.HCM với 100 khách mời, bị người dân phản đối.

Tiếp đến, ngày 7.3.1998, hai người nữ khác cũng tổ chức đám cưới tại Vĩnh Long gây xôn xao dư luận. Sau những đám cưới “trái chiều” này, Quốc hội chính thức ra đạo luật cấm hôn nhân đồng tính ký vào tháng 6.1998. Năm 2008, Chính phủ ban hành nghị định xác định lại giới tính với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hay giới tính chưa định hình rõ ràng. Tuy nhiên những người này lại không phải là người đồng tính.

Chưa có con số thống kê chính xác về người đồng tính tại Việt Nam nhưng theo Tổ chức phi chính phủ Care thì có khoảng từ 70.000 đến 120.000 người đồng tính tại Việt Nam. Đây là con số chưa chính xác vì theo số liệu thống kê của y học thì người đồng tính chiếm khoảng 1 đến 2% dân số. Con số này luôn bất biến qua suốt hàng triệu năm tiến hóa của loài người. Nhìn chung thái độ của người Việt Nam luôn kỳ thị những người thuộc thế giới thứ ba hoặc ít ra là phớt lờ hoặc không quan tâm.

Hành vi âu yếm, quan hệ tình dục đồng giới luôn được xem là bệnh hoạn, ghê tởm. Nhiều bậc cha mẹ giận dữ tột đỉnh hay thậm chí từ bỏ con khi biết con bị đồng tính. Mặc dù vậy, đến nay, xã hội đã có cái nhìn “thoáng” hơn về chuyện này. Năm 2007, một thăm dò của trường ĐH Sư phạm TP.HCM với câu hỏi “người đồng tính có xấu không?” đã nhận đến 80% câu trả lời từ sinh viên là: “không”. Phần lớn người dân chưa hiểu biết nhiều và đúng về đồng tính luyến ái. Nhiều người không phân biệt được những khái niệm: người đồng tính luyến ái, người chuyển đổi giới tính, hay người lưỡng tính mặc dù đây là những khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Trong cộng đồng để dễ hiểu người ta gọi đồng tính nam thích ăn mặc như nữ là bóng lộ, đồng tính nam nhưng vẻ bên ngoài như đàn ông thực thụ là bóng kín hay gay (theo tiếng Anh) và đồng tính nữ là ô môi (phiên âm từ homosexual) hay les (lesbian). Sự kỳ thị của cộng đồng không chỉ làm cho cuộc sống của chính những người đồng tính rất khó khăn mà còn có thể làm ảnh hưởng đến cả tương lai của họ.

Các chuyên gia tư vấn tâm lý nói rằng đa số những người đồng tính thường có tâm trạng hoang mang, cô độc. Điều này có thể dẫn đến nguy hiểm. Họ có thể sa sút tinh thần, mang thái độ bướng bỉnh, thường xuyên ám ảnh ý định tự sát. Bên cạnh đó, vì lo sợ xã hội kỳ thị, nhiều người đồng tính nam đã lập gia đình với phụ nữ và sinh con, tuy nhiên họ không cảm thấy hạnh phúc và gây ra đau khổ cho chính người vợ của mình. Ngoài ra, vì không được xã hội công nhận, người đồng tính thường giấu mình. Mà như vậy càng làm tăng khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Cuộc sống người đồng tính

Tùy mức độ công khai và được gia đình, xã hội chấp nhận mà người đồng tính có thể tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp. Đa số người đồng tính hay chuyển đổi giới tính đều có khả năng về nghệ thuật. Họ có thể là diễn viên, người mẫu, nhà thiết kế thời trang, ca sĩ, nhạc sĩ, chuyên gia trang điểm, thậm chí cả nhà báo… hoặc đơn giản là một doanh nhân thành công. Hiện tại Việt Nam đã có những người đồng tính nam công khai giới tính lên mặt báo như nhà văn Phạm Thành Trung, nhạc sĩ Thái Thịnh, chuyên gia làm đẹp Nguyễn Hùng… Một số người đã qua phẫu thuật đổi giới tính như ca sĩ Cindy Thái Tài, Cát Tuyền.

Đó là những người có chút tiếng tăm, còn lại đa số thuộc thế giới thứ ba hoặc giấu kín thân phận mình hoặc công khai nhưng chấp nhận cái nhìn khắt khe của xã hội. Ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay đã có một số câu lạc bộ dành cho người đồng tính. Phần đông người đồng tính nam (bóng lộ) thích biểu diễn ca nhạc nhưng do không đủ điều kiện nên chỉ xuất hiện tại những đám cưới, đám tang khi thân chủ có yêu cầu hoặc đôi khi “tự nguyện” biểu diễn. Họ rất say mê diễn xuất và kích thích óc tò mò của các đấng mày râu bằng việc khoe những cặp “núi đôi khủng” hay vòng eo thon thả, đôi bờ vai trần gợi cảm như phụ nữ.

