Bản quyền nhạc Việt - vi phạm vẫn cao

20/03/2009 12:40 GMT+7

“VN đã có những chuyển biến tích cực trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong suốt một năm qua, nhưng bấy nhiêu vẫn còn chưa đủ” là ý kiến đồng thuận của các nhạc sĩ, nhà báo, nhà khoa học trong hội thảo về vấn đề bản quyền tại VN được tổ chức chiều 16-3 tại ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Một năm trước, khi tìm đến VN để tìm hiểu về thực trạng vi phạm bản quyền, các giáo sư Koji Domon, Kiyoshi Nakamura (ĐH Waseda, Nhật Bản) đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến những hành vi xâm hại quyền tác giả diễn ra tràn lan, công khai trước sự xót xa, bất lực của các chủ sở hữu (Tuổi Trẻ 28-1-2008).

Lần trở lại này, ông bất ngờ vì sự tiến bộ của VN khi được biết về hoạt động của Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc VN (VCMPC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV). Sự bất ngờ của hai vị giáo sư dù vậy mau chóng tan biến khi các nhạc sĩ chứng minh mình chưa được bảo vệ đầy đủ, vẫn phải loay hoay tự vệ.

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn mang đến hội thảo câu chuyện của anh: trên chuyến taxi từ sân bay về nhà, anh được người tài xế mở cho nghe đĩa nhạc “của Trần Mạnh Tuấn” gồm những tác phẩm anh từng trình tấu chép chung với phần biểu diễn của những người nào đó anh không hề biết. Và thay vì phân trần với người tài xế, Trần Mạnh Tuấn ký tặng anh một album chính thức và xem đó như một kỷ niệm trong đời. Anh nói: “Tôi rất cảm ơn ai đó đã đánh giá cao Trần Mạnh Tuấn khi để tên tôi, in hình tôi lên chiếc đĩa ghép ấy, nhưng đó chính là vi phạm bản quyền”.

Tỉ lệ vi phạm xếp thứ ba khu vực

15 tỉ đồng mà VCMPC thu được trong năm 2008 là con số đáng khích lệ. Hợp đồng trả phí bản quyền giữa RIAV với các website nhạc số có giá trị trung bình 1 tỉ đồng/năm cho thấy sự tiến bộ về ý thức của người sử dụng âm nhạc cũng như thắng lợi của công tác bảo vệ bản quyền tác phẩm. Những đợt thanh tra sắp tới của Bộ VH-TT&DL đối với các website, doanh nghiệp cũng khẳng định ý chí giải quyết vấn nạn vi phạm quyền tác giả tại VN từ cơ quan chức năng.

Tất cả những điều trên đã giúp kéo giảm tỉ lệ vi phạm của VN từ 92% trong năm 2004 xuống còn 85% trong năm 2007. Song 85% vi phạm vẫn còn là một con số khổng lồ (xếp thứ ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đủ làm chùn bước các hãng băng đĩa, nghệ sĩ quốc tế khi có ý định tiếp cận thị trường VN.

Tất nhiên nghệ sĩ cũng hiểu khi những vi phạm lớn hơn vẫn chưa ai dẹp nổi, thì chuyện sản phẩm âm nhạc của anh không còn toàn vẹn sau khi bị sao chép chỉ là chuyện cỏn con. Bên lề hội thảo, Trần Mạnh Tuấn còn cho biết thêm: “Có nhiều website, công ty đến gặp tôi đề nghị làm đại diện bản quyền, nhưng khi xem lại những bản hợp đồng thì hầu hết đều chỉ tập trung vào quyền lợi khai thác tác phẩm của họ chứ không phải bảo vệ nghệ sĩ”.

Nhạc sĩ Quốc Bảo khẳng định anh không trông mong gì vào sự bảo vệ của các cơ quan chức năng nên đành chọn cách phát hành album với số lượng rất hạn chế. Anh nói: “Album sắp tới của tôi sẽ chỉ phát hành khoảng vài trăm bản, chủ yếu cho giới sưu tập”. Song như chính anh cũng phải thừa nhận không thể bảo đảm rằng album sẽ không bị sao chép. Thậm chí với số lượng phát hành ít ỏi như vậy, những album sao chép lại được dịp khuếch trương khi những người muốn nghe không tìm được đĩa chính thức.

Ý kiến của một nữ sinh viên đã gây bất ngờ cho hầu hết diễn giả khi cô khẳng định đối với người hâm mộ không có chuyện mua đĩa lậu. “Em và các bạn vẫn luôn tìm mua đĩa gốc của các ca sĩ thần tượng trong nước và nước ngoài dù giá cả khá đắt. Chúng em cho rằng đó chính là cách thiết thực nhất để thể hiện tình cảm của mình đối với thần tượng, và nếu như mỗi nghệ sĩ có được một lực lượng ủng hộ đủ mạnh, họ có thể tuyên chiến với nạn vi phạm bản quyền”.

Giáo sư Nakamura lại kể một câu chuyện khác khi ông vào một tiệm đĩa tại Trung Quốc, gặp nhóm bạn trẻ đang mua đĩa chép của các ca sĩ Nhật. Trả lời câu hỏi vì sao lại mua đĩa chép khi các bạn tự nhận là người hâm mộ của những thần tượng kia, nhóm bạn đáp: “Vì đĩa chép giá chỉ có 9 tệ trong khi đĩa gốc tới gần 60 tệ”.

Người hâm mộ VN hẳn sẽ chia sẻ điểm này khi so sánh mức giá đĩa. Nhưng “khi mua đĩa gốc, bạn không phải chịu cảm giác phạm tội”. Ông Trương Ngọc Minh, đại diện website pops.vn, tin tưởng vào điều này, cho dù như chính ông cho biết những doanh nghiệp tiên phong trong việc chi trả phí bản quyền vẫn chưa nhận được sự bảo vệ, vẫn đang phải từng ngày cạnh tranh với các website download nhạc bất hợp pháp.

Một năm nhìn lại vẫn thấy khó có đối tác nào đủ can đảm bắt tay với VN, và cuối cùng thì chính công chúng phải chịu hậu quả cho thói quen nhạc chùa, đĩa chép, phim lậu của mình.

Theo Phạm Thành Nhân / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.