Bệnh bụi phổi silic có chữa được không?

19/03/2009 11:49 GMT+7

PGS Lê Thị Tuyết Lan - Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP.HCM - cho biết đầu tháng 3, BV tiếp nhận sáu bệnh nhân là người đào vàng ở xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam đến khám “bệnh lạ” như báo đưa tin hồi tháng 2. Các bệnh nhân có một số triệu chứng bệnh điển hình như khó thở, ho, đàm nhớt, có người ho ra máu.

Các bác sĩ cho làm hàng loạt xét nghiệm (miễn phí), hội chẩn với kết quả năm người bị bệnh bụi phổi silic và đều có tiên lượng bệnh kém.

Theo PGS Tuyết Lan, tác nhân gây bệnh bụi phổi silic là silic tự do (SiO2). Bệnh xuất phát âm thầm, hầu như không có triệu chứng lâm sàng nào trong những năm đầu, nhưng nếu chụp x-quang phổi có thể thấy dấu chứng bệnh.

Bệnh nhân có triệu chứng chính là khó thở. Lúc đầu chỉ khó thở khi gắng sức, nhưng về sau có thể khó thở liên tục và đôi khi khó thở dạng suyễn (có co kéo lồng ngực và nghe thở khò khè). Sau đó bệnh nhân bị ho, lúc đầu ho khan, về sau ho có đàm. Triệu chứng ho phụ thuộc vào người bệnh và thời tiết (dễ ho khi thời tiết lạnh và ẩm thấp). Với những người hút thuốc lá nhiều hay có tiền sử bệnh phổi, ho thường hơn.

"Bệnh không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể chữa trị triệu chứng."

Kế tiếp bệnh nhân có khạc đàm. Lúc đầu khạc ít, đàm trắng trong, về sau đàm có mủ vướng máu, đôi khi ho ra máu. Từ từ bệnh nhân có cảm giác bị tức ngực, thường gặp ở phần dưới ngực, rất khó chịu và có cảm giác như ngực bị bó chặt. Tổng trạng bệnh nhân lúc đầu bình thường. Về sau mệt, sốt nhẹ. Khám lồng ngực thấy như bị “hàn cứng”, không giãn nở theo nhịp hô hấp, trừ khi hít mạnh vào, lồng ngực như dày lên...

Diễn tiến bệnh bụi phổi silic thường âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm, không thể hồi phục được. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể chữa trị triệu chứng, giúp bệnh nhân bớt khó thở, bớt ho, nhiễm trùng (nếu có). Về lâu dài khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy.

Người bị bệnh bụi phổi silic có thể chết trong vòng 10-20 năm sau khi khởi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chết thường không do bệnh bụi phổi silic mà đa số là do biến chứng của bệnh như dễ bị bệnh lao, dễ bị viêm phổi; giãn phế quản, viêm phế quản, viêm mủ màng phổi; tràn khí màng phổi, khí thủng phổi, hoại tử vô khuẩn; tim giãn nở, tim đập nhanh, suy tim, tổn thương mạch vành...

Bệnh bụi phổi silic được phân loại làm ba thể: mãn tính (mắc bệnh sau 15-20 năm tiếp xúc với bụi silic); bán cấp tính (sau 5-10 năm); cấp tính (dưới 5 năm). Theo PGS Tuyết Lan, năm bệnh nhân ở Quảng Nam đều ở dạng cấp tính vì họ bị mắc bệnh rất sớm, chỉ sau 2-3 năm tiếp xúc với bụi silic. Điều này cho thấy hằng ngày các bệnh nhân này đã tiếp xúc với khối lượng bụi khổng lồ, có hàm lượng silic đậm đặc. Bụi silic khi mới được tạo ra từ khoan đá thường rất bén (sắc), dễ xâm nhập phổi.

Theo PGS Tuyết Lan, các bệnh nhân bụi phổi silic này đều là nông dân. BV đã mời Trung tâm Giám định y khoa TP.HCM cùng hội chẩn và giám định bệnh nghề nghiệp với mong muốn những người lao động này được bồi thường nhưng không thể do bệnh nhân không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội.

Theo Lê Thanh Hà / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.