Đời thợ lặn

12/04/2009 01:13 GMT+7

Có một nghề mà “lưỡi hái tử thần” luôn kề bên, nên chỉ cần một sơ sẩy nhỏ lập tức bị tàn phế suốt đời, thậm chí tính mạng cũng không còn, đó là nghề thợ lặn.

Cuộc sống sung túc

Một, hai, ba... dô! Tiếng cụng ly leng keng. Ực - ly bia hết veo. Đó là cảnh thường gặp ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sau mỗi chuyến biển trở về của những người thợ lặn. Với họ, đặt chân lên bờ là thời gian "ăn chơi" để bù lại những ngày bất chấp hiểm nguy mưu sinh dưới lòng đại dương. Sau vài ngày bia rượu “xả láng, sáng về sớm” với bạn bè, sum họp với vợ con, gia đình, những thợ lặn vai u thịt bắp, mình trần trùi trụi lại lên tàu vượt trùng khơi ra tận vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa  hoặc vào Vũng Tàu ngược ra Hải Phòng lặn tìm cá, tôm, hải sâm và sắt phế liệu của những con tàu bị đắm dưới biển sâu. Mỗi chuyến biển kéo dài cả tháng trời, những tốp thợ lặn “thi nhau” ngâm mình dưới lòng đại dương mênh mông để “bắn” cá, “săn” hải sâm. Những năm gần đây, thương lái từ khắp nơi kéo về Lý Sơn “săn lùng” mua hải sâm với giá khoảng 500.000 đồng/kg nên mỗi tàu thuyền khi trở về đảo cũng kiếm được từ 400 - 500 triệu đồng. Riêng thợ lặn người ít thì cũng cầm trong tay được 10 - 15 triệu đồng, người nhiều lên đến 25 triệu đồng. Sáu chuyến biển trong vòng 1 năm, mỗi thợ lặn tìm hải sâm ở Lý Sơn cũng "hái" được hàng trăm triệu đồng.

Bi kịch

Cách đây gần 2 năm khi tiễn đưa thợ lặn trẻ Dương Văn Anh, 18 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh về với cát bụi, thợ lặn Huỳnh Văn Chứa chua chát nói: “Sinh nghề, tử nghiệp nên đã bước vào nghề lặn phải chấp nhận rủi ro thôi, “tử thần” thương thì nhờ, còn “kêu” thì chịu”. Đã nhiều lần chứng kiến những người bạn lặn phải bỏ mạng giữa biển khơi, thậm chí có người không tìm được thi thể, chứng kiến nỗi đau khôn nguôi của những người cha, người mẹ, người vợ mất đi người con, người chồng xấu số nên không ít lần anh Chứa dự định bỏ nghề lặn đã gắn bó với mình hàng chục năm trời. Nhiều đêm suy đi, tính lại nếu bỏ nghề thì lấy gì sống, nuôi vợ con, vả lại nghĩ rằng số phận mình đã gặp may chỉ bị tai biến nhẹ làm lệch đôi chân trong một lần lặn sâu dưới đáy biển nên anh Chứa vẫn tiếp tục theo nghề, “bám” lòng đại dương để mưu sinh.

Thời gian cứ thế trôi đi, đầu tháng 3.2009, tôi ra đảo ghé thăm nhà anh Chứa. Nào ngờ vừa bước vào nhà, người tôi như lặng đi khi biết tin Chứa đã vĩnh viễn ra đi trong chuyến biển lặn tìm hải sâm vào tháng 8.2008 khi vừa tròn 36 tuổi, bỏ lại người vợ và đứa con thơ dại mới đầy 3 tuổi. Những khu nghĩa địa ở Lý Sơn, phần mộ của những người thợ lặn mỗi năm một nhiều lên, trong đó không ít những ngôi mộ gió mà thân xác của thợ lặn nằm lại biển khơi.

 
Vui cùng con thơ - niềm hạnh phúc duy nhất của người thợ lặn bị tàn phế suốt đời - Ảnh: Hiền Cừ

Thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” nhưng 3 năm nay thợ lặn Nguyễn Vui, 27 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh phải nằm liệt một chỗ cũng vì nghề lặn. Chạy chữa khắp nơi, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm trái lại mỗi ngày càng nặng hơn, hằng ngày vệ sinh cá nhân đều do người mẹ lo liệu. “Em tên Vui nhưng đời em chẳng vui gì. Chưa vợ con, bây giờ nằm liệt một chỗ coi như đã chết, cuộc sống cũng chẳng còn có ý nghĩa gì”, Vui ứa nước mắt. Gặp gỡ, chuyện trò với nhiều thợ lặn đất đảo mới biết, mới thấu hiểu bao chuyện vui, buồn của nghề lặn. Ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa lành lặn với tàn phế suốt đời mong manh như sợi tóc. Người đã chết để lại bao buồn thương, người tàn phế thì để lại gánh nặng cho gia đình, vợ con. Nằm trên sàn nhà, hai chân mỗi ngày một teo dần, vết loét trên lưng lại hành hạ, thợ lặn Trần Đình Lộc, 42 tuổi, tự an ủi: “Đời thợ lặn mỗi người một số phận chứ biết kêu ai. Tai nạn trên biển cũng như tai nạn giao thông trên đất liền, may nhờ, rủi chịu thôi”.