 
Các người mẫu thuộc thế giới thứ ba trong một show diễn. Ảnh: DN

Họ diễn đủ trò từ múa lửa, đội đèn đến lắc vòng, phun lửa, ca cổ, cải lương, rock, rap… Tại những show diễn trong khu phố bình dân, họ ăn mặc lòe loẹt, trang điểm thật đậm, rồi chọc cười khán giả một cách tự phát, kệch cỡm, thô tục. Một số khác tại Hà Nội và TP.HCM thì chọn cách thể hiện cao cấp hơn, bê nguyên mẫu lối trình diễn của giới chuyển đổi giới tính Thái Lan lên sân khấu.

Một số phận

Nhìn ca sĩ kiêm người mẫu Hạ Vy cao 1m70, chân thẳng tắp, gương mặt đẹp thanh tú, chẳng ai ngờ 4 năm trước, cô chính là chàng thanh niên tên Hải. Gia đình chỉ có duy nhất Hải là con trai nên ba mẹ thật sự bị sốc khi nghe Hải tuyên bố muốn chuyển đổi giới tính, nếu không sẽ tự tử! Bao trận đòn roi, ba Hải vẫn không thể lay chuyển được con, cuối cùng gia đình đành gạt nước mắt để Hải bay sang Thái Lan giải phẫu.

Lần đi đó đã thật sự thay đổi cuộc đời của chàng thanh niên để rồi sau gần nửa tháng nơi xứ người, Hải vụt biến thành cô gái mang tên Hạ Vy. “Cuộc sống tôi từ nhỏ đến lớn chỉ là buồn với buồn”, Hạ Vy tâm sự. Lần chuyển đổi đó đã làm Vy đau đớn tột cùng thể xác. Mổ xong, nằm một mình nơi xứ người trong khách sạn, máu từ vết thương ra lênh láng, may là người bạn kịp đưa cô vào bệnh viện cấp cứu, mổ lại vết thương. “Cha mẹ không hiểu được tâm lý, suy nghĩ của tôi. Ba chỉ nói: “Tụi bây muốn như vậy lắm để làm trò cười cho thiên hạ”. Tôi quá đau buồn.

Từ nhỏ tôi sống trong thân xác con trai mà tâm hồn lại là đứa con gái. Tôi làm gì tội lỗi khi sinh ra đã không như mọi người?”. Hạ Vy từng là sinh viên ĐH Mở TP.HCM khoa Đông Nam Á nhưng rồi phải rời trường vì không chịu nổi sự xa cách của gia đình, bạn bè. Ba mẹ luôn đuổi Vy ra khỏi nhà. “Bà ngoại là người thông cảm và thương tôi thật sự nên luôn khuyên răn ba mẹ đừng mắng chửi. Ba từng đánh tôi thừa sống thiếu chết.

Những lần như thế tôi phải bỏ nhà ra đi nhưng rồi không thể sống xa ba mẹ, nhất là ngoại. Chỉ có ngoại là người duy nhất hiểu tôi, còn bà con phía nội đều xa lánh, khinh bỉ tôi”. Chuyện đổi giới tính như là một sự đánh đổi, một cuộc “phục sinh” thật sự của Hạ Vy. Chi phí tốn hết 10.000 USD, về đến sân bay Tân Sơn Nhất trong túi Vy còn đúng 80.000 đồng! “Nhờ vậy mà nó có cơ hội đi diễn, đi hát để kiếm tiền trả nợ chứ thân phận như vậy vẫn mang tên con trai ai mà nhận vào công ty làm”, bà ngoại Vy thổ lộ.

Dưới ánh đèn màu rực rỡ, trong bộ đầm dạ hội lấp lánh ánh màu, Hạ Vy như sống đúng với bản năng, với con người mình. Cô trân trọng từng giây từng phút đó dù phải đánh đổi bằng không ít nỗi buồn. Hạ Vy cũng có một tình yêu đẹp nhưng rồi cô buộc phải chối từ vì không muốn làm người mình yêu đau khổ. Hạ Vy chấp nhận chia tay để sống một mình giữa cuộc đời này vì cô biết rõ mình không thể mang lại hạnh phúc cho chồng bằng những đứa con…

Cuộc đời Hạ Vy được Võ Anh Cẩn quay thành phim tài liệu Hành trình cãi mụ, nhận giải khuyến khích tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2008.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.