Áp lực quốc tế dồn vào bán đảo Triều Tiên

15/04/2009 23:43 GMT+7

Căng thẳng quốc tế tiếp tục dâng cao sau khi CHDCND Triều Tiên trục xuất thanh sát viên LHQ và tái khởi động chương trình hạt nhân.

Sau khi tuyên bố không bao giờ trở lại bàn đàm phán 6 bên, CHDCND Triều Tiên vào tối 14.4 đã yêu cầu các thanh sát viên hạt nhân của LHQ rời khỏi nước này trong thời gian sớm nhất. Vài giờ sau đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Bình Nhưỡng đã yêu cầu nhóm thanh sát viên đảm nhận công việc dỡ bỏ các lò phản ứng và kiểm chứng các chương trình hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon ngừng ngay hoạt động tại đây, theo hãng tin AFP. Như vậy, kể từ năm 2002 đến nay, không dưới 3 lần các thanh sát viên của LHQ đã bị Bình Nhưỡng trục xuất khỏi các lò phản ứng của nước này.

IAEA cũng cho biết giới chức sở tại đã yêu cầu tổ chức dỡ bỏ tất cả trang thiết bị giám sát tại cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng thời tuyên bố sẽ nhanh chóng khôi phục lại các cơ sở hạt nhân cũng như tái xử lý nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. AFP dẫn lời một quan chức tại Seoul có tham gia vào bàn đàm phán 6 bên cho hay đến ngày 14.4, CHDCND Triều Tiên đã hoàn tất bước thứ 8 trong số 11 bước theo quy trình vô hiệu hóa các lò phản ứng và đang chuyển sang bước thứ 9, bao gồm việc rút các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng khỏi lò phản ứng và đặt chúng vào ao làm lạnh.

Tháng 2.2007: Bình Nhưỡng đồng ý đóng lò phản ứng chính để đổi lấy viện trợ.

Tháng 6.2007: Bình Nhưỡng đóng lò phản ứng chính tại Yongbyon và công khai danh sách về tài sản hạt nhân.

Tháng 10.2008: Mỹ xóa tên CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố.

Tháng 12.2008: Bình Nhưỡng trì hoãn tiến trình dỡ bỏ chương trình hạt nhân sau khi Mỹ quyết định ngưng viện trợ nhiên liệu.

Tháng 1.2009: CHDCND Triều Tiên thông báo cắt đứt toàn bộ thỏa thuận quân sự và chính trị với Hàn Quốc.

5.4.2009: Bình Nhưỡng phóng tên lửa mang theo vệ tinh viễn thông.

14.4.2009: Sau khi HĐBA LHQ chính thức ra tuyên bố phản đối sự kiện 5.4, Bình Nhưỡng rút khỏi bàn đàm phán 6 bên.

Trước diễn biến hết sức nhanh chóng và đầy phức tạp tại bán đảo Triều Tiên, các nước tham gia đàm phán 6 bên đã kêu gọi Bình Nhưỡng lập tức quay lại bàn đối thoại. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người từng có quan điểm cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên, đánh giá chuyện Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên LHQ là “phản ứng không cần thiết” đối với tuyên bố hợp pháp từ HĐBA LHQ. Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs còn khẳng định CHDCND Triều Tiên đã phạm một sai lầm vô cùng nghiêm trọng, yêu cầu nước này ngừng ngay “những lời đe dọa đầy khiêu khích” trên. Còn Nga, Trung Quốc, 2 nước đã thành công trong việc ngăn chặn HĐBA ra một nghị quyết mới về CHDCND Triều Tiên, đã thúc giục nước này quay lại bàn đàm phán 6 bên, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Theo đánh giá của các nhà phân tích tại Seoul, CHDCND Triều Tiên rất nghiêm túc khi đưa ra những lời tuyên bố trên và Mỹ có thể phải ra mặt đề nghị các cuộc đàm phán song phương trực tiếp trong nỗ lực đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Hãng KBS cũng đưa tin Hàn Quốc sẽ tuyên bố chính thức tham gia Sáng kiến phòng ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) do Mỹ khởi xướng vào năm 2003. Việc gia nhập PSI sẽ cho phép Hàn Quốc kiểm tra và ngăn chặn bất cứ tàu thuyền nào hướng đến CHDCND Triều Tiên nếu nghi ngờ chúng chở vũ khí hoặc các thiết bị nằm trong danh sách cấm vận. Trước đó, Bình Nhưỡng từng khẳng định việc gia nhập PSI của Seoul là hành động tuyên chiến với CHDCND Triều Tiên và Bình Nhưỡng sẽ có biện pháp trả đũa thích hợp. Hiện CHDCND Triều Tiên được cho là có từ 6 đến 12 quả bom hạt nhân loại nhỏ, tùy theo các nguồn tin khác nhau.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.