Chinh phục Phanxipăng mùa khô hanh

25/04/2009 15:11 GMT+7

Tọa lạc trên độ cao 1.500m ở sườn đông dãy Hoàng Liên Sơn, Sa Pa - cửa ngõ của Phanxipăng - mùa mưa kéo dài gần như quanh năm: mưa rào do gió đông nam thổi từ biển vào, mưa sụt sùi rả rích với gió mùa đông bắc...

Người leo núi Phanxipăng luôn đối đầu với những trận mưa như trút nước hay những đợt mưa rét như cắt thịt. Để chuyến chinh phục Phanxipăng thành công phải chọn thời tiết tốt. Đó là giai đoạn thời tiết ít biến động và nhiệt độ không quá thấp. Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 4 và từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10 luôn được các nhà leo núi quan tâm.

Đợi gió mùa đông bắc

Nhóm chín người chúng tôi khởi hành từ Sa Pa. “Hai tháng 3 và 4 là thời điểm khô hanh do gió Ô Quy Hồ, một loại gió tây trên cao thổi từ sườn tây Hoàng Liên Sơn vượt qua đèo Trạm Tôn xuống sườn đông trong đó có Sa Pa. Gió khô không thua gì gió Lào, tuy nhiên không nóng lắm vì ảnh hưởng của độ cao của địa hình” - anh Trương Hoàng Phương, giám đốc tiếp thị Công ty Vietmark, cho biết.

Thông lệ khoảng hai tuần liên tục khô hanh thì vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn buộc phải đóng cửa rừng đề phòng hỏa hoạn. Phải đợi một đợt gió mùa đông bắc mạnh thổi về tạo những cơn mưa thấm đất, đất rừng ẩm trở lại mới bảo đảm an toàn cho rừng và du khách. Chuyến chinh phục Phanxipăng của chúng tôi đã có phần thuận lợi khi gió mùa đông bắc về, Hoàng Liên Sơn ẩm ướt hơn.

Sa Pa lúc này thời tiết ấm và dày đặc mây mù. Chúng tôi chọn đoạn đường có độ khó trung bình để chinh phục Phanxipăng là Sín Chải - Trạm Tôn trong hành trình ba ngày hai đêm. Hành trình này không quá mất sức nhưng vẫn chinh phục được những thử thách vốn có của đường Sín Chải.

Leo vách núi Phanxipăng - Ảnh: H.P.

Phanxipăng cho mọi người

Đường Sín Chải nổi tiếng với những con dốc dài liên tục, những vách đá cheo leo... Nhưng có lẽ đây chính là ma lực hấp dẫn du khách. Nhóm chúng tôi từng bước đi ngược những khe suối hẹp khô nước, leo những vách núi đầy rễ cây... Mọi thứ đều khô ráo. Đất sét vàng với lớp mùn đen khá dày bên trên không nhão nhoẹt và nhầy nhụa như nhiều bài viết chúng tôi tham khảo trước chuyến đi. Rêu và địa y phủ đầy thân cây như mặc áo cho cây - một loại áo nham nhám và mát rượi chứ không sũng nước như nhiều tháng khác.

Càng lên cao hoa đỗ quyên càng đẹp. Loại cây thân gỗ này mọc trên các sườn núi cao; khi vươn thẳng hiên ngang, khi ngả nghiêng và ngoằn ngoèo trên sườn núi lộng gió. Hoa đỗ quyên bằng nắm tay trẻ con, màu hồng nhạt hoặc đỏ đậm treo đầy trên tán lá.

Bữa tối giữa rừng núi Phanxipăng - Ảnh: Hữu Thông

Thử thách lớn nhất của đoàn là vượt qua một vách đá cao khoảng 20m bằng dây thừng. Vách đá trơn tuột phẳng lì, chỉ có vài dúm cỏ nhỏ mọc trong các khe nứt vừa vặn bàn chân. Hai tay cầm chắc dây, hai chân bấm trên vách đá. Nhịp nhàng chân bước tìm một vị trí chắc chắn trên vách núi, chuyển lực sang chân, tay thu nhẹ dây. Được sự hướng dẫn chu đáo của anh Tuấn - hướng dẫn viên leo núi, chúng tôi đã vượt qua khó khăn tưởng chừng phải lùi bước.

Ở độ cao trên 3.000m không khí loãng hơn, đi dăm bước cả nhóm phải dừng lại để thở. Anh Trương Hoàng Phương luôn động viên chúng tôi bằng những con số độ cao hiển thị trên GPS: “Còn 80m nữa... còn 60m nữa...”. Cuối cùng, đỉnh Phanxipăng 3.143m đã nằm dưới chân chúng tôi lúc 14g30 ngày 4-3-2009. Cả nhóm không kềm được xúc động: la hét, nhảy múa và cùng ôm tháp trụ inox chụp ảnh trong tiếng gió hú và cờ Tổ quốc bay phần phật.

... Đêm thứ hai, chúng tôi quây quần trong lán ở độ cao 2.228m với bữa ăn tối có các món thịt tươi do nhóm bạn trẻ khuân vác người Mông chuẩn bị. Lán dựng trên một sườn núi trống trải, gió bần bật suốt đêm như muốn thổi bay những chiếc lều nhỏ bé. Anh hướng dẫn viên căn dặn: tuyệt đối không đốt lửa ngoài trời vì tàn lửa có thể là nguyên nhân cháy rừng.

... Đêm cuối cùng với núi rừng Phanxipăng trước ngày về xuôi thật sự ấn tượng: giấc ngủ dường như mơ mộng hơn với bầu trời đầy sao và tiếng gió núi rít đầy bí ẩn.

Theo Hoàng Trí / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.