Xui xẻo đến với anh trong chuyến lặn tìm sắt phế liệu ở Vũng Tàu vào tháng 1.2006. Bước qua ngày thứ 5, khi đang ở độ sâu 52m lại gặp ngay luồng “nước độc” nên cảm thấy các khớp xương như giãn ra, thân người đau nhức, tê rần. Biết chuyện chẳng lành, anh Lộc nhanh tay giật dây lia lịa báo hiệu cho những người trên tàu biết là phải lên gấp. Lên tàu xong, Lộc được anh em trục xuống biển giảm áp trở lại. Tưởng thoát nạn, nào ngờ đến khuya, nửa thân người từ từ tê dần, chân không đi được nữa. Từ đó tài sản tích cóp được sau bao năm trời đi biển lần lượt “đội nón” ra đi để lo tiền thuốc thang. “Ở Lý Sơn phải có đến hơn 20 người bị liệt nằm một chỗ như tôi. Mới năm ngoái ở gần nhà tui có hai thợ lặn sau nhiều năm tàn phế đã qua đời, còn bị tê tê, đi cà queo, điếc thì đếm không xuể đâu”, anh Lộc thở dài.

Nhà nhà đi... lặn

Có thể nói ít có địa phương nào trong cả nước lại có nhiều thợ lặn như ở huyện đảo Lý Sơn. Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện nhẩm tính, cả đảo có hơn 2.600 lao động làm nghề biển thì đã có đến khoảng 1.200 thợ lặn. Phương tiện lặn của những người thợ lặn nơi đây cũng cực kỳ đơn giản, chỉ cần cái kiếng, ngậm ống hơi, quần đùi, áo thun, thậm chí có người để mình trần là có thể lặn xuống đại dương với độ sâu từ 50-70m. Theo các nhà chuyên môn, lặn xuống sâu 10m thì 1 cm2 trên cơ thể phải chịu áp suất nước là 1 atmosphere (tương đương 1 kg). Nếu lấy diện tích cơ thể con người (khoảng 3-4m2) nhân lên thì có thể biết những người thợ lặn phải chịu áp suất của nước rất lớn, nếu càng xuống sâu người bị cuộn tròn như trái banh nhựa và muốn... nổ tung.  Bác sĩ Nguyễn Xuân Mến - Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, nguy hiểm nhất của nghề thợ lặn là việc thở bằng “không khí nén”. Bởi lẽ ngư dân Lý Sơn thường dùng máy nén khí thủ công lấy nguồn không khí tự nhiên nên có hàm lượng khí nitơ khá cao, kể cả khí từ máy nén thải ra rồi nén không khí vào bình chứa chịu áp lực cao. Từ đó không khí được nén dẫn theo hệ thống van đến các ống truyền khí thở đến thợ lặn, do vậy chẳng may hít phải bọt khí nitơ thì thợ lặn lập tức bị tắc mạch máu não, tủy sống gây nên tử vong hoặc tàn phế do liệt não, liệt do tổn thương tủy sống, điếc do thủng màng nhĩ, tiêu xương do nhồi máu tủy xương, trầm cảm... Đó là chưa kể đến các trường hợp ống hơi truyền khí bị quấn vào chân vịt hoặc đứt thì coi như thợ lặn... lặn luôn dưới biển. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi, số thợ lặn tử vong ở Lý Sơn trong vòng 4 năm qua đã lên đến gần 50 người. Hằng năm có khoảng 400 vụ tai nạn biển các loại, trong đó tai nạn do lặn chiếm tỷ lệ đáng kể khoảng 7-10 người bị tử vong, 4-5 người bị tê liệt và nhiều người bị tổn thương nhẹ.

Dạy nghề lặn

Để hạn chế tối đa những rủi ro, tai nạn cho thợ lặn, lần đầu tiên một dự án dạy nghề lặn cho 21 thợ lặn ở huyện đảo Lý Sơn do Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học đời sống (AFEPS) phối hợp cùng Sở Y tế Quảng Ngãi tổ chức vào đầu tháng 3 vừa qua. Tiến sĩ y khoa Jean Ruffez, Chủ tịch AFEPS nhận xét: “Ngư dân làm nghề lặn ở Lý Sơn chỉ dựa vào kinh nghiệm mà không nắm vững nguyên tắc cơ bản khi làm việc trong môi trường áp suất của nước biển. Tôi thực sự sửng sốt khi nhìn thấy bộ đồ lặn của họ quá đơn giản thế mà lại bạo gan lặn ở độ sâu 60-70m, thật khủng khiếp”. Anh Mai Văn Lê bộc bạch: “Lớp học này thật thú vị, bổ ích rất nhiều cho những thợ lặn ở Lý Sơn. Nhiều kỹ thuật bơi, lặn, cách sơ cấp cứu người bị nạn rất mới lạ, đặc biệt được trang bị bộ đồ lặn chuyên nghiệp như vầy, tui nghĩ sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro”. 

Hiền Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.