Công trình ngầm

20/03/2009 00:16 GMT+7

Hệ thống công trình ngầm ở TP.HCM, trong đó bao gồm viễn thông, điện lực, cấp nước, thoát nước… lâu nay ai cũng hiểu đó là mạng lưới phục vụ an sinh cực kỳ quan trọng đối với hàng triệu dân cư đô thị lớn nhất nước này. Song khi “đại công trường” được mở ra, các nhà thầu thi công đã “khai quật” một sự thật không thể tưởng tượng nổi.

Trên đường Thuận Kiều (Q.11), nhà thầu Nhật Bản thi công gói thầu D của dự án Cải thiện môi trường nước hơn 4 tháng nay đã phải “trùm mền” lô cốt vì bất ngờ vướng ống cấp nước phi 600. Còn trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), một nhà thầu khác cũng đụng ống cấp nước phi 450. Và điều không thể hình dung là đến lúc đó, “ông” cấp nước mới hay tuyến ống ấy đã tồn tại suốt 70 năm nay, mà không biết!

Thêm một chuyện khôi hài khác là ở giao lộ Bến Chương Dương – Pasteur (Q.1), khi nhà thầu thi công đụng tuyến cáp ngầm, mời hai “ông” điện thoại và điện lực đến thì ông nào cũng nói “không phải của tui”, chỉ đến khi nhà thầu mạnh tay cắt bỏ thì chủ nhân mới chịu nhận. Tâm sự với PV Thanh Niên, phó giám đốc một dự án dân sinh của TP kể thêm rằng có những công trình ngầm được lắp đặt từ trước năm 1975, các nhà quản lý “biết là có ở đó, nhưng không biết nằm ở tọa độ nào”, thế là phải đào thăm dò trước…

Sự cố mà các nhà thầu đang đối mặt đều nằm ở những “công trình sống”, có những ông chủ nhưng không có ông chủ nào đóng vai trò “tổng quản”. Thực tế không có cơ quan nào của TP “nắm” được tổng quan mạng lưới các công trình đô thị nên mạng lưới an sinh của TP đã rớt ra khỏi sự quản lý và thậm chí đã nằm ngoài “sự hiểu biết” của chính bản thân các chủ nhân của những mạng lưới ấy. “Ông” cấp nước không biết đường ống của mình nằm ở đâu, “ông” thoát nước và cả “ông” bưu điện cũng thế thì thử hỏi làm sao người dân có thể yên tâm được? Không chỉ là việc khi xảy ra sự cố người ta có biết được địa chỉ chính xác để sửa chữa nhanh hay không, mà chính sự không minh bạch trong lòng đất này buộc dư luận phải nghĩ đến vấn đề tiêu cực của những chủ đầu tư trước đây, mà “vụ án cống hộp” và những vụ việc từng được phát hiện gây bức xúc trong dư luận những năm qua là bằng chứng điển hình.

TP.HCM ngày nay đang phát triển mạnh trên cái nền của một đô thị hiện đại. Mà lợi thế của đô thị hiện đại là “tất cả đều đưa xuống lòng đất”. Bởi vậy khi ngành GTVT nói rằng “chỉ bắt đầu quản lý công trình ngầm trong khoảng từ 10 năm trở lại đây, còn trước đó như thế nào thì không biết”, người dân có cảm giác như không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.