300 triệu đồng dựng vở ballet diễn… 2 buổi

09/04/2009 23:17 GMT+7

Tối nay 10.4, vở ballet kinh điển Spartacus được tái dựng trên sân khấu Nhà hát Lớn - Hà Nội. Thế nhưng, vở chỉ được diễn trong 2 buổi rồi chờ đến cuối năm mới... tính tiếp. Thanh Niên đã trao đổi với ông Phạm Anh Phương, Giám đốc nghệ thuật Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN.

* Bỏ ra 300 triệu đồng dựng vở chỉ để diễn 2 buổi, có là lãng phí không, thưa ông?

- Kinh phí dựng vở là 300 triệu đồng, chưa kể tiền thuê Nhà hát Lớn khoảng chục triệu đồng và các chi phí khác nữa. Trong 300 triệu đồng ấy, tiền bồi dưỡng cho diễn viên chỉ 12.000 đồng/buổi; cát-sê của solist chỉ 300.000 đồng/đêm diễn và 200.000 đồng/tập thể. Trong khi để có thể diễn 2 buổi, chúng tôi phải tập suốt 2 tháng trời. Lý do chỉ diễn có 2 buổi vì kinh phí thuê điểm diễn và sức của diễn viên chỉ có hạn. Thường thì diễn xong 2 buổi phải nghỉ chứ không thể diễn liên tục được. Và muốn diễn cũng phải có khán giả.

* Nhưng vé của Spartacus là 300.000 đồng trong khi lượng khán giả gần như đã được đoán trước?

 

Ảnh: Ngọc Thắng

- Cách đây 4 năm, chúng tôi phát vé mời là chủ yếu. Nhưng bây giờ đã bắt đầu bán được vé. Nói thực, chỉ khách quốc tế mua là chính. Bán được 50 triệu đồng, 100 triệu đồng/buổi là mừng rồi. Không phải nhà hát không có nhiều kịch mục. Nhưng lượng khán giả trong nước không cao nên thường chúng tôi chỉ diễn vào mùa xuân, mùa thu chứ nếu tháng nào cũng diễn thì sẽ không có người xem.

Muốn phát triển loại hình nghệ thuật này cần đến sự đầu tư của Nhà nước. Một năm, đoàn ballet New York được đầu tư mấy chục triệu USD, trong khi ở Việt Nam, 12 nhà hát trực thuộc Bộ VH - TT - DL luôn được đầu tư theo kiểu cào bằng. Với loại hình nghệ thuật bác học này, nếu Nhà nước không hỗ trợ thì hẳn nhiên nó sẽ tàn lụi. Tất nhiên, chúng ta thông cảm vì có những vấn đề không thể giải quyết ngay. Nhưng kêu gọi xã hội hóa loại hình nghệ thuật cổ điển sẽ rất khó. Nhiều nhà tài trợ có tiền nhưng tri thức nghệ thuật lại kém. Gần đây, cũng có một số tài trợ cho một số chương trình nghệ thuật cổ điển nhưng thực ra mục đích nhằm vào cá nhân nơi tài trợ chứ không phải phục vụ khán giả.

"Nhà hát không có ý định mang Spartacus vào TP.HCM, vì muốn vào Nam phải tốn ít nhất 500 triệu đồng/chuyến, trong khi chỉ diễn có 2 tối. Từ đầu năm 1990 đến nay, chúng tôi chưa hề vào TP.HCM lưu diễn".

Ông Phạm Anh Phương

* Vì sao nhà hát lại chọn Spartacus trong khi còn rất nhiều kiệt tác chưa có cơ hội ra mắt?

- Thật ra, từ năm 1982, nhà hát đã từng dựng vở này nhưng sau đó không diễn tiếp vì lý do kinh tế và nhân lực. Hiện tại, Bộ VH - TT - DL đang có chủ trương giới thiệu tác phẩm kinh điển nên đây là một lời đáp của nhà hát. Spartacus là vở ballet có tinh thần cách mạng nhân văn. Những ballet đề tài anh hùng ca kiểu này sẽ gần gũi với người Việt Nam, một đất nước đã trải qua chiến tranh. Mà người Việt Nam cũng đã biết về Spartacus qua văn học, điện ảnh nên cảm nhận cũng sẽ tốt hơn.

* Sau gần 30 năm, nói một cách chính xác, trình độ của các nghệ sĩ ballet Việt Nam đã đạt đến đẳng cấp nào?

- Kỹ thuật của diễn viên tốt hơn ngày trước nhưng tâm hồn, cảm xúc thì còn phải trau chuốt nhiều. Nhà hát cũng có một số nghệ sĩ đạt trình độ quốc tế, như Cao Chí Thành. Nhưng có cái khó là phải 7 năm trời mới đào tạo được một diễn viên ballet, thì sau khi học xong, các em lại ra biểu diễn ở sàn nhảy, bởi vì chỉ làm cho Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thì không đủ để sống. Lương 1,1 triệu đồng/tháng thì thà ra Hồ Gươm Xanh múa, kiếm 500.000 đồng/tối còn hơn. Tôi đang rất muốn trả lương cho diễn viên 3 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu làm thế thì ngân sách chẳng còn gì để hoạt động!                    

Y Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.