Những con tê giác cuối cùng đang bị đe dọa

24/04/2009 23:28 GMT+7

Thạc sĩ Phạm Hữu Khánh, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQGCT), cảnh báo: 3-5 cá thể tê giác một sừng sinh sống tại đây đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Cách đây 10 năm, các chuyên gia bảo vệ môi trường và động vật hoang dã thế giới đã chụp được hình tê giác tại rừng Cát Lộc, VQGCT. Thông tin này gây chấn động giới nghiên cứu bảo tồn động vật thế giới vì tê giác được xếp ở mức rất nguy cấp. Thế nhưng, trong một hội thảo khoa học về tê giác (tổ chức tại Đồng Nai) gần đây, các chuyên gia nhận định: “Tê giác Việt Nam bị stress do tác động quá lớn của các khu vực dân cư trong vùng. Người dân và kể cả kiểm lâm đi lại trong vùng bảo tồn; tiếng ồn từ máy cắt cỏ, xe máy... làm tê giác luôn tìm cách trốn tránh con người mà quên đi việc sinh sản”. Xin nói thêm, tê giác là loài sinh sản ít nhất trong các loài thú lớn và mỗi đời tê giác mẹ - trong điều kiện môi trường tốt nhất - chỉ có thể sinh từ 4–5 lần, mỗi lần sinh một con.

Trước đây, các cơ quan chức năng lập dự án di chuyển cụm dân cư gần 200 người, thuộc xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn Cát Lộc (khoảng 5.000 ha) để bảo vệ tê giác. Nhưng rồi dự án không thực hiện được. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và tỉnh Lâm Đồng đành chọn giải pháp để dân “sống chung với tê giác”, và “nhường lại” gần 320 ha rừng bảo tồn tê giác cho 38 hộ dân định cư tại chỗ. Trong năm 2008, thêm một con đường dài hơn 18 km từ xã Tiên Hoàng thông qua xã Đồng Nai Thượng (H.Cát Tiên) được thi công trở thành nhát dao cắt đôi vùng rừng bảo tồn tê giác.

"Tê giác có lịch sử tồn tại đã gần 60 triệu năm trên trái đất. Ở thời kỳ băng hà, tại lục địa châu u, châu Á loài tê giác cổ đại có lông đã từng xuất hiện nhưng rồi nhanh chóng tuyệt chủng. Hậu duệ của chúng gồm 5 phân loài: tê giác trắng và tê giác đen (châu Phi); tê giác một sừng lớn, tê giác một sừng nhỏ và tê giác hai sừng (châu Á). Tất cả các loài tê giác đều thuộc nhóm động vật quý hiếm và đang bị đe dọa, đặc biệt là loài tê giác một sừng nhỏ chỉ còn 3–5 cá thể đang sinh sống tại VQGCT..." - thạc sĩ Phạm Hữu Khánh.

Môi trường sống của tê giác còn bị đe dọa bởi những công trình thủy điện sắp triển khai. Các nhà bảo tồn sửng sốt khi dự án thủy điện Đồng Nai 5 (công suất 145 MW) được hình thành, hiện đang trong quá trình chỉnh sửa thêm. Báo cáo tóm tắt đánh giá tác động môi trường của dự án này khẳng định: “Hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 5 nằm trong VQGCT dài 4 km, làm ngập khoảng 200 ha VQGCT”. Vùng ngập này nằm rất gần sinh cảnh bảo tồn tê giác và khu vực công trường chỉ cách VQGCT 1 km. Đập chứa thủy điện này nằm cách khu bảo tồn tê giác chỉ 20 km và mỏ đá A Đắc Sin phục vụ xây dựng công trình cách khu bảo tồn khoảng 30 km. Dự kiến có khoảng 1.000 tấn thuốc nổ sẽ được sử dụng trong quá trình thi công thủy điện Đồng Nai 5. Ban giám đốc VQGCT đã kịch liệt phản đối dự án này vì tê giác là loài cực kỳ thính nhạy, khối lượng thuốc nổ lớn như thế sẽ đẩy nhanh hơn loài vật này đến ngày tuyệt chủng!

Chưa hết, tháng 12.2008, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 (141 MW) tại xã Đồng Nai Thượng và xã Phước Cát 2 (Cát Tiên). Diện tích lòng hồ tới 1.954 ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đắc Nông, Bình Phước và Lâm Đồng, trong đó riêng huyện Cát Tiên bị ngập 732 ha. Đáng lưu ý, khoảng cách từ khu hoạt động của tê giác đến tuyến đập 1 chỉ 2,5 km; đến tuyến đập 2 chỉ 2,8 km; ngoài ra, còn có những tác động ảnh hưởng đa dạng sinh học ở khu vực vùng lõi và vùng đệm của rừng Cát Lộc. Một chuyên gia về lâm nghiệp cho rằng, nếu thực hiện dự án thủy điện này thì rừng bảo tồn tê giác sẽ tiếp tục bị băm nát và nhấn chìm trong nước. “Cái giá của năng lượng quá đắt và sẽ không tính được nếu quần thể tê giác nhỏ bé cuối cùng của thế giới còn lại ở VQGCT cũng bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng vì những công trình thủy điện chỉ có công suất vài trăm MW”, vị chuyên gia này cảnh báo.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